Ung thư không phải là "án tử":

Bài 11: Gần 6.000 bệnh nhân được điều trị bằng dao gamma quay với kết quả tốt

VietTimes  – Sau khi VietTimes đăng loạt bài “Ung thư không phải là án tử”, Tòa soạn đã nhận được nhiều phản hồi tích cực về những thông tin hữu ích mà loạt bài này đưa lại, đồng thời cũng có ý kiến băn khoăn về số lượng bệnh nhân đã được điều trị thành công bằng dao Gamma quay. Để chuyển đến bạn đọc thông tin đầy đủ hơn, VietTimes đã có cuộc trao đổi với GS. Mai Trọng Khoa – nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Bạch Mai, nguyên Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu và là Chủ nhiệm cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác kỹ thuật” đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2016.

GS. Mai Trọng Khoa
GS. Mai Trọng Khoa

+ Thưa GS. Mai Trọng Khoa, BV Bạch Mai là nơi đầu tiên trong cả nước triển khai kỹ thuật xạ phẫu bằng dao Gamma quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não với những kết quả khá ấn tượng. Ông có thể giới thiệu về kỹ thuật này?

GS. Mai Trọng Khoa: Ứng dụng kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay (Rotating Gamma Knife)  là một phương pháp can thiệp không xâm nhập, sử dụng thiết bị hiện đại điều trị cho u não và một số bệnh lý sọ não.

Năm 1968, Larc Leksell đã phát minh ra thiết bị xạ phẫu bằng dao gamma. Hiện nay hầu hết các nước, kể cả các nước phát triển cũng đang sử dụng thiết bị xạ phẫu kinh điển của Larc Leksell.

 Năm 2004 các nhà khoa học Hoa Kỳ đã chế tạo thành công hệ thống xạ phẫu bằng dao gamma quay ART-6000 ™ (Rotating Gamma System, RGS) dựa trên nguyên lý hoạt động của dao gamma kinh điển của Larc Leksell, để khắc phục các nhược điểm nói trên.

Đặc trưng của hệ thống dao gamma quay là khối chứa nguồn và cấu trúc của hệ thống chuẩn trực quay được trong quá trình điều trị. Cửa che chắn và giường bệnh nhân được điều khiển bởi các động cơ một chiều riêng rẽ. Các động cơ được điều khiển bởi hệ thống điều khiển điện tử.

Hệ thống dao gamma quay là sự kết hợp tính chính xác của hệ thống dao Gamma cổ điển, sử dụng nguồn bức xạ Co-60 và kỹ thuật xạ trị lập thể dựa trên máy gia tốc, hình thành nên kỹ thuật xạ phẫu lập thể với nguyên lý sử dụng các chùm tia bức xạ rất mảnh của Co-60 được hội tụ và khu trú một cách chính xác vào vùng khối u hoặc vùng não bệnh lý. Các chùm tia bức xạ này vừa hội tụ vừa được quay trên các quỹ đạo khác nhau, vì vậy khối u và vùng tổn thương sẽ được nhận liều bức xạ cao nhất, nhưng các tổ các tổ chức não lành xung quanh khối u chỉ bị nhận một liều bức xạ thấp.

Hệ thống xạ phẫu dao Gamma quay sử dụng 30 nguồn phóng xạ Co-60 quay quanh đầu bệnh nhân có tổng hoạt độ phóng xạ là 6000Ci hội tụ chính xác tại điểm tổn thương với độ lệch vị trí <0,1mm. Tác động bức xạ bẻ gãy cấu trúc AND gây chết tế bào, làm phồng tế bào nội mô dẫn đến tắc mạch hay xơ hóa tổ chức.

Trong khi đó dao gamma cổ điển sử dụng 201 nguồn Co-60 cố định, nên xạ phẫu bằng dao gamma quay là phương pháp an toàn hơn, giảm được tối đa liều tới tổ chức não lành xung quanh và có thể chỉ định cho những bệnh nhân cao tuổi hoặc trẻ tuổi hơn. Dao gamma quay đặc biệt ưu việt hơn dao gamma cổ điển đối với những khối u ở vị trí sâu và nguy hiểm như u thân não...

Tính đơn giản, độ chính xác rất cao và được tự động hóa trong quá trình hoạt động nên hệ thống xạ phẫu bằng dao gamma là công cụ lý tưởng trong các kỹ thuật xạ phẫu hiện nay.

+ Giáo sư có thể chia sẻ rõ hơn về những ưu thế cũng như nhược điểm của Gamma?

GS. Mai Trọng Khoa: Kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay đặc biệt có giá trị để điều trị cho những tổn thương nằm ở vị trí sâu, phức tạp trong sọ não mà phẫu thuật mổ mở khó hoặc không thể thực hiện được. Nếu không có dao gamma quay để điều trị thì những bệnh nhân có u não hoặc các vùng não bệnh lý (như AVM...) nằm ở vị trí sâu trong sọ não, nhưng không thể phẫu thuật được sẽ rất ít hoặc không còn cơ hội điều trị bệnh, và tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao.

Tiến hành xạ phẫu dao gamma quay tổn thương di căn não
Tiến hành xạ phẫu dao gamma quay tổn thương di căn não

   Trên cơ sở xác định được chỉ định, chống chỉ định và đặc biệt đã xây dựng được quy trình xạ phẫu bằng dao gamma quay, đến nay Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho gần 6.000 bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não, đánh giá kết quả trong và sau xạ phẫu, cho thấy: Xạ phẫu dao gamma quay là một phương pháp điều trị hiệu quả, an toàn cho u não và một số bệnh lý sọ não; Cải thiện nhanh triệu chứng lâm sàng và kiểm soát tốt tổn thương;  Có thể tiến hành điều trị cho những bệnh nhân có nhiều khối u cùng một lúc hoặc thực hiện xạ phẫu lần 2, lần 3 cho bệnh nhân mà ít ảnh hưởng tới chỉ số toàn trạng người bệnh; Thời gian xạ phẫu ngắn, thời gian nằm viện ngắn, thao tác kỹ thuật lập trình trên hệ thống phần mềm máy tính chuyên dụng đảm bảo độ chính xác cao, đặc biệt có hệ thống kiểm tra trước khi xạ phẫu nên rất an toàn cho người bệnh.

Cụm công trình nghiên cứu của GS.TS. Mai Trọng Khoa được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ đánh giá: “Việc ứng dụng các bức xạ ion hóa nói trên vào trong y học, nhất là trong lĩnh vực ung thư đã góp phần quan trọng trong việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ở Việt Nam một cách hiệu quả, kinh tế và an toàn.”

Đặc biệt, kỹ thuật này điều trị được và mang lại hiệu quả tốt cho những trường hợp khối u não nằm sâu, nằm ở vị trí quan trọng như thân não... (những trường hợp này bệnh nhân rất khó hoặc không thể phẫu thuật hay điều trị được bằng các phương pháp khác), mang lại sự sống cho các bệnh nhân này.

Từ những kết quả thu được, cho thấy xạ phẫu bằng dao gamma quay là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả, thời gian nằm viện ngắn, nâng cao chất lượng sống cho các bệnh nhân u não và một số bệnh lý sọ não. Cho đến nay chưa có bệnh nhân nào bị tử vong trong quá trình tiến hành xạ phẫu bằng dao gamma quay  tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai.

Bên cạnh những ưu điểm nói trên thì xạ phẫu bằng dao gamma quay là một kỹ thuật khó, thiết bị đắt tiền, được tự động hóa hầu hết các bước trong quy trình. Máy sử dụng một nguồn phóng xạ Co-60 với hoạt độ phóng xạ rất lớn (khoảng 6000 Ci) nên công tác an toàn phóng xạ cho nhân viên, cho môi trường và cho bệnh nhân cần  phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Để sử dụng hiệu quả, an toàn cho bệnh nhân trong quá trình điều trị bằng thiết bị này thì cần đòi hỏi phải có một đội ngũ bác sỹ xạ phẫu, kỹ sư vật lý, kỹ thuật viên, điều dưỡng được đào tạo bài bản và phải có chứng chỉ hành nghề về lĩnh vực xạ trị , xạ phẫu này.

Do là kỹ thuật khó và điều trị cho các khối u và bệnh lý nội sọ nên sẽ có nhiều yếu tố nguy cơ cho người bệnh trong và sau quá trình xạ phẫu do dó cần có sự phối nhợp với cac chuyên gia về nội khoa thần kinh, phẫu thuật thần sọ não, hồi sức cấp cứu… để xự lý khi có sự cố hoặc tình trạng bệnh nhân nặng lên.

+ Xin cám ơn cuộc trò chuyện của giáo sư!

Ngày 17-11-2015, ông P.M (74 tuổi người Thái Lan, sống tại Chiềng Mai, Thái Lan) đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của BV Bạch Mai trong tình trạng mất thính lực tai trái, liệt nửa mặt trái.

 Trước đó, ông P.M từng được mổ u dây thần kinh số VIII bên trái tại một BV của Thái Lan. Tuy nhiên, khối u không giảm mà tái phát tại chỗ, kích thước khá lớn, nên đã chèn ép bịt kín ống tai trong, gây điếc hoàn toàn tai trái, đồng thời, xâm lấn dây thần kinh, làm liệt mặt trái.

Là người có địa vị xã hội nên ông P.M đã được các giáo sư, chuyên gia hàng đầu của Thái Lan thăm khám, tư vấn các giải pháp điều trị. Với thể trạng, tuổi tác và khối u của ông P.M thì các phương pháp phẫu thuật bằng ngoại khoa là không thể. Vì thế, sau nhiều cuộc hội chẩn với các chuyên gia y tế hàng đầu trong nước cũng như quốc tế, ông P.M quyết định đến Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu của BV Bạch Mai để điều trị.

Nhập viện một ngày, hôm sau, bệnh nhân P.M đã được xạ phẫu bằng dao Gamma quay. GS.TS. Mai Trọng Khoa là người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân P.M cho biết: “Sau xạ phẫu, bệnh nhân không nôn, không đau đầu, các dấu hiệu sinh tồn ổn định, mọi sinh hoạt trở lại bình thường”.

Chỉ sau vài ngày, ông P.M đã được ra viện.

Hôm chia tay các bác sĩ BV Bạch Mai, ông P.M bày tỏ: “Tôi được tư vấn sang một số nước phát triển điều trị, nhưng sau khi tìm hiểu và đặc biệt là một số giáo sư hàng  đầu của Thái Lan đã tư vấn tôi nên sang BV Bạch Mai để điều trị. Chỉ một ngày sau xạ phẫu khối u trong não bằng công nghệ của các bạn, tôi đã  trở lại sinh hoạt bình thường. Tôi thực sự vui mừng và thấy mình may mắn khi đã được hoàn thành xạ phẫu an toàn. Đây quả là biện pháp điều trị tốt, khi tôi hoàn toàn cảm thấy bình thường, không đau đớn gì. Tôi thực sự ngưỡng mộ trình độ chuyên môn và tay nghề và sự nhiệt tình, chu đáo với bệnh nhân của các bác sĩ ở đây. Tôi sẽ trở lại BV Bạch Mai khám lại định kỳ theo hẹn của các giáo sư, bác sĩ. Chắc chắn, về nước, tôi sẽ nói với các bác sĩ Thái Lan những điều tôi được tận mắt thấy và trải nghiệm về những thành tựu công nghệ cao mà các bạn đã đã làm chủ được. BV của các bạn rồi sẽ là một địa chỉ tin cậy với các bệnh nhân Thái Lan như tôi.