|
Ảnh minh họa |
Lời Tòa soạn: Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại luôn thu hút sự chú ý của của các nhà giáo dục nói riêng và giới khoa học, công chúng nói chung. Nó cũng luôn gây ra không ít tranh cãi, mặc dù công nghệ giáo dục đã được triển khai từ hơn 40 năm qua. Để rộng đường dư luận VietTimes xin trân trọng giới thiệu loạt bài viết của GS Hồ Ngọc Đại tới bạn đọc.
- Bài 1: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục
- Bài 2:"Anh nên dùng “Quy trình kỹ thuật” của anh để xử lý môn Tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam"
- Bài 3: Thực nghiệm là cái van an toàn lắp vào quá trình giáo dục thực thi công nghệ giáo dục
- Bài 4: “Tôi nghiên cứu lý thuyết và thiết kế Công nghệ giáo dục theo định hướng triết học“
- Bài 5: Phải thay đổi tận nguyên lý lý thuyết và thực tiễn hành nghề của nền giáo dục hàng nghìn năm qua
- Bài 6: Tiếng nói là "vật thật", chữ viết là "vật thay thế"
- Bài 7: "Tôi dạy trẻ em tôn trọng tiếng Việt, yêu tiếng Việt"
- Bài 8: Suốt mấy ngàn năm vẫn duy nhất một “Nghiệp vụ sư phạm”
- Bài 9: “Phải đặt Tiếng trong một chân không về Nghĩa“
Kỳ này:
Bài 10: “Thày thiết kế - trò thi công“ thay cho "Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ"
Tư duy kinh nghiệm/Tư duy khoa học là nội dung luận án tiến sĩ khoa học tâm lý học của Davydov, ở trường Lomonosov. Khi in sách, Davydov nhờ tôi chữa mo-rát. Tôi đọc kĩ từng chữ. Được đọc đúng lúc một quyển sách về tư duy là một may mắn đối với tôi.
Tư duy kinh nghiệm cũng như làm ăn theo kinh nghiệm thì đặc trưng là gì? Ví dụ, làm ăn tiểu nông thì đặc trưng là cày chìa vôi. Cày làm bằng gỗ hay bằng i-nốc, thậm chí cả nạm vàng thì vẫn là cày chìa vôi, không danh giá thêm chút nào, nếu xét về khái niệm.
Cày chìa vôi/Máy cày là hai khái niệm ở hai trình độ phát triển khác hẳn nhau, cao thấp hơn nhau một tầm nguyên lý. Học chữ bằng cách nhớ mặt chữ nguyên tảng, nguyên khối và học chữ trên cơ sở phân tích cấu trúc ngữ âm của Tiếng là hai trình độ cao thấp hơn nhau một tầm nguyên lý.
Mỗi nguyên lý xác lập thời đại của mình. Bước chuyển nguyên lý là một cách mạng. Các cuộc cách mạng đích thực, đúng nghĩa, đều dùng sức mạnh vật chất được tạo ra theo nguyên lý chưa hề có.
Cho đến nay, sức mạnh vật chất làm các cuộc cách mạng, gọi ước lệ:
Cách mạng 1.0 – máy hơi nước.
Cách mạng 2.0 – máy nổ.
Cách mạng 3.0 – máy tính.
Cách mạng 4.0 – máy nghĩ (trí tuệ nhân tạo).
Theo cách nói nhị nguyên của Hegel, mỗi cái máy (thực thể vật chất) là một hình thái tinh thần của khái niệm.
Tôi sang Nga đúng vào thời kỳ nở rộ các luận Phó tiến sĩ về quá trình hình thành khái niệm theo học thuyết của Galperin. Tôi nhập ngay vào dòng chảy ấy.
Trở thành người trong cuộc, tôi cảm thấy quá trình còn “thô”, còn du di được, còn phụ thuộc vào kinh nghiệm.
Trong thời gian ấy, nhờ đọc Marx và Piaget, tôi tìm cách kiểm soát quá trình làm, sao cho không phụ thuộc vào cá nhân người làm: Ai làm cũng như ai.
Bài học đầu tiên và sâu sắc khi tiếp cận với Galperin và Trường thực nghiệm số 91 của Elkonin – Davydov là định hướng: Học là học làm.
Làm thì làm theo một quá trình được tổ chức trước, dùng tâm lý định hướng và chỉ đạo quá trình thực tiễn.
Tôi học được ở Galperin là Hoạt động tâm lý có hai phần:
- Phần định hướng.
- Phần thực hiện.
Tâm lý học coi trọng phần định hướng – định hướng cho quá trình thực tiễn.
Sau này, đưa lý thuyết hoạt động vào giáo dục, tôi chú ý đến thực tiễn giáo dục, đến hiệu quả giáo dục, bằng cách tổ chức Hệ thống việc làm:
Thầy giao việc – Trò làm việc.
Quan hệ Thầy – Trò hiện đại không dựa trên quyền uy áp đặt, càng không dựa trên quyền uy cá nhân ông thầy như thời thầy Khổng Tử.
Quyền uy của Thầy hiện đại thể hiện ở việc làm trần thế từ bản thiết kế đến thực tiễn giáo dục. Thầy hướng dẫn, chỉ đạo, điều chỉnh tại chỗ quá trình học sinh thi công theo Bản thiết kế có sẵn. Để nói rõ dứt khoát, rành mạch quan hệ Thầy – Trò hiện đại là quan hệ công việc theo cơ chế phân công – hợp tác, tôi đưa ra công thức mới: Thầy thiết kế - Trò thi công thay cho công thức cổ truyền Thầy giảng giải – Trò ghi nhớ.