Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí:

Bài 1: Lạm quyền, “mẹ đẻ” của tham nhũng, lãng phí

VietTimes -- Không kiểm soát được quyền lực sẽ tất dẫn đến nhiều hệ lụy mà quan trọng hơn cả là tình trạng tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Tác hại của nó vô cùng lớn. Vì vậy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không dừng không nghỉ" và phải “nhốt quyền lực vào lồng pháp luật”.
Trong thực tế đã xuất hiện dấu hiệu cán bộ, đảng viên lạm dụng quyền lực, liên kết với tội phạm có tổ chức bằng “luật ngầm”, gây hại cho xã hội.

LTS - Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã chỉ rõ: “... tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”.

Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến mất đoàn kết, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và là điều kiện thuận lợi để “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bùng phát khi có thời cơ. Thế nên, không lạ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu rằng, phải “nhốt quyền lực vào lồng pháp luật”.

Loạt bài “Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, lãng phí” tập trung đề xuất giải pháp kiểm soát quyền lực lãnh đạo, quản lý, một vấn đề có tính cấp thiết không chỉ ở thời điểm hiện tại mà cả trong tương lai.

Bài 1: Lạm quyền, “mẹ đẻ” của tham nhũng, lãng phí

Trong điều kiện Đảng cầm quyền như hiện nay, vấn đề sử dụng quyền lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong bộ máy công quyền đang bộc lộ những “lỗ hổng” khá lớn, dẫn đến những hệ lụy khó lường, khiến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng giảm sút. Những “lỗ hổng” ấy được biểu hiện rõ nhất thông qua sự lạm quyền, lộng quyền, nhằm phục vụ mục đích của cá nhân và nhóm người. Đó chính là gốc rễ, là “mẹ đẻ” của tệ nạn tham nhũng, lãng phí.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không dừng không nghỉ" và phải “nhốt quyền lực vào lồng pháp luật”.

Từ xưa đến nay, quyền lực được ví như “ma túy” và là khởi phát gây ra đau khổ cho con người, xã hội. Bởi quyền lực là cơ sở để phục vụ cho tham vọng và cả cuồng vọng của cá nhân và nhóm người vì quyền lực càng lớn thì lợi ích càng lớn và ngược lại. Thế nên, ngay sau ngày lập nước không lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo trong một bài viết: “Có chức quyền, cán bộ, đảng viên rất dễ sa vào quan liêu, tham nhũng, xa hoa, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, xa rời nhân dân, đứng trên nhân dân, ức hiếp nhân dân” (1).

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, và của Chính phủ, là “giặc ở trong lòng”, là “giặc nội xâm” (2). Đây chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp chính làm suy yếu sức mạnh, trực tiếp đe dọa vai trò cầm quyền của Đảng.

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhận định: “xuất hiện những quan hệ không lành mạnh giữa các doanh nghiệp của tư nhân và cơ quan quản lý nhà nước, can thiệp vào quá trình xây dựng, thực thi chính sách để có đặc quyền, đặc lợi, hình thành “lợi ích nhóm”, gây hậu quả xấu về kinh tế - xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân”

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền lực lãnh đạo, quản lý được tập trung thống nhất và phân tách rõ ràng theo chức năng, nhiệm vụ; được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và các văn bản luật hiện hành, tạo sự đồng thuận trong xây dựng và thực hiện các quyết sách chính trị, phát huy mọi sức mạnh, huy động mọi nguồn lực phục vụ xã hội, tiến tới thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) ở Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) bị xét xử cũng là điển hình của sự lạm quyền.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thành tựu đạt được, công tác lãnh đạo, quản lý điều hành của bộ máy công quyền từ Trung ương tới địa phương đã xuất hiện sự lạm quyền hết sức tinh vi. Bản chất của sự lạm quyền là biến quyền được Nhà nước, nhân dân giao phó thành sở hữu cá nhân, đẩy mục tiêu ưu tiên hàng đầu là phục vụ lợi ích chung xuống hàng thứ hai, sau mục tiêu vun vén cho lợi ích cục bộ của cá nhân người có quyền lực hoặc của một nhóm người thân cận,  nhằm chiếm đoạt lợi ích.

Đây chính là “mẹ đẻ” của hiện tượng tham nhũng, lãng phí. Theo thống kê từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tính từ năm 2013 đến hết tháng 8/2018, đã xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo về tham nhũng với các mức án. Xin dẫn ra một vài ví dụ điển hình.

Vụ án lợi dụng quyền hạn để tạo điều kiện thuận lợi cho Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) hợp thức hóa việc thâu tóm đất công ở nhiều địa phương, làm thất thoát tài sản Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng, gây hậu quả nghiêm trọng, khiến cho ít nhất là 4 cán bộ giữ chức vụ cao của Bộ Công an phải hầu tòa, chịu án là bài học rất lớn về lạm quyền. Hiện nay, vụ án Vũ “nhôm” đang được cơ quan chức năng mở rộng điều tra và dư luận rất mong mỏi tìm ra được sự thật để trả lời câu hỏi, liệu Vũ có phải là sĩ quan công an và đối tượng này giữ vai trò, mối liên hệ như thế nào trong ngành và trong các vụ việc tiêu cực?

Vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) ở Công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng) bị xét xử cũng là điển hình của sự lạm quyền. Nghiên cứu tiểu sử của Đinh Ngọc Hệ, nhiều người đặt câu hỏi, là tại sao đối tượng này lại được tổ chức Đảng trong quân đội tuyển dụng làm cán bộ, phong hàm sĩ quan và giao giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý doanh nghiệp quân đội khi chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn về bằng cấp theo quy định pháp luật hiện hành ở thời điểm đó. Trường hợp như Đinh Ngọc Hệ có phải là cá biệt?

Theo thống kê từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tính từ năm 2013 đến hết tháng 8/2018, đã xét xử sơ thẩm 40 vụ án/500 bị cáo về tham nhũng với các mức án.

Hay như thời điểm hiện tại, khi mà cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra, chưa đưa ra thông tin kết luận cuối cùng về gian lận thi cử ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La nhưng dư luận đã cho rằng, đó là hành vi có chủ định của đội ngũ cán bộ, là một dạng của “tham nhũng quyền lực”, “tham nhũng tương lai” rất cần pháp luật nghiêm trị, xử lý cả những phụ huynh là cán bộ “nhờ” nâng điểm cho con.

Ngoài 3 vụ việc điển hình đã dẫn, thực tế đã có hàng trăm vụ việc cán bộ lạm quyền từ nhỏ đến to để đạt lợi ích riêng, trong đó đáng lên án hơn cả là việc lạm quyền chiếm đoạt tiền trợ cấp đối tượng chính sách, hộ nghèo, học sinh bán trú miền núi, tiền hỗ trợ nông dân... Hậu quả là, thế giới đã xếp Việt Nam là một trong các quốc gia có chỉ số minh bạch (CPI) thấp trên thế giới. Cụ thể, năm 2018, Việt Nam đạt 33/100 điểm, xếp hạng 117/180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, giảm 2 điểm và tụt 10 bậc trong bậc xếp hạng so với năm 2017 (35/100 điểm, xếp hạng 107/180).

Theo Tổ chức Hướng tới minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch thế giới (TI) tại Việt Nam, việc tăng nhẹ điểm CPI trong các năm gần đây của Việt Nam là chỉ báo tích cực đối với các nỗ lực phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, nếu xét ở thang điểm từ 0-100 của CPI, trong đó 0 là rất tham nhũng và 100 là rất trong sạch, tình trạng tham nhũng trong khu vực công ở Việt Nam vẫn được cho là rất nghiêm trọng (3).

Thực tiễn cho thấy, sự tha hóa quyền lực không chỉ nằm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà có cả ở đội ngũ trợ lý, công chức, viên chức ở các bộ, ngành, địa phương và diễn ra trong thời gian khá dài, rất phức tạp, bất chấp pháp luật, đạo lý, khiến nhân dân rất bức xúc và rất khó xử lý.

Phân tích các vụ việc nhận thấy có điểm chung, là nhiều cán bộ đã dùng quyền để tác động vào chính sách, tạo ra cơ chế thuận lợi để cá nhân hoặc nhóm người dễ bề thao túng hưởng lợi. Đặc biệt, trong thực tế đã xuất hiện dấu hiệu cán bộ, đảng viên lạm dụng quyền lực, liên kết với tội phạm có tổ chức bằng “luật ngầm”, gây hại cho xã hội.

Những biểu hiện tha hóa quyền lực của cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là của cán bộ lãnh đạo, quản lý rất đa dạng, tinh vi, theo từng vụ, từng việc và rõ nhất là trong công tác cán bộ, trong quản lý kinh tế, trong thực hiện các chính sách, thông qua các đề án, dự án... Thực tế trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã cho thấy, các đối tượng này thường câu kết thành nhóm, nghiên cứu kỹ các quy định và thông tin liên quan sau đó xây dựng văn bản, dự án, đề án với các cơ chế, điều kiện thuận lợi dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng vẫn bố trí người lực lượng thân tín để dễ dàng hợp thức hóa các lợi ích.

Điển hình là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để cấp, bán đất trái thẩm quyền, xác nhận không đúng nguồn gốc đất để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cố ý áp sai chế độ thu và “quên” đốc thúc hoặc tạo ưu ái giảm nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước cho chủ đầu tư; bán tài sản các doanh nghiệp nhà nước mà không tính đến những tài sản vô hình và lợi thế thương mại hoặc như hiện tượng đổi đất lấy hạ tầng, thông thầu, nâng thầu...

Không kiểm soát được quyền lực sẽ tất dẫn đến nhiều hệ lụy mà quan trọng hơn cả là tình trạng tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Tác hại của nó vô cùng lớn. Không chỉ làm phân tán nguồn lực mà còn làm cho phân hóa giàu nghèo ngày càng doãng rộng, gây ra cạnh tranh không lành mạnh và ngày càng khó kiểm soát... dẫn đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng giảm sút. Thế nên không lạ khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không dừng không nghỉ" và phải “nhốt quyền lực vào lồng pháp luật”.

(Còn nữa)

Chú giải:

(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t.7, tr.176.

(2)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr. 351-369.

(3) http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/chi-so-cam-nhan-tham-nhung-cpi-2017-viet-nam-co-tin-hieu-tich-cuc_t114c68n130778