|
Trường Đại học Y Hà Nội ký kết hợp tác toàn diện với 12 bệnh viện là cơ sở thực hành của Trường trên địa bàn Hà Nội |
Rạn vỡ quan hệ truyền thống
Từ nhiều thập kỷ qua, các Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Xanh Pôn, Nhi Trung ương, Bệnh viện K, Bệnh viện Phụ sản Trung ương … đều là những cơ sở thực hành cho các thế hệ sinh viên của Trường Đại học Y Hà Nội. Trường Đại học Y Thái Bình cũng có 15 bệnh viện là cơ sở thực hành ở Nam Định, Thái Bình, Hà Nam Quảng Ninh vv… Quan hệ viện - trường là mối quan hệ “cộng sinh”, đôi bên cùng có lợi và gắn bó như trong gia đình.
Sinh viên, học viên, đến bệnh viện thực tập, sẽ giải quyết được vấn đề cơ sở thực hành vốn là điều trường đại học y không thể có đủ. Còn với các bệnh viện, hàng nghìn sinh viên thực tập mỗi năm chính là lực lượng lao động rất lớn mà bệnh viện không mất đồng nào vẫn được sử dụng.
Tuy nhiên, gần đây, dựa vào Nghị định 111, một số bệnh viện đòi thu tiền của sinh viên các trường đại học y đến thực hành vì cảm thấy “bị thiệt”, khi mỗi ngày có hàng trăm sinh viên đến thực hành và bệnh viện phải trả thêm tiền điện, nước, xà phòng, bông băng, cồn gạc vv… cho họ. Đây cũng là một khoản chi phí trong bối cảnh bệnh viện tự chủ thu, chi. Rồi, lại phải bố trí nơi dạy, nơi làm việc cho giáo viên trường y.
Một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội còn phàn nàn về việc giữa trường và bệnh viện không có sự phối hợp, dẫn đến giảng viên của trường đại học y đến bệnh viện làm việc thì bệnh viện không quản được, do không phải người của bệnh viện. Rồi bệnh viện đầu tư công sức đào tạo cán bộ thành nghề thì trường lại luân chuyển đi bệnh viện khác mà không hỏi ý kiến trường. Có giảng viên của trường đại học y làm lãnh đạo khoa ở bệnh viện, nhưng khi nghỉ hưu ở trường, mà bệnh viện vẫn không hay.
|
Hầu hết các ca ghép tạng nổi tiếng ở Bệnh viện Việt Đức đều có sự tham gia chính của các giáo viên Trường Đại học Y Hà Nội
|
Nhưng ngược lại, các giảng viên của các trường đại học y lại chỉ ra cái lợi rất “khủng” mà các bệnh viện không nhìn thấy và Nghị định 111 chưa chỉ ra. Lợi ích này lớn hơn nhiều lần số tiền điện, nước, xà phòng, bông băng, cồn gạc … mà các bệnh viện phải bỏ ra cho sinh viên, học viên sử dụng trong quá trình thực hành.
Đó là mỗi năm, các bệnh viện được tiếp nhận hàng ngàn sinh viên, học viên đại học y đến thực hành. Họ đều là những sinh viên giỏi, có điểm đỗ rất cao mới lọt được vào trường đại học y. Vì thế, họ là nguồn nhân lực chất lượng cao mà các bệnh viện được sử dụng nhưng lại không phải trả lương.
Có bệnh viện trả tiền phụ mổ, tiền trực cho sinh viên, nhưng với mức giá Nhà nước qui định mà các bệnh viện đang trả cho sinh viên, thì một “tua” trực cấp cứu trắng đêm cũng chỉ được khoảng 100.000 đồng, một ca phụ mổ chỉ được tương tự– rất “bèo” so với công sức sinh viên bỏ ra, chưa dám so với thu nhập của các bác sĩ ở bệnh viện
Mỗi ngày, hàng ngàn bác sĩ nội trú, chuyên khoa vừa học, vừa phục vụ bệnh nhân tại các bệnh viện, đã hỗ trợ rất hiệu quả cho các bác sĩ khám, chữa bệnh, đặc biệt là trong cấp cứu. Ở các bệnh viện tuyến cuối luôn quá tải thì đây chính là lực lượng lao động quý giá giúp cho chủ trương giảm tải của Bộ Y tế trở thành hiện thực, vì không bệnh viện tuyến cuối nào đủ nhân lực nếu không có sinh viên. Trong các “tua” trực, 100% sinh viên và bác sĩ nội trú, chuyên khoa làm thâu đêm. Ở bệnh viện ngoại khoa hàng đầu như Bệnh viện Việt Đức, với hàng trăm ca phẫu thuật mỗi ngày, thì việc có các sinh viên phụ mổ là rất quan trọng.
|
Sự phối hợp giữa Viện -Trường làm nên thành công cho nhiều ca ghép tạng xuyên Việt
|
Bên cạnh đó, các giáo viên của các trường đại học y, như Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, đều là những chuyên gia hàng đầu, ăn lương của trường nhưng đến bệnh viện làm việc gần như toàn bộ thời gian, dù được bệnh viện trả công nhưng rất rẻ so với mức lương vài trăm triệu mà các bệnh viện tư sẵn sàng trả nếu họ về làm việc.
Ở Bệnh viện Bạch Mai hiện có tới 168 cán bộ của Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Việt Đức có khoảng 70 người, đều là các chuyên gia giỏi. Họ vừa giảng dạy sinh viên, vừa trực tiếp khám, chữa bệnh như bác sĩ chính thức của Bệnh viện, nhiều người còn làm lãnh đạo Bệnh viện, khoa, Trung tâm vv… Tại Bệnh viện Việt Đức, hầu hết các ca ghép tạng nổi tiếng đều có sự tham gia chính của các giáo viên Trường Đại học Y Hà Nội, như PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng.
Theo GS. Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Việt Đức “nếu không có những chuyên gia giỏi của Trường Đại học Y Hà Nội, thì nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức đã không có cơ hội sống”.
Nơi đòi thu, nơi hỗ trợ thêm
Quan điểm trái chiều về việc thu phí thực hành của sinh viên y khoa đã khiến tại một số hội nghị, nhiều ý kiến gay gắt về vấn đề này. Việc cho phép các bệnh viện thu tiền thực hành của sinh viên có vẻ “thương mại hóa” vấn đề vô cùng nhạy cảm là giáo dục, lại ở ngành y tế. Bất hợp lý nhất là đã không thấy được giá trị tri thức của đội ngũ giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, sinh viên ở những ngôi trường y là lớn gấp nhiều lần giá trị vật chất mà một số bệnh viện đang qui thành tiền.
|
Gần 30 cơ sở thực hành của Đại học Y Hà Nội đã ký kết hợp tác toàn diện với Trường, cam kết không thu phí thực hành của sinh viên
|
Thực tế, lãnh đạo nhiều bệnh viện nhìn thấy rất rõ bệnh viện được lợi từ các sinh viên đến thực hành, nên chẳng những không thu phí thực hành mà còn trả thêm lương cho sinh viên.
TS. Nguyễn Doãn Phương – Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - cho biết, chẳng những không bị thu phí, mà sinh viên nội trú đến thực hành ở Viện này được hỗ trợ từ 3 - 4 triệu/tháng.
Mới đây, gần 30 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã ký kết hợp tác toàn diện với Trường Đại học Y Hà Nội, trong đó có nội dung không thu phí thực hành của sinh viên. Thậm chí, Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Trung ương, Bệnh viện K cho biết sẵn sàng hỗ trợ thêm thầy và trò Trường Đại học Y Hà Nội đến thực hành. Bệnh viện K và Bệnh viện Đống Đa còn đề nghị Trường cử thêm cán bộ và sinh viên đến để “đỡ” cho bệnh viện.
Theo PGS.TS. Nguyễn Xuân Bái – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Thái Bình - Trường đã làm việc với tất cả 15 cơ sở thực hành của Trường ở các tỉnh và các bệnh viện đều thống nhất ủng hộ Trường, không tính đúng tính đủ để thu tiền thực hành của sinh viên, vì Trường tự chủ tài chính nhưng không thể thu thêm ngoài học phí của sinh viên.
Trường Đại học Y Hà Nội và Trường Đại học Y Thái Bình cùng với các cơ sở thực hành hợp tác giải quyết, để không phá vỡ mối quan hệ truyền thống là một tiền lệ tốt, để các trường đại học y và các bệnh viện noi theo, giải quyết vướng mắc trong đào tạo – thực hành, với mục tiêu đào tạo những thế hệ bác sĩ có tâm và có tài, phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, hướng giải quyết hiện vẫn chỉ mang tính “dàn xếp” do quan hệ cá nhân nhiều hơn. Vì thế, nên chăng Bộ Y tế xem xét để có sự điều chỉnh cho phù hợp thực tế, vì Nghị định hay văn bản pháp qui nào thuộc lĩnh vực y tế, cũng đều do ngành xây dựng và đề xuất mà thôi!
(Đón đọc bài 2: "Nhận sinh viên thực tập là trách nhiệm, cũng là quyền lợi đào tạo của ngành y")