Bắc Kinh chịu sức ép lớn từ tuyên bố về Biển Đông của G7

Theo ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao Việt Nam, tuyên bố của G7 đã khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế được thừa nhận rộng rãi của các quốc gia độc lập có chủ quyền.
Ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao Việt Nam (bên phải) trong cuộc trao đổi với BTV của Đài truyền hình VTV.
Ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao Việt Nam (bên phải) trong cuộc trao đổi với BTV của Đài truyền hình VTV.

Bắc Kinh đã, đang và sẽ chịu sức ép lớn từ tuyên bố về Biển Đông của G7. Đây cũng là nhận định của ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đề cập tới tuyên bố của G7 về an ninh hàng hải và Biển Đông.

Chuyến đi thăm châu Á của Tổng thống Obama vừa qua là chuyến đi thứ 10 của ông tới châu Á trong thời gian tại vị, đồng thời cũng là chuyến đi cuối cùng trước khi ông rời nhiệm sở. Chuyến đi được dư luận và báo giới đánh giá là thành công. Bên cạnh đó, ông Obama còn tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra tại Nhật Bản.

Trong khuôn khổ Hội nghị, G7 đã ra tuyên bố mạnh mẽ về an ninh hàng hải, trong đó có vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc ngày càng có các hành vi quyết liệt. 

Theo ông Trần Việt Thái - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Bộ Ngoại giao Việt Nam, tuyên bố của G7 đã khẳng định lại các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế được thừa nhận rộng rãi của các quốc gia độc lập có chủ quyền.

Ông Trần Việt Thái cũng nhận định: "Tuyên bố của G7 phản ánh sự bất bình của Mỹ và của các nước công nghiệp phát triển về hành động đơn phương, gây căng thẳng, đe dọa tới hòa bình, ổn định, phá vỡ nguyên trạng ở khu vực Biển Đông cũng như khu vực Biển Hoa Đông và các vùng biển trên thế giới. 

G7 hay Mỹ tuyên bố về vấn đề Biển Đông chủ yếu từ góc độ quản trị toàn cầu về an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế. Dù tuyên bố không nêu đích danh là quốc gia nào nhưng rõ ràng, những quốc gia có liên quan đặc biệt là Trung Quốc sẽ bị chịu sức ép lớn từ tuyên bố đó. Vì thế, các quốc gia trong khu vực châu Á đều phải nhìn vào tuyên bố của G7 để có điều chỉnh chính sách cho phù hợp".

Ngoài ra, ông Trần Việt Thái còn nêu lên những đánh giá về chuyến công du châu Á của Tổng thống Obama: "Tôi cho rằng có ba điểm đáng chú ý trong chuyến đi này. 

Thứ nhất, đây là cử chỉ hòa giải, cho thấy cá nhân ông Obama cũng như chính quyền Mỹ muốn giải quyết rốt ráo những vấn đề còn tồn tại để đưa quan hệ Việt Nam – Mỹ, Nhật Bản – Mỹ cũng như quan hệ của Mỹ với khu vực châu Á sang một chương mới. 

Lãnh đạo các nước G7.
Lãnh đạo các nước G7.

Thứ hai, Mỹ muốn khẳng định lại những cam kết và chính sách tái cân bằng của Mỹ đối với khu vực để thực hiện nhất quán các chủ trương, chính sách đó trong thời gian tới. 

Thứ ba, chuyến đi tạo tiền đề quan trọng cho các đời Tổng thống Mỹ tiếp theo, tạo điều kiện có lợi cho các nước châu Á".

Mặc dù Tổng thống Obama sắp rời nhiệm sở nhưng di sản đối ngoại ông để lại vẫn được coi là bước đi quan trọng trong các mối quan hệ với nhiều quốc gia, trong đó có châu Á. 

Ông Obama đã xây dựng lại nền tảng trong quan hệ Nhật Bản – Mỹ, Việt Nam – Mỹ cũng như quan hệ của Mỹ với châu Á. Ông Trần Việt Thái bày tỏ: "Tôi kỳ vọng, những mối quan hệ đó sẽ ngày càng bền chặt, có lợi cho cả Mỹ và châu Á, đồng thời có lợi cho hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới".

Theo VTV