Bác Hồ trong những ngày cuối cùng qua góc nhìn của nữ y tá Viện Quân y 108

VietTimes -- Vỏn vẹn 11 ngày được cận kề vị lãnh tụ của dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với bà Trần Thị Quý -  nguyên y tá của Viện Quân y 108 là quãng thời gian đáng nhớ nhất trong sự nghiệp công tác. Cũng trong thời gian cuối cùng ngắn ngủi ấy, bà Quý được chăm sóc sức khỏe cho Hồ Chủ tịch, được vỗ tay cùng Người khi tiếng hát của "em gái nhỏ" vừa dứt...
Bác Hồ nói chuyện thân mật với trí thức ngành Y.

Ngồi với chúng tôi trong căn nhà ở Khu tập thể Viện Quân y 108, người phụ nữ ngoài 70 tuổi vẫn không giấu được xúc động khi kể về quãng thời gian đáng nhớ được chăm sóc vị Lãnh tụ kính yêu của dân tộc trong những ngày Người mệt nặng tròn 50 năm trước. Từng lời nói, cử chỉ, hành động và cả cuộc sống giản dị của Người đã trở thành bài học lớn cho cuộc đời bà - nữ y tá Trần Thị Quý. 

50 năm vẹn nguyên kỷ niệm thiêng liêng

Ngày ấy, nữ y tá Viện quân Y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) Trần Thị Quý mới 22 tuổi. Một ngày cuối tháng 8/1969, chính ủy đơn vị triệu tập y tá Trần Thị Quý cùng y tá Ngô Thị Oanh và một số cán bộ của Viện quân Y 108 cho một chuyến công tác đặc biệt.

“Quân lệnh như sơn”, các y – bác sĩ khẩn trương chuẩn bị thuốc men, dụng cụ y tế như mọi chuyến đi thường có. Xe rẽ vào cổng Phủ Chủ tịch, hai nữ y tá vẫn vẫn chưa biết mình đang ở đâu và sắp nhận nhiệm vụ gì. Phải đến khi ông Vũ Kỳ - người giúp việc của Bác Hồ - đến thông báo về nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Bác, mọi người đều run lên vì bất ngờ, sung sướng xen lẫn lo lắng...

Bà Quý kể lại cho PV VietTimes chuyện bà chứng kiến lúc y tá Ngô Thị Oanh hát cho Hồ Chủ tịch nghe những ngày cuối đời, tháng 8/1969

Nửa thế kỷ trôi qua, mỗi khi hồi tưởng về thời khắc Bác ra đi, bà Trần Thị Quý vẫn không khỏi xúc động: “8h sáng 2/9, tôi tới thay ca. Trước khi đi ra, Oanh hỏi Bác: Đến giờ ăn, Bác ăn gì để chúng cháu lấy? Bác đồng ý ăn cháo. Nhưng khi Oanh vừa ra khỏi cửa, tôi đã thấy thần sắc Bác thay đổi rất nhanh, nên vội gọi các bác sĩ".

"Mọi người trong tổ y tế cũng chạy cả đến, người đặt máy thở, người đặt máy trợ tim… Ai nấy dốc hết sức, nỗ lực cấp cứu cho Bác nhưng đã muộn. Đúng 9h 47 phút, Bác trút hơi thở cuối cùng", người y tá năm xưa bồi hồi nhớ lại...

"Em gái nhỏ" và nhiệm vụ đặc biệt

Từ lâu, ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn được đông đảo nhân dân Việt Nam  và bạn bè quốc tế biết đến và yêu mến, bởi giai điệu và ca từ trữ tình, sâu lắng. Hình ảnh “em gái nhỏ” bước vào, hát cho Bác nghe khúc hát quê nhà "giữa không gian bốn bề lặng lẽ" đã in đậm trong suy nghĩ của nhiều thế hệ.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng quà Thiếu tá Ngô Thị Oanh trong lần đến thăm Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Nguyên mẫu "em gái nhỏ" trong ca khúc nổi tiếng chính là y tá Ngô Thị Oanh, vốn là đồng nghiệp cùng công tác tại Viện Quân y 108 và cũng là người bạn thân thiết của bà Quý.

Bà Oanh nay đã ngoại thất tuần và cũng không tránh được vòng quay sinh - lão, như bao người khác. Mặc dù thế, nhưng kỷ niệm của những ngày đặc biệt ấy vẫn vẹn nguyên trong trí nhớ của bà Oanh, vẫn được tái hiện thường xuyên qua những câu chuyện của bà Oanh và bà Quý những lúc gặp nhau.

Nhớ về kỉ niệm lần bạn mình được vinh dự cất tiếng hát cho Bác Hồ nghe, người phụ nữ ngoài 70 tuổi Trần Thị Quý kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đặc biệt xảy ra vào sáng ngày 28/8 năm ấy: