Có hai phương án đầu tư được đưa ra. Trong đó, phương thức thứ nhất là bán đất sân bay cũ để lấy kinh phí; Phương án thứ hai là đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư, nhà nước và tư nhân cùng làm) hoặc BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Với phương án thứ hai, nhà đầu tư thực hiện hoàn thiện sân bay tại Gò Găng sau đó được khai thác, sử dụng quỹ đất sân bay để hoàn vốn hoặc được quyền khai thác sân bay trong một thời gian nhất định.
Được biết, sân bay hiện tại nằm trên địa bàn phường 9, thành phố Vũng Tàu, có tổng diện tích 172 ha do Công ty Bay dịch vụ Miền Nam (thuộc Bộ Quốc phòng) quản lý và khai thác chuyến bay trực thăng phục vụ hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên biển. Đây là cảng nội địa phục vụ cho hoạt động bay trực thăng, bay taxi nội vùng. Quy mô cảng đạt cấp 3C theo tiêu chuẩn ICAO và sân bay quân sự cấp II. Công suất cảng 100.000 hành khách và 500 tấn hàng hóa mỗi năm.
Theo Sở GTVT Bà Rịa – Vũng Tàu, đến năm 2020 sân bay Vũng Tàu sẽ gây ảnh hưởng đến quy hoạch không gian phát triển của Thành phố, ảnh hưởng đến an toàn người dân sống gần khu vực sân bay, không đảm bảo mỹ quan đô thị, hiệu quả khai thác sân bay thấp do không tiếp nhận được các loại máy bay cánh bằng cũng như không phát triển được các tuyến bay nội địa.
Trong khi đó, xã đảo Long Sơn có diện tích 92 km2, trong đó có đến 54 km2 là đất liền, còn lại là đất mặn. Xã được bao bọc bởi kênh rạch, sông biển. Xã Long Sơn cách trung tâm TP Vũng Tàu khoảng 12 km về phía Tây Nam theo đường bộ. Đây là xã ngoại thành duy nhất của thành phố này.
Trước đó, chủ trương di dời sân bay trong thành phố Vũng Tàu ra đảo Gò Găng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và giao Bộ GTVT chủ trì lập quy hoạch chi tiết. Bộ cũng đã có công văn kiến nghị điều chỉnh Cảng hàng không Vũng Tàu thành sân bay chuyên dùng.