Bà Rịa-Vũng Tàu "chơi sang" lắp 19 hệ thống camera giá 270 tỉ đồng?

Trước thông tin ban đầu cho rằng Bà Rịa-Vũng Tàu gắn “19 camera giá 270 tỉ đồng”, nhiều người cho rằng chỉ khi camera dát vàng thì mới đắt thế. Đặc biệt, người dân bức xúc về việc chi quá nhiều tiền cho 19 cái camera.
Một nút giao thông Hà Nội có lắp camera giám sát giao thông
Một nút giao thông Hà Nội có lắp camera giám sát giao thông

Dư luận đang xôn xao, tranh luận sôi nổi về câu chuyện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) lên kế hoạch chi hàng trăm tỉ đồng cho việc gắn camera giao thông trên địa bàn. Đặc biệt, người dân bức xúc về việc chi quá nhiều tiền cho 19 cái camera.

Trên diễn đàn F319.com, thành viên bi04vigro bình rằng: “Có 19 camera mà tốn tới 270 tỉ đồng, tức một cái camera là 14,2 tỉ đồng”. Không ít thành viên bình theo như “camera này chắc được dát vàng”, “camera Việt giá cao quá”. Ngược lại, nhiều người cho rằng đầu tư 19 điểm chứ không phải đơn thuần chỉ 19 đầu camera.

“Giá cao nhưng lại tiết kiệm”

Các camera trên thuộc dự án đầu tư hệ thống giao thông thông minh, giám sát xử lý tự động bằng camera, do Công an BR-VT làm chủ đầu tư. Theo tính toán của đơn vị tư vấn (Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam, viết tắt là BRAC), trong giai đoạn 1 sẽ gắn 19 điểm camera giám sát trên toàn tuyến quốc lộ 51 qua BR-VT (dài khoảng 36 km) với kinh phí dự kiến là 97 tỉ đồng.

Trong giai đoạn 2, các camera tự động sẽ gắn ở các quốc lộ 55, 56, TP Vũng Tàu và sau đó sẽ phủ kín các địa bàn còn lại của tỉnh. Tổng đầu tư cả ba giai đoạn vào khoảng 270 tỉ đồng.

Tủ cố định (có máy di động) như trong ảnh là một hạng mục quan trọng, trị giá cao của hệ thống giám sát giao thông thông minh. (Ảnh do BRAC cung cấp)

Trao đổi  vào chiều 29-12, ông Hà Khoa Minh (thuộc BRAC) cho biết dự án không chỉ mua sắm camera như nhiều người hiểu nhầm. Hệ thống đầu tư bao gồm nhiều máy móc, thiết bị như tủ cố định, máy di động, hệ thống camera, đèn hồng ngoại, hệ thống radar, hệ thống cảnh báo, kết nối và xử lý dữ liệu...

“Ưu điểm nổi trội và giá trị của hệ thống này là giám sát được ở sáu làn xe chỉ bằng một máy và có thể cài đặt sáu mức tốc độ khác nhau ở sáu làn. Đây là máy Úc với công nghệ Úc nhập khẩu, hiện đại nhất hiện nay. Trong nước chỉ có loại bốn máy giám sát một làn xe. Nếu dùng công nghệ cũ thì trên quốc lộ 51 (sáu làn xe) cần 24 máy, tốn kém hơn nhiều so với một máy giám sát sáu làn” - ông Minh so sánh.

Ngoài ra, ông Minh khẳng định hệ thống này có công nghệ khắc phục được nhược điểm không ghi nhận được biển số xe bị chói mà các công nghệ cũ đang gặp. “Hệ thống này ghi nhận được biển số xe vi phạm, bất kể ban ngày, ban đêm, trời mưa hay bị chói lóa do đèn chiếu. Ngoài ra, hệ thống cũng “chộp” hình ảnh biển số rồi chuyển thành dữ liệu là con số của biển số xe” - ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, hệ thống còn ghi nhận hình ảnh, tự động đo và tính tốc độ, xử lý dữ liệu, kết nối với máy tính bảng trang bị cho CSGT... để tự động cho kết quả về chiếc xe vi phạm. Từ kết quả này, lực lượng chức năng có thể phạt nguội.

Đặc cách triển khai sớm dự án

Theo ông Nguyễn Xuân Trạch - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, ban đã đi khảo sát các tỉnh khác và thấy những ưu điểm của việc gắn camera giám sát giao thông. Vì vậy, Ban ATGT tỉnh đề xuất lắp đặt camera hiện đại trên các tuyến quốc lộ, đường chính của tỉnh để giảm số CSGT ra đường tuần tra, kiểm soát nhưng lại nâng cao ý thức người dân.

“Quốc lộ 51 là một trong những tuyến đường chính, có lưu lượng xe đông và thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Việc lắp đặt camera thông minh giám sát là rất cần thiết nhưng phải tính toán đầu tư cho hợp lý, tránh lãng phí. Tuy vậy, thông tin chi 270 tỉ đồng chỉ để gắn 19 camera là chưa chính xác” - ông Trạch nói.

Theo tìm hiểu của PV, UBND tỉnh đã chủ trì nghe công an tỉnh báo cáo về dự án gắn camera trên quốc lộ 51. Sau đó, ông Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận ủng hộ chủ trương thực hiện dự án nhưng cũng đề nghị công an tỉnh nghiên cứu, xem xét giảm chi phí đầu tư. Tỉnh cũng giao các sở đề xuất nguồn vốn cho dự án, tham mưu UBND tỉnh để xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh để đặc cách xem xét triển khai trước tết Nguyên đán 2016.

Ngày 29-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đặng Minh Thông - Chánh Văn phòng UBND tỉnh BR-VT cho biết chủ đầu tư đang hoàn thành đề án, số liệu còn có thể thay đổi. “Thông tin “Chi 270 tỉ đồng để lắp 19 camera trên quốc lộ 51” là không chính xác. Không thể có chi phí vô lý như vậy được. Ngoài ra, ngân sách chi cho đề án phải được Sở Tài chính thẩm định, trình HĐND tỉnh BR-VT thông qua” - ông Thông nói.

“Tủ bù nhìn” vẫn dọa được người vi phạm

Theo BRAC, trong hệ thống này, các tủ (kèm máy) với giá trung bình 5 tỉ đồng/cái, được đặt cố định ở những nơi thường xảy ra tai nạn, vi phạm giao thông. Tuy vậy, máy này có thể di chuyển đi để đặt vào các tủ khác nhau, tạo được linh hoạt cho chủ đầu tư khi muốn lắp đặt nhiều tủ nhưng muốn mua ít máy để giảm chi phí.

Ví dụ, trên một tuyến đường có 10 tủ nhưng có thể chỉ cần một máy. Người đi đường khi thấy tủ (cố định) nhưng vẫn không biết tủ nào hoạt động, tủ nào không nên sẽ chấp hành quy định, không phóng nhanh vượt ẩu, giúp kéo giảm TNGT.

BRAC khẳng định đã tư vấn, thực hiện dự án tương tự ở 10 tỉnh, thành như Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Bình, TP.HCM (Trạm thu phí quốc lộ 1 An Sương-An Lạc), Long An, Vĩnh Long, Cần Thơ...

Riêng ở tỉnh BR-VT, dự án vẫn chưa được duyệt hạng mục cụ thể. Các con số đưa ra chỉ là ước tính (như 97 tỉ đồng là cho giai đoạn 1, dự kiến đặt tám tủ tốc độ, 14 trụ gắn camera kèm hệ thống camera quan sát và hệ thống loa phát thanh… trên quốc lộ 51). Tùy mức độ hạng mục mà chủ đầu tư yêu cầu, BRAC sẽ lên danh sách, dự toán chi phí cụ thể.

________________________________

Quốc lộ 51 qua tỉnh BR-VT có nhiều điểm giao cắt và lưu lượng phương tiện đông đúc, nhất là vào các ngày cuối tuần và dịp lễ, tết.

Năm 2015, CSGT tỉnh BR-VT đã xử phạt trên 17.000 vi phạm trên quốc lộ 51 với tổng số tiền gần 14 tỉ đồng.

Theo PLTP