Bà Pelosi kêu gọi thế giới tẩy chay Olympic 2022 ở Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hôm 18/5 đã kêu gọi tẩy chay ngoại giao Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Ảnh: Newyorker)
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi (Ảnh: Newyorker)

Các nhà lập pháp Mỹ ngày càng lên tiếng gay gắt đòi tẩy chay hoặc thay đổi địa điểm tổ chức Olympic, đồng thời đả kích và tranh cãi về sự im lặng của các tập đoàn Mỹ trước một số cáo buộc nhân quyền nhằm vào chính phủ Trung Quốc.

Trước một phiên điều trần của lưỡng đảng Mỹ, bà Pelosi, thành viên Đảng Dân chủ, đã cảnh báo các nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới nên tránh xa Thế vận hội dự kiến sẽ được tổ chức tại Trung Quốc vào tháng Hai.

"Những gì tôi đề xuất - và tham gia với những người đang đề xuất - là một cuộc tẩy chay ngoại giao" – bà Pelosi nói, trong đó "các quốc gia hàng đầu trên thế giới từ chối tham dự Thế vận hội".

Các cáo buộc nhân quyền mà phương Tây đưa ra nhằm vào Trung Quốc vẫn đang là đề tài đáng chú ý. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ mạnh mẽ các cáo buộc trên. Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc Liu Pengyu nói với Reuters rằng những nỗ lực của Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc tại Thế vận hội chắc chắn sẽ thất bại.

"Tôi tự hỏi điều gì khiến một số chính trị gia Mỹ nghĩ rằng họ thực sự có cái gọi là 'thẩm quyền đạo đức'? Về vấn đề nhân quyền, kể cả trong lịch sử hay hiện tại, họ đều không có tư cách gì để đưa ra những chỉ trích vô căn cứ chống lại Trung Quốc" – ông Liu nói.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Chris Smith, người dẫn đầu phiên điều trần, cho biết cần kêu gọi các nhà tài trợ doanh nghiệp đến giải trình và "chịu trách nhiệm" trước Quốc hội. Ông nói: “Các doanh nghiệp lớn muốn kiếm thật nhiều tiền, và dường như họ bất chấp mọi hành vi vi phạm mà quốc gia sở tại thực hiện.

Nghị sĩ đảng Dân chủ Jim McGovern cũng cho rằng nên hoãn lại Thế vận hội để Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) có thời gian "chuyển đến một quốc gia khác".

Một số hình thức tẩy chay Đại hội Thể thao Bắc Kinh đang tăng lên.

Tháng trước, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mitt Romney đã đưa ra bổ sung nhằm tăng cường luật pháp để chống lại Trung Quốc và sẽ thực hiện một cuộc tẩy chay ngoại giao của Mỹ. Bên cạnh đó, một liên minh các nhà hoạt động nhân quyền hôm 18/5 cũng đã kêu gọi các vận động viên tẩy chay Thế vận hội và gây áp lực lên IOC.

Trong khi đó, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết họ hy vọng sẽ tìm được một cách tiếp cận chung với các đồng minh trong việc tham gia Thế vận hội ở Bắc Kinh, tuy nhiên, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nhiều lần nói rằng vấn đề này vẫn chưa được đưa ra thảo luận.

Khi được hỏi về lời kêu gọi của bà Pelosi, một quan chức chính quyền cấp cao nói rằng quan điểm của chính quyền đối với Thế vận hội 2022 không hề thay đổi.

Ông Biden, với tư cách thành viên đảng Dân chủ, đã nói rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ không để nước này vượt qua vị thế lãnh đạo thế giới của Mỹ.

Những người ủng hộ việc người Mỹ thi đấu tại Thế vận hội ở Bắc Kinh cũng cho việc tước đi quyền thi đấu của các vận động viên là không công bằng, và cho rằng Thế vận hội sẽ là nơi để Mỹ, quốc gia có số huy chương Olympic mùa Đông cao nhất, thể hiện sức mạnh của mình trên đấu trường toàn cầu.

Trong một tuyên bố bằng văn bản, Sarah Hirshland, Giám đốc điều hành của Ủy ban Olympic và Paralympic Mỹ cho biết, mặc dù ủy ban lo ngại về những cáo buộc trên, nhưng việc cấm các vận động viên Mỹ tham dự Thế vận hội "chắc chắn không phải là câu trả lời". Bà cho rằng: “Các cuộc tẩy chay Olympic trong quá khứ đã không đạt được mục đích chính trị”.