|
Tướng Jaroslaw Gromadzinski, hình ảnh các binh sĩ Ba Lan và hệ thống HIMARS. Ảnh: MW. |
Một trong những chiến lược gia quân sự có ảnh hưởng nhất Ba Lan, Tướng (nghỉ hưu) Jaroslaw Gromadzinski – hiện là Chủ tịch tổ chức nghiên cứu quốc phòng Academy24 – vừa công khai kêu gọi thay đổi toàn diện tư thế phòng thủ quốc gia, với mục tiêu cụ thể là chuẩn bị cho một cuộc chiến với Nga.
Những tuyên bố của ông phản ánh một sự đồng thuận ngày càng lớn tại Warsaw, nơi chính phủ đã đầu tư mạnh vào việc mở rộng năng lực quân sự, đặc biệt là thông qua các hợp đồng mua sắm vũ khí quy mô lớn từ Hàn Quốc và Mỹ.
Ông Gromadzinski cho rằng Ba Lan cần áp dụng chiến lược “phòng thủ chủ động” và sẵn sàng hành động “trên toàn bộ chiều sâu chiến dịch của đối phương” – tức sẵn sàng thực hiện các đòn tấn công vào lãnh thổ Nga. Ông nhấn mạnh nhu cầu xây dựng một lực lượng dự bị gồm 1 triệu quân, theo mô hình của Thụy Sĩ, trong đó quân nhân dự bị vẫn hoạt động trong các đơn vị dự bị tích cực trong nhiều năm và được huấn luyện định kỳ nâng cao kỹ năng.
“Không ai có thể thuyết phục tôi rằng với một quốc gia 38 triệu dân, chúng ta không thể xây dựng lực lượng dự bị 1 triệu người”, ông khẳng định.
Tướng Gromadzinski cảnh báo rằng thời gian là yếu tố then chốt đối với một quốc gia tiền tuyến như Ba Lan. “Chúng ta sẽ không có vài tuần để huy động lực lượng trong trường hợp chiến tranh xảy ra”, ông nói.
Để có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga khi cần thiết, ông cho rằng hệ thống pháo phản lực HIMARS của Mỹ và Chunmoo của Hàn Quốc sẽ đóng vai trò then chốt: “Tại sao chúng ta mua các hệ thống này? Người Nga cần hiểu rằng nếu họ gây hấn, chúng ta sẽ dùng các hệ thống đó để tấn công vào lãnh thổ của họ”.
Ông Gromadzinski cũng nhấn mạnh điểm yếu về chiều sâu chiến lược của Ba Lan so với Ukraine – một quốc gia có diện tích gần gấp đôi. Những phát biểu của ông được đưa ra sau khi HIMARS được triển khai chưa từng có tiền lệ ở biên giới phía Bắc Nga, tại Phần Lan hồi cuối tháng 5 – một động thái làm dấy lên lo ngại về khả năng NATO sử dụng lãnh thổ của các thành viên khác để tấn công Nga.
Phân tích của ông Gromadzinski gợi nhớ đến phát biểu của cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ba Lan Rajmund Andrzejczak hồi tháng 10/2024, khi ông này cảnh báo rằng nếu Ukraine thất thủ, “quân Nga sẽ có mặt ở Lviv, Brest và Grodno”.
Ông nhấn mạnh rằng: “Nếu họ tấn công chỉ một tấc đất của Litva, phản ứng sẽ đến ngay lập tức – không phải trong ngày đầu, mà trong phút đầu tiên. Chúng ta sẽ tấn công tất cả các mục tiêu chiến lược trong bán kính 300km. Chúng ta sẽ tấn công thẳng vào St. Petersburg”.
Ông Andrzejczak kêu gọi Ba Lan “chủ động răn đe” và khẳng định: “Nga phải hiểu rằng một cuộc tấn công vào Ba Lan hoặc các nước Baltic cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ của chính họ... Đó là cách duy nhất để ngăn chặn Điện Kremlin”.
Ba Lan hiện đang tiến tới trở thành quốc gia sở hữu năng lực pháo phản lực tầm xa mạnh nhất trong NATO vào giữa thập niên 2030. Sau đơn đặt hàng HIMARS đầu tiên năm 2019, chính phủ Ba Lan đã phê duyệt kế hoạch mua thêm 486 hệ thống vào tháng 9/2023. Trước đó, tháng 10/2022, nước này đã ký thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD để mua 288 bệ phóng Chunmoo cùng hàng nghìn tên lửa 239mm và 600mm. Một đơn hàng bổ sung trị giá 1,6 tỷ USD được ký tiếp vào tháng 4/2024 để mua thêm 72 bệ phóng.
Các thương vụ này diễn ra song song với loạt đầu tư quy mô lớn vào lực lượng mặt đất, bao gồm kế hoạch mua 1.000 xe tăng K2 của Hàn Quốc (96 chiếc sẽ được bàn giao năm 2025), cùng 116 xe tăng M1A1 và 250 M1A2 Abrams của Mỹ, và 332 pháo tự hành K9 của Hàn Quốc.
Trong khi đó, trên chiến trường Ukraine, tổn thất nặng nề của các đơn vị tinh nhuệ – đặc biệt trong các cuộc tập kích lớn vào khu vực Kursk của Nga, tỷ lệ thương vong không thể bù đắp, cùng thiệt hại lớn về vũ khí phương Tây – đã khiến thái độ của phương Tây về cuộc chiến chuyển từ lạc quan sang bi quan kể từ cuối năm 2024.
Kể từ đó, cục diện ngày càng bất lợi cho Ukraine: lực lượng Kiev bị đẩy khỏi Kursk, mất vùng Lugansk, Nga tiến sâu vào tỉnh Sumy, và đặc biệt là sự tham chiến chính thức của quân đội Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, Ba Lan trở nên nổi bật trong khối NATO – không chỉ vì quan điểm cứng rắn chống lại các nỗ lực hòa đàm với Nga, mà còn vì quy mô đóng góp nhân lực và vật lực khổng lồ cho cuộc chiến.
Các đơn vị nhà thầu quân sự Ba Lan như “Quân đoàn Tình nguyện Ba Lan” đã tham chiến ở nhiều mặt trận, mới nhất là tại tỉnh Sumy, nơi giao tranh đang diễn ra khốc liệt.