Cuộc đối đầu thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài hơn một năm và bắt đầu có dấu hiệu chuyển thành một cuộc chiến tiền tệ sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ấn định tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ so với đô la Mỹ yếu hơn mức 7 NDT ăn 1 đô la vào cuối tuần trước, khiến Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn “thao túng tiền tệ” đối với Trung Quốc.
Trong một báo cáo mới đây, các nhà phân tích ở bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng Bank of America Merrill Lynch (BAML) dự báo tỷ giá NDT sẽ diễn biến theo ba kịch bản sau.
Kịch bản 1: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, NDT có thể giảm giá đến 10%.
Trung Quốc chỉ nhập khẩu hàng hóa của Mỹ với trị giá chỉ tương đương 1/3 trị giá hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ. Điều này có nghĩa là Trung Quốc không thể áp thuế trả đũa hàng hóa Mỹ ở mức ngang bằng về mặt định lượng. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể giảm giá NDT ở mức 10% để vô hiệu hóa tác động của vòng áp thuế 10% của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc vào ngày 1-9 tới.
Kịch bản 2: Nếu thế bế tắc của chiến tranh thương mại kéo dài, tỷ giá NDT sẽ “không thay đổi” nhiều so với mức hiện nay.
Báo cáo của BAML nhận định: “Nếu tình trạng bế tắc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài, NDT có thể dao động giằng co vì Bắc Kinh sẽ thận trọng, không muốn chọc giận Mỹ bằng cách cho phép NDT suy yếu nhiều hơn và cũng không muốn gây thêm khó khăn cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc bằng cách làm cho NDT mạnh lên”.
Diễn biến tỷ giá của NDT trong thời gian tới phụ thuộc vào hướng đi của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Ảnh: Reuters |
Kịch bản 3: Mỹ-Trung tiến gần đến thỏa thuận thương mại, NDT tăng giá nhẹ
Nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhích gần đến một thỏa thuận thương mại, NDT sẽ tăng giá nhưng chỉ ở mức hạn chế. Điều này là vì bất kỳ thỏa thuận nào giữa hai nước cũng có thể bao gồm điều khoản hạn chế dư địa giảm giá của NDT trong tương lai.
“Nếu cảm thấy NDT bị hạn chế khả năng giảm giá, Bắc Kinh có thể muốn hạn chế khả năng tăng giá của NDT, đặc biệt nếu Bắc Kinh cho rằng một khi đã tăng giá, NDT khó đảo ngược”, các nhà phân tích của BAML viết.
Sự suy yếu của NDT sẽ tác động đến các đồng tiền khác trong khu vực bao gồm rupee (Ấn Độ), đô la Singapore, won (Hàn Quốc), ringgit (Malaysia) và rupiah (Indonesia), theo nhận định của Jameel Ahmad, Giám đốc nghiên cứu thị trường và chiến lược tiền tệ toàn cầu ở công ty nghiên cứu thị trường FXTM.
Các nhà phân tích của BAML cho rằng đồng won có khả năng giảm giá mạnh nhất khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Đó là do thương mại Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào Trung Quốc và Mỹ và nước này cũng liên kết chặt chẽ với các chuỗi cung ứng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra đồng won cũng đang bị tác động bởi tranh chấp thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
Kết thúc phiên giao dịch hôm 16-8, tỷ giá đồng won chốt ở mức 1.210,8 won ăn 1 đô la Mỹ. Mức tỷ giá này của đồng won giảm gần 5% so với hồi đầu tháng 7.
Trong khi đó, trong số thị trường mới nổi ở châu Á, đồng baht của Thái Lan có khả năng chống chọi chiến tranh thương mại tốt nhất. Dù Ngân hàng trung ương Thái Lan đã nỗ lực làm suy yếu đồng baht nhưng nó vẫn tăng giá ổn định nhờ mức thặng dư thương mại lớn của Thái Lan và nhiều yếu tố khác. Tính từ đầu năm đến nay, đồng baht đã tăng giá 5,5% so với đồng đô la Mỹ.
Jameel Ahmad cảnh báo tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kết hợp với đà tăng trưởng suy yếu trên toàn cầu đang khuyến khích các nước khác nhắm đến các nỗ lực làm suy yếu đồng nội tệ của họ.
“Nhìn từ nhiều khía cạnh, việc các nước muốn giảm giá đồng nội tệ của họ trong các giai đoạn bất ổn thương mại là điều hợp lý. Tăng trưởng toàn cầu đang suy yếu, nhu cầu hàng hóa và dịch vụ cũng có nguy cơ suy yếu do niềm tin giảm sút. Điều này khuyến khích các nước giảm giá nội tệ để thúc đẩy tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của họ”, Jameel Ahmad nói.
Theo TBKTSG
Link: https://www.thesaigontimes.vn/292947/ba-kich-ban-cua-ty-gia-nhan-dan-te.html?fbclid=IwAR3zW1_tiZORji8hII_dQ35o8OfhqhmqEdFf1zlpIKiawkm8qSjCSSDvCLk