Trang tin Sina Trung Quốc ngày 13/11 cho hay từ ngày 11 - 14/11, 3 cụm tấn công tàu sân bay quân đội Mỹ lần lượt là USS Ronald Reagan, USS Nimitz và USS Theodore Roosevelt tiến hành diễn tập liên hợp tại vùng biển phía đông biển Nhật Bản. Trên các cụm tấn công tàu sân bay này có liên đội máy bay số 5, số 11 và số 17.
Tham gia diễn tập còn có 11 tàu khu trục Aegis của Mỹ và 7 tàu chiến của hải quân Hàn Quốc. Ngoài ra còn có sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Theo Bộ Tham mưu liên hợp Hàn Quốc, cuộc diễn tập lần này nhằm nâng cao khả năng răn đe mở rộng, thể hiện ý chí kiên cường đáp trả kịp thời cùng với trạng thái cảnh giới quân sự cao khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Trong cuộc diễn tập lần này tiến hành các nội dung như tác chiến hộ tống tàu sân bay, không chiến liên hợp của máy bay trên tàu, tấn công đường không liên hợp.
3 tàu sân bay này đều được điều động đầy đủ lực lượng đường không, hình thành một lực lượng tác chiến tàu sân bay hoàn chỉnh. Căn cứ vào các thông tin được tiết lộ, khu vực diễn tập không chiến nằm ở vùng trời xung quanh đảo Oki, Nhật Bản, cách bán đảo Triều Tiên khoảng 400 km.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan là tàu sân bay của Hạm đội 7 Mỹ, cảng nhà là cảng Yokosuka; là lực lượng chiến đấu trung tâm của cuộc diễn tập lần này.
Trong khi đó, tàu sân bay USS Nimitz đến từ Trung Đông, sau đó nó đi qua eo biển Malaca rồi đến khu vực bán đảo Triều Tiên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, tàu sân bay này sẽ quay trở về cảng chính của Mỹ để nghỉ ngơi.
Nhiệm vụ của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt là thay thế tàu sân bay USS Nimitz đến Trung Đông, hai tàu này “gặp nhau ngẫu nhiên” ở Tây Thái Bình Dương. Vì vậy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã đến Guam từ cuối tháng 10.
Ngoài ra, còn có 2 tàu sân bay khác cũng đang huấn luyện ở vùng biển Đông Thái Bình Dương, đó là tàu sân bay USS John C. Stennis và USS Carl Vinson.
Trong khi đó, tàu sân bay USS Abraham Lincoln và tàu sân bay USS Gerald Ford cũng đang hoạt động ở Đại Tây Dương. Như vậy, hiện nay, quân đội Mỹ có 7 tàu sân bay hiện diện trên toàn cầu, trong đó có 5 tàu ở khu vực Thái Bình Dương.
Đây là lần đầu tiên sau 10 năm Mỹ điều 3 tàu sân bay tổ chức diễn tập chung. Cuộc diễn tập 3 tàu sân bay trước đây diễn ra ở vùng biển duyên hải Guam vào năm 2007. Điều này phát đi tín hiệu cảnh cáo mạnh mẽ với đối phương.
Cuối tháng 5/2017, Mỹ điều tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu sân bay USS Carl Vinson đến duyên hải bán đảo Triều Tiên để tiến hành diễn tập.
Rất nhiều quan điểm cho rằng: “Một tàu sân bay là du hành, hai tàu sân bay là răn đe, ba tàu sân bay trở lên chính là chuẩn bị khai chiến”.
Ngày 8/11, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Scott Swift cũng công khai tuyên bố: “Hai tàu sân bay cùng diễn tập đã là hiếm, còn 3 tàu sân bay diễn tập liên hợp thì càng hiếm”. Cuộc diễn tập ở Tây Thái Bình Dương lần này là một minh chứng mạnh mẽ về năng lực đặc biệt của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ và cam kết kiên định của quân đội Mỹ đối với bảo vệ an ninh, ổn định khu vực.
Vì vậy, cuộc diễn tập 3 tàu sân bay lần này ở Tây Thái Bình Dương của quân đội Mỹ đã nhanh chóng gây chú ý đặc biệt cho truyền thông và các chuyên gia quân sự từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á nhất là Đông Á.
Có quan điểm cho rằng cuộc diễn tập lần này là nhằm vào Trung Quốc, có quan điểm thì cho là để “tạo thanh thế” cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhưng có nhiều quan điểm hơn cho rằng, mục đích cuộc diễn tập lần này của quân đội Mỹ phức tạp hơn nhiều. Mỹ tổ chức một cuộc “biểu diễn lớn” ở Thái Bình Dương rộng lớn, để cho tất cả các nước ở khu vực này đều nhìn thấy rõ “cơ bắp sắt thép” của Mỹ, từ đó lựa chọn “thái độ đúng đắn” đối với Mỹ.
Những năm gần đây, Mỹ tổ chức rất nhiều các cuộc diễn tập quân sự ở Thái Bình Dương, đặc biệt là ở khu vực Tây Thái Bình Dương, quy mô cũng không ngừng lập kỷ lục mới.
Gần 10 năm qua, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ hàng năm đều tổ chức tới gần 2.000 cuộc huấn luyện tác chiến, diễn tập quân sự và diễn tập quân sự liên hợp đa quốc gia. Như vậy, diễn tập quân sự thường xuyên đã trở thành một trạng thái bình thường của quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương.
Những năm gần đây, Mỹ nhiều lần điều tàu sân bay đến khu vực Đông Á. Quy mô lớn nhất là vào cuối năm 2010, khi đó xảy ra sự kiện pháo kích đảo Yeonpyeong, hai miền bán đảo Triều Tiên rơi vào trạng thái chiến tranh căng thẳng, Mỹ đã khẩn cấp điều các tàu sân bay USS Ronald Reagan, USS Washington và USS Carl Vinson đến áp chế.
3 tàu sân bay này mang theo 270 máy bay tác chiến các loại, lực lượng tấn công chủ yếu là máy bay chiến đấu đa dụng F/A-18E/F Super Hornet.
Ngay từ tháng 12/2003, quân đội Mỹ đã công bố chiến lược quân sự mới “Kế hoạch phản ứng khẩn cấp hạm đội” để nâng cao khả năng phản ứng nhanh, cơ động tầm xa và tác chiến phi đối xứng.
Trong vòng 30 ngày xảy ra sự kiện bất ngờ, Mỹ muốn triển khai được 6 cụm chiến đấu tàu sân bay ở khu vực điểm nóng và bảo đảm cho 2 tàu sân bay khác có thể tiếp viện hoặc thay thế trong vòng 3 tháng. Đây chính là phương án 6 + 2.
“Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm” cũng cho rằng sẽ “bảo đảm ít nhất có 6 tàu sân bay có thể triển khai tác chiến bất cứ lúc nào ở khu vực Thái Bình Dương”.
Một tàu sân bay Mỹ là căn cứ quân sự di động, đã có thể chở theo 70 - 80 máy bay. Sức chiến đấu của một cụm tấn công tàu sân bay tương đương với sức mạnh không quân của một quốc gia trung bình. 3 cụm tấn công tàu sân bay đủ để phát động một cuộc chiến tranh khu vực có quy mô trung bình trở lên.
Những năm gần đây, khả năng tác chiến của Hải quân Mỹ đã được tăng cường rất lớn so với thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh năm 1991 và chiến tranh Iraq năm 2003.
Các năng lực của biên đội tàu sân bay như máy bay, hệ thống vũ khí tấn công chính xác, hệ thống định vị, trinh sát điện tử và hệ thống quyết sách mạng nội bộ cũng như sức chiến đấu tổng hợp sau khi chỉnh đốn tăng lên nhanh chóng.
Sức chiến đấu của một biên đội tàu sân bay Mỹ năm 1999 tương đương với sức chiến đấu của 6 biên đội tàu sân bay Mỹ trong thời kỳ chiến tranh vùng Vịnh.
Có thể nói, hiện nay, sức chiến đấu của 3 biên đội tàu sân bay Mỹ trên các phương diện như tấn công tầm xa, săn ngầm, đánh chặn trên không đã vượt xa sức chiến đấu của toàn bộ Hải quân Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.
Mỗi tàu sân bay động cơ hạt nhân Mỹ đều biên chế một liên đội hàng không, trực thuộc là 4 phi đội máy bay chiến đấu tấn công với 44 máy bay chiến đấu F/A-18E/F Super Hornet, 1 phi đội máy bay cảnh báo sớm với 5 máy bay cảnh báo sớm E-2D Advanced Hawkeye; 1 phi đội tấn công tác chiến điện tử với 5 máy bay tác chiến điện tử EF-18G Growler; 2 phi đội máy bay trực thăng săn ngầm/cứu nạn với 11 máy bay trực thăng săn ngầm SH-60 Seahawk và máy bay trực thăng cứu nạn MH-60H Blackhawk.
Như vậy, 3 tàu sân bay tổng cộng có 132 máy bay chiến đấu F/A-18E/F, 15 máy bay cảnh báo sớm E-2D, 15 máy bay tác chiến điện tử EF-18G, 33 máy bay trực thăng.
Nhìn vào tần suất tấn công của tàu sân bay USS Carl Vinson trong cuộc diễn tập quân sự liên hợp JTFEX97-2 của Mỹ năm 1997 sẽ thấy, trong 1 tuần khai chiến, 3 tàu sân bay Mỹ tập trung xuất kích trong 4 ngày đầu, một ngày đêm điều động 750 lượt chiếc, 3 ngày sau giảm tần suất, một ngày đêm điều động 450 lượt chiếc.
Như vậy, trong 1 tuần có thể điều động 4.350 lượt chiếc, giả thiết có 80% trong số đó làm nhiệm vụ tấn công đối đất, mỗi máy bay chiến đấu mang theo 2 quả đạn dẫn đường chính xác trong 1 lượt bay, như vậy trong 1 tuần, 3 tàu sân bay có thể ném 7.000 quả đạn dẫn đường chính xác, tấn công 3.000 - 5.000 mục tiêu.
Ngoài ra, biên đội tàu sân bay còn có 11 tàu chiến lớp Aegis, có thể biên chế ít nhất 500 quả tên lửa hành trình Tomahawk, hơn nữa còn có thể nhận được sự chi viện của 2 tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình lớp Ohio. Tàu ngầm này trang bị ít nhất 300 quả tên lửa hành trình Tomahawk. Đây là một loại năng lực tấn công kinh người.
Đương nhiên, khả năng tấn công của 3 tàu sân bay Mỹ cũng chỉ có thể đe dọa được các nước duyên hải cỡ vừa và nhỏ. Theo Sina Trung Quốc, khi đối mặt với các cường quốc quân sự có năng lực phòng thủ trên không và trên biển hoàn thiện, có các loại vũ khí tấn công đối hải tiên tiến như Nga hoặc Trung Quốc thì sử dụng tàu sân bay để áp sát duyên hải rõ ràng là một hành động “tự sát”.