Trong bản thông cáo công bố ngày 25/10/2017, Hạm đội 7 cho biết tàu sân bay nguyên tử USS Nimitz đã trở lại hoạt động trong khu vực châu Á. Tháp tùng theo chiếc Nimitz là một hải đội tác chiến bao gồm một tuần dương hạm cùng 4 khu trục hạm, tất cả đều được trang bị tên lửa dẫn đường.
Trước đó, Hạm đội 7 cũng ra thông báo cho biết nhóm tác chiến với tàu sân bay nguyên tử USS Theodore Roosevelt khởi hành từ căn cứ San Diego (bang California), cũng đã đến khu vực công tác ở vùng Tây Thái Bình Dương ngày 23/10. Nhóm tác chiến của chiếc USS bao gồm một tàu tuần dương và ba tàu khu trục, cũng được võ trang bằng tên lửa dẫn đường.
Hai hàng không mẫu hạm mới đến như vậy sẽ tăng viện cho tàu sân bay USS Ronald Reagan, cùng với hải đội tác chiến tháp tùng theo, hiện đang neo đậu tại cảng Busan (Hàn Quốc), sau khi tham gia một cuộc tập trận hải quân lớn cùng với Hải quân Hàn Quốc ở vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Theo giới phân tích quân sự, lực lượng Mỹ được huy động đến vùng biển châu Á-Thái Bình Dương quả thực cực kỳ hùng hậu. Bởi lẽ chỉ riêng một nhóm tác chiến của tàu sân bay Mỹ, đã bao gồm 12 chiến hạm lớn nhỏ, từ một đến hai tàu ngầm và một phi đội khoảng 75 chiến đấu cơ.
Vào lúc tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Triều Tiên, hành động phô trương uy lực này được coi là một lời cảnh báo mạnh mẽ của Washington nhắm vào Bình Nhưỡng.
Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) đã gắn liền việc Hải quân Mỹ triển khai đồng thời ba hàng không mẫu hạm tại hiện trường châu Á-Thái Bình Dương, với chuyến thăm Đông Bắc Á và Đông Nam Á vào đầu tháng 11 tới đây của tổng thống Mỹ Donald Trump, với vấn hạt nhân và tên lửa Triều Tiên nổi bật trong chương trình nghị sự.