Australia do thám Trung-Nga tập trận ở Biển Đông sẽ dẫn đến nảy sinh xung đột với Bắc Kinh

VietTimes -- Australia có thể sử dụng tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, máy bay tuần tra P-3 Orion do thám, có thể phối hợp với Mỹ, có thể gây xung đột nếu thách thức quá mức Trung Quốc.
Biên đội máy bay chiến đấu Mỹ và Australia. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Biên đội máy bay chiến đấu Mỹ và Australia. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 7/8 dẫn tờ Sputnik Nga cho hay Quân đội Australia đến tháng 9 tới sẽ triển khai hành động thu thập tin tức ở Biển Đông.

Tháng 12/2015, máy bay tuần tra trên biển P-3 Orion của Australia tuần tra Biển Đông (Ảnh tư liệu minh họa)
Tháng 12/2015, máy bay tuần tra trên biển P-3 Orion của Australia tuần tra Biển Đông (Ảnh tư liệu minh họa)

Mặc dù hoàn toàn không nói rõ mục đích của hành động này, nhưng các chuyên gia cho rằng Australia gia tăng mức độ hoạt động là có liên quan đến việc hai nước Trung Quốc và Nga tiến hành tập trận ở Biển Đông vào tháng 9 tới đây.

Bộ Quốc phòng Australia thông báo cho biết trong hành động lần này có thể sử dụng tàu ngầm, tàu chiến mặt nước và máy bay tuần tra săn ngầm P-3 Orion.

Rõ ràng, nguyên nhân của hành động quân sự này đúng như suy đoán của các phóng viên là có liên quan đến cuộc tập trận trên biển của Trung Quốc và Nga.

Australia có hứng thú đối với việc triển khai hành động này. Không loại trừ khả năng hành động lần này đã tiến hành thỏa thuận với nước đồng minh chủ yếu của Australia.

Australia là đồng minh của Mỹ, luôn tích cực tham gia các hành động ngăn chặn Trung Quốc ở châu Á-Thái Bình Dương. Có thể Mỹ và Australia lần này sẽ còn tiến hành “phối hợp” với nhau.

Ngày 28/7, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố hải quân hai nước Trung Quốc và Nga sẽ tiến hành tập trận ở Biển Đông.

Cuộc tập tập trận này là "diễn tập thường lệ" của hải quân hai nước, là để củng cố quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển của hai nước. Đồng thời, Bắc Kinh còn nhấn mạnh cuộc tập trận này "không nhằm vào bên thứ ba".

Hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 9/2016. Ảnh tư liệu: Thời báo Tự do, Đài Loan.
Hải quân Trung Quốc và Nga sẽ tổ chức tập trận chung ở Biển Đông vào tháng 9/2016. Ảnh tư liệu: Thời báo Tự do, Đài Loan.

Mặc dù Trung Quốc tuyên bố như vậy, nhưng có nhiều chuyên gia đã phản bác quan điểm này, bởi vì bất cứ cuộc tập trận nào cũng có đối tượng tác chiến cụ thể, đồng thời cho rằng Trung Quốc đang lợi dụng Nga để giảm sức ép quốc tế sau phán quyết của Tòa trọng tài ở The Hague đối với vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc vào ngày 12/7 vừa qua - PV.

Trước đó, Trung Quốc đã tiến hành chỉ trích Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông của Mỹ, Nhật Bản và Australia. Trung Quốc tiếp tục luận điệu rằng các nước này không phải là bên tranh chấp ở Biển Đông, không được "nói nọ nói kia" đối với Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc rất tức giận, nhưng Không quân Australia và máy bay quân sự Mỹ vẫn tiến hành bay trên bầu trời khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Vì vậy, quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đã trở nên “u ám”.

Hơn nữa, Canberra cũng tuyên bố máy bay quân sự Australia bay trên khu vực này là hành động bảo vệ ổn định và an ninh khu vực bình thường. Có thể thấy Australia “hoàn toàn ủng hộ” cách làm của Mỹ.

Điều đáng chú ý là Mỹ kiên trì cho rằng phải có sự hiện diện quân sự cần thiết để bảo đảm tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Biên đội máy bay chiến đấu Mỹ và Australia. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Biên đội máy bay chiến đấu Mỹ và Australia. Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Hiện nay còn rất khó dự đoán Trung Quốc sẽ đưa ra phản ứng như thế nào đối với việc tàu chiến và máy bay quân sự nước khác đến gần khu vực tập trận.

Tất cả sẽ tùy thuộc vào mức độ tích cực trinh sát của Australia và tàu chiến Australia sẽ lựa chọn đi qua vùng biển nào.

Thời báo Hoàn Cầu dẫn “báo Nga” tuyên truyền có tính chất đe dọa cho rằng bất kể thế nào, “mô hình đối đầu” do Mỹ và đồng minh lựa chọn sẽ không đem lại ổn định hơn cho khu vực. Mặc dù các bên đều tuyên bố thận trọng và kiềm chế, nhưng không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện “xung đột” ngẫu nhiên.