Tuyên bố của của Arab Saudi cho thấy một sự thay đổi lớn trong chiến lược mua sắm vũ khí trang bị, vốn có truyền thống phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ quốc phòng của Mỹ và Pháp.
Arab Saudi trở thành quốc gia vùng Vịnh thứ ba sẽ sở hữu các hệ thống pháo phản lực-tên lửa Pantsir-S1, sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Oman. Theo RID, giao dịch này đã gặp phải trở ngại tài chính do việc các ngân hàng Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT quốc tế, hậu quả của các lệnh trừng phạt đang áp dụng đối với Nga.
Những thông tin cụ thể về số lượng và cấu hình của hệ thống Pantsir-S1, sẽ xuất khẩu cho Arab Saudi không được công bố. Giá thành của mỗi hệ thống Pantsir-S1 vào khoảng 15 triệu USD, cho thấy vị thế quan trọng của các hệ thống phòng không trong nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở hạ tầng kinh tế quân sự quan trọng của vương quốc dầu mỏ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và UAV tự sát.
Theo các thông tin, được cung cấp trên mạng xã hội Telegram tiếng Nga, Alexander Mikheev, Giám đốc điều hành Rosoboronexport tại Triển lãm Quốc phòng Thế giới 2024 ở Riyadh lưu ý rằng, các quốc gia Trung Đông có thể xem xét nội địa hóa hoạt động sản xuất hàng loạt hệ thống phòng không Pantsir. Phát biểu này gợi ý khả năng hợp tác cao hơn giữa Nga và các quốc gia Trung Đông, bao gồm cả Arab Saudi, có thể phát triển tiềm năng chế tạo và sản xuất các hệ thống Pantsir nội địa, đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng quốc gia.
Arab Saudi quyết định tích hợp Pantsir-S1 vào hệ thống phòng không của quốc gia cho thấy những mối đe dọa từ phía lực lượng Houthi đang ảnh hướng đáng kể đến nền kinh tế chiến lược của vương quốc dầu mỏ. Lực lượng Phòng không Arab Saudi có biên chế 16.000 quân nhân thường trực chiến đấu, bao gồm 6 tiểu đoàn được trang bị hệ thống tên lửa phòng không M902 Patriot PAC-3, 17 khẩu đội tên lửa phòng không Shahine/AMX-30SA và 16 khẩu đội trang bị hệ thống tên lửa phòng không đã lỗi thời MIM-23B I-Hawk.
Hệ thống pháo – tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1, định danh NATO là SA-22 Greyhound, được thiết kế để chống lại các mối đe dọa đường không như máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, máy bay không người lái (UAV), đạn rockets và tên lửa hành trình. Những tính năng linh hoạt của vũ khí cho phép bảo vệ hạ tầng cơ sở kinh tế, quân sự quan trọng như các cơ sở lọc dầu và cảng dầu.
Arab Saudi quyết định mua sắm Pantsir-S1 do trong kho vũ khí của NATO không có loại vũ khí có những tính năng kỹ chiến thuật tương đương. Hệ thống pháo tự hành phòng không Gepard do Đức phát triển vào những năm 1960 có vai trò tương tự nhưng thiếu hụt hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn và hệ thống quan điện tử, có thể kết hợp với radar để tiêu diệt mục tiêu hiệu quả hơn.
Pantsir-S1 (SA-22 Greyhound) là hệ thống phòng không do Nga sản xuất, kết hợp hai nhóm tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa và pháo binh để bảo vệ các cơ sở quân sự, khu công nghiệp và các đơn vị quân đội chống lại các mối đe dọa mới nổi như tên lửa hành trình và các UAV tầm thấp.
Ưu điểm của hệ thống là kết hợp công nghệ quang điện tử hồng ngoại, radar và cơ chế tự động hóa tiên tiến giúp tăng cường khả năng nhận thức tình huống toàn diện, khóa và theo dõi mục tiêu cả bằng radar và quang điện tử hồng ngoại, đồng thời cơ chế tự động hóa cho phép tiêu diệt nhanh chóng các nhóm mục tiêu như UAV hoặc đạn rockets từ pháo phản lực.
Pantsir-S1 được trang bị 12 tên lửa đất đối không có điều khiển 57E6, 2 pháo tự động tốc độ cao 2A38M 30 mm, cho phép tấn công hầu hết các loại mục tiêu trên độ cao thấp. Tên lửa phòng không có tầm bắn hiệu quả tới 20 km, độ cao đạt 15 km. Pháo tự động 30 mm có hiệu quả tiêu diệt các mục tiêu, bao gồm cả những mục tiêu nhỏ như UAV thương mại trong phạm vi 4 km và độ cao lên tới 3 km.
Tên lửa 57E6 là tên lửa hai tầng phóng nhiên liệu rắn, đầu đạn phân mảnh có sức nổ mạnh, cho phép đánh chặn các mục tiêu ở tầm xa và tầm cao. Pháo tự động có tốc độ bắn 2.500 phát/phút, sử dụng nhiều loại đạn khác nhau, tạo ra một lưới lửa dày đặc ngăn chặn các đạn rocket, đạn pháo dẫn đường và các UAV nhỏ, tầm thấp.
Pantsir-S1 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực được tự động hóa trên nền tảng máy tính bao gồm Radar thu thập mục tiêu (TAR) sử dụng băng tần E để phát hiện mục tiêu, Radar theo dõi mục tiêu (TTR) băng tần J theo dõi mục tiêu liên tục và dẫn đạn tên lửa . Hệ thống radar cho phép Pantsir-S1 phát hiện mục tiêu trên khoảng cách tới 36 km, độ cao lên tới 15 km.
Ngoài radar, hệ thống điều khiển hỏa lực được trang bị kênh quang điện tử hồng ngoại với camera quang ảnh nhiệt sóng dài và công cụ phát hiện hướng phát xung hồng ngoại, xử lý tín hiệu kỹ thuật số và theo dõi mục tiêu hoàn toàn tự động.
Radar và hệ thống quang điện tử - hồng ngoại cho phép Pantsir-S1 hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, ngày đêm và chống lại các biện pháp tấn công điện tử.
Theo Army Recognition