|
Hình minh họa |
1. Ngày trước tôi vẫn thường nhìn Apple từ xuất phát điểm hay sự tham chiếu duy nhất một người: Steve Jobs. Bởi chính triết lí của Jobs: Tinh tế đến nghiệt ngã, chuẩn mực đến tàn nhẫn, và tự tin đến điên cuồng… đã làm nên sức sống hoàn toàn khác biệt của iPhone, cho đến tận ngày nay.
Thời của Tim Cook, mọi thứ được pha loãng hơn. Sự mở rộng kích cỡ màn hình iPhone, nếu nhìn từ tư duy của "thánh Jobs" trước đây, có thể bị cho rằng là một sự thỏa hiệp. Nhưng nếu nhìn từ góc độ thị trường, xu thế và nhu cầu người dùng, thì đó là sự thức thời, giúp cho iPhone vẫn còn là một thế lực lớn nhất đối trọng với Samsung. Nếu không, Samsung đã nuốt đa phần thị trường rồi.
Điển hình ở đây là iPhone X. Mẫu máy hội tụ đầy đủ nhất các tinh hoa của 10 năm iPhone, bán với giá chạm ngưỡng 1.000USD. Nhưng lại được trang TechInsights mổ xẻ là giá thành chỉ 357,5USD trong khi bán 999USD, lãi gộp lên tới 64%. Có lẽ chẳng có mẫu máy nào, hãng sản xuất smartphone nào lãi cao và nhiều như iPhone của Apple. Cứ đọc các báo cáo tài chính quý hay nửa năm một của Apple thì rõ, lượng máy bán chỉ bằng 40-50% so với Samsung, nhưng lợi nhuận bao giờ cũng cao hơn gấp đôi, thậm chí có lúc gấp ba.
Năm 2017 này và sang cả năm 2018 nữa, với sự ra mắt iPhone X, lợi nhuận năm của Apple có lẽ còn cao hơn năm trước. Vậy mà, bao nhiêu người vẫn đang hóng iPhone X, khan hàng, muốn sở hữu sớm như tại Việt Nam chẳng hạn, phải chịu giá gấp đôi hoặc thậm chí hơn. Vậy thì nghiệt ngã đấy, tàn nhẫn đấy, điên cuồng đấy mà "xắt ra miếng". Với doanh nghiệp, đây là điều cơ bản nhất để tồn tại và phát triển chứ còn gì.
2. "Hồ sơ trốn thuế" Paradise Papers được phanh phui trong đó Apple là cái tên đầu têu. Nhưng theo tôi, khi chưa có cáo buộc từ các cơ quan pháp luật mà gọi là trốn thuế e chưa ổn. Có lẽ gọi là lách thuế thì phù hợp hơn vì đó là hành vi lợi dụng hoặc tận dụng các kẽ hở nhiều mặt để hưởng lợi về thuế.
Trên thực tế thì trong 3 năm qua từ 2014-2016, đúng hơn là Apple chuyển địa điểm lách thuế từ Ireland sang đảo Jersey thuộc Anh. Số tiền thuế lách cũng lên đến hàng chục tỉ USD như lần lách thuế khi đặt "công ty trên giấy" (không có nhân viên) tại Ireland, vì thế mới đang bị Liên minh Châu Âu (EU) yêu cầu đóng khoản phạt hơn 14 tỷ USD. Tất nhiên nếu Apple kháng lệnh và đưa vấn đề ra tòa thì vụ việc này chắc phải theo tháng theo năm mới kết thúc được chứ không thể trong vài tuần hay một tháng.
Theo tiết lộ của New York Times, không riêng Apple mà một loạt công ty khác như Nike, Starbucks, Uber hay Facebook đều đang đặt những "công ty trên giấy" hay thường được gọi là "công ty ma" ở các "thiên đường thuế" để hưởng lợi đóng thuế ít hơn nhiều so với tại quốc gia mà đại bản doanh của họ trú đóng, và cũng để dễ "thi triển" các ngón nghề lách thuế còn lại. Một trong những chiêu thức được quen dùng là mua bán bằng sáng chế trong nội bộ với nhau để lấy cớ chuyển ngân sang các "thiên đường thuế" như Ireland hay Jersey, gọi là cách chuyển hóa lợi nhuận.
Câu hỏi đặt ra là, vì sao các "đại gia" sừng sỏ như thế lại chính là những công ty tìm đủ mọi cách lách thuế nhiều nhất, sử dụng nhiều chiêu thức nhất, và với số tiền lách thuế lớn nhất?
Câu trả lời là: Có ai không ham tiền. Mà lượng tiền lên đến hàng chục tỉ USD chứ không phải ít. Còn cáo buộc trốn thuế ư? Đụng tới luật, các "đại gia" đều có những đội hình luật sư trong mơ, muốn họ chịu thua cũng phải mất nhiều thời gian, và tốn công sức truy tìm chứng cứ phù hợp luật pháp mới được, chứ không thì 5 ăn 5 thua. Một vụ việc điển hình vừa được khép lại là Samsung bị tuyên bồi thường cho Apple 120 triệu USD vì vi phạm 3 bằng sáng chế. Vụ này được đội ngũ luật sư của Apple xới lên từ trước năm 2014, qua nhiều lần xử, mức bồi thường chốt lại khoảng 120 triệu USD vào năm 2016 nhưng Samsung tiếp tục kháng án. Giờ sang năm 2017 tuyên y án nhưng không biết liệu đã yên chưa.
Với hàng chục tỉ USD của Apple lách thuế có được trong các giai đoạn, chỉ cần để yên trong ngân hàng cũng đã mang lại lãi không ít, chưa nói là có thể đầu tư, xoay xở cho bao nhiêu việc khác. Nhưng điều quan trọng nữa là, nếu những khoản lợi nhuận đó vẫn giữ lại được trong báo cáo tài chính hợp nhất với những công ty đã lên sàn như Apple, Facebook, Nike, Starbucks…, thì nó sẽ giúp "làm đẹp" sổ sách và kích giá cổ phiếu lên biết bao nhiêu. Minh chứng là Apple hiện đang là công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, khoảng 900 tỉ USD.
3. Sáng ngày 11.11.2017, chuỗi FPT Shop chính thức mở bán iPhone 8/8 Plus. Nên nhớ rằng cách đây gần hai tháng khi iPhone 8/8 Plus được ra mắt tại Mỹ, bộ đôi này nhận được những đánh giá thất vọng nhiều hơn vì dư luận cho rằng không có nâng cấp gì đáng kể, từ đó sự kì vọng đổ sang iPhone X.
Đành rằng là iPhone 8/8 Plus không có cách tân nhiều so với thế hệ trước nhưng nếu được chính tay cầm chiếc máy trên, một cảm giác rất khác dù mới chỉ tiếp xúc với mặt kính ở lưng máy. Không cách tân nhiều về công nghệ, tính năng nhưng về độ hoàn thiện thì đủ để phân rõ một đẳng cấp.
Và như trong bài viết trước về iPhone X trên VnReview tôi đã từng nói, những người yêu thích iPhone của Apple đôi khi chỉ cần một cái cớ để móc hầu bao thôi dù người khác có chê bai hay phân vân, đắn đo.
Về cơ bản, triết lí sáng tạo của Steve Jobs vẫn được Tim Cook và bộ sậu lãnh đạo của Apple bây giờ thấm nhuần: Đã không làm thì thôi, đã làm là đỉnh. Dù bị xem là khắc nghiệt, tàn nhẫn, bảo thủ, bất cần người dùng.v.v… thế nào đi nữa nhưng Apple luôn tạo được nét riêng và sự khác biệt của chất lượng. Và đó chính là sức hút nam châm vô đối để Apple giữ được người dùng trung thành cũng như thu hút thêm người dùng mới.
http://vnreview.vn/goc-nhin-vnreview/-/view_content/content/2322876/apple-lai-khung-lach-thue-khiep-va-van-vo-doi