Apple, Google và thỏa thuận kiểm soát Internet

Đơn kiện lịch sử của Bộ Tư pháp Mỹ nhắm tới thỏa thuận hợp tác bí mật trị giá hàng tỷ USD giữa hai gã khổng lồ công nghệ.
Apple, Google và thỏa thuận kiểm soát Internet

Tim Cook và Sundar Pichai - Giám đốc điều hành của Apple và Google - được phát hiện ngồi ăn tối cùng nhau ở một nhà hàng cao cấp tại Palo Alto, bang California, năm 2017.

Bức ảnh đã gây ra cơn sốt mạnh mẽ về quan hệ giữa hai tập đoàn lớn mạnh nhất của Thung lũng Silicon, nhất là hai bên khi đó đang đàm phán đầy căng thẳng để nối lại một trong những thỏa thuận làm ăn "béo bở" nhất trong lịch sử - cho phép Google Search trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên iPhone và các thiết bị do Apple sản xuất. Thương vụ này có giá trị hàng tỷ USD với mỗi bên và củng cố vị thế dẫn đầu ngành công nghệ của họ.

Thỏa thuận giờ đây đang bị đe dọa.

Pichai (trái) và Cook trong nhà hàng tại Palo Alto hồi năm 2017. Ảnh: Twitter/SteveDSims1.

Bộ Tư pháp Mỹ hôm 20/10 đệ đơn kiện chống độc quyền Google với cáo buộc lợi dụng sức ảnh hưởng với thị trường để chống lại các đối thủ. Đây là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất được chính phủ Mỹ tiến hành trong 20 năm qua, nhắm tới thỏa thuận hợp tác mà các công tố viên coi là chiến thuật bất hợp pháp nhằm duy trì thế thống trị và bóp nghẹt những đối thủ trong lĩnh vực tìm kiếm.

Thỏa thuận được ký lần đầu năm 2005 và hiếm khi được hai công ty đề cập. Các tài liệu điều tra đã cho thấy quan hệ đặc biệt giữa hai tập đoàn có giá trị nhất tại Thung lũng Silicon, trong đó, nổi bật là sự bắt tay giữa các đối thủ được cho là đã ngăn những công ty nhỏ hơn phát triển.

"Chúng tôi có một thuật ngữ lạ lùng ở Thung lũng Silicon, là 'vừa cạnh tranh vừa hợp tác'. Bạn có những cuộc cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng đồng thời cũng có nhu cầu hợp tác", Bruce Sewell, Phó chủ tịch phụ trách pháp lý của Apple giai đoạn 2009-2017, cho hay.

Apple và Google vẫn liên kết với nhau dù CEO Tim Cook và người sáng lập Steve Jobs từng nhiều lần chỉ trích thậm tệ đối thủ.

Apple và Alphabet, công ty mẹ của Google, có tổng trị giá hơn 3.000 tỷ USD và thường xuyên đối đầu với Apple trong nhiều lĩnh vực, như smartphone, bản đồ kỹ thuật số và laptop. Tuy nhiên, họ cũng biết cách hợp tác nếu điều đó phục vụ lợi ích của từng tập đoàn. Có nhiều thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả hai hơn cả thương vụ Google Search trên iPhone.

Gần một nửa lưu lượng truy vấn trên Google hiện nay đến từ thiết bị của Apple. Khi người dùng iPhone tìm kiếm trên Google, họ sẽ thấy những quảng cáo mang lại lợi nhuận cho Google và được dẫn tới nhiều sản phẩm khác của hãng, như YouTube.

Kịch bản mất thỏa thuận với Apple được gọi là "Code Red" (Mã Đỏ) trong nội bộ Google, bởi nó có thể khiến hàng tỷ USD doanh thu từ quảng cáo lẫn dữ liệu truy vấn biến mất, chưa kể việc để ngỏ cánh cửa cho các đối thủ cạnh tranh tiến vào. Một cựu lãnh đạo Google giấu tên cho biết nguy cơ mất lưu lượng từ thiết bị Apple là điều "đáng sợ" nhất với tập đoàn này.

Bộ Tư pháp Mỹ đang yêu cầu tòa án ngăn Google thực hiện những thỏa thuận tương tự và cho rằng sự hợp tác đã giúp Google trở thành trung tâm cuộc sống trên mạng của người dùng khi chiếm 92% truy vấn trên mạng Internet toàn cầu.

Các doanh nghiệp online như Yelp và Expedia, cũng như hàng loạt công ty từ nhà hàng đến giới truyền thông, thường than phiền rằng sự thống trị của Google Search cho phép hãng này thu tiền quảng cáo ngay cả khi người dùng chỉ tìm tên doanh nghiệp, cũng như thu hút người dùng đến những dịch vụ của riêng Google, như Google Maps. Các đối thủ nhỏ như DuckDuckGo, công ty được quảng cáo là lựa chọn bảo mật hơn Google, cũng không bao giờ đủ sức cạnh tranh với thỏa thuận Google - Apple.

Apple hiện được nhận 8 đến 12 tỷ USD mỗi năm để tích hợp Google Search vào sản phẩm của họ, so với con số một tỷ USD một năm hồi 2014. Đây có thể là khoản tiền lớn nhất Google trả cho bất kỳ hãng nào. Số tiền này cũng chiếm 14 đến 21% lợi nhuận hàng năm của Apple. Đó không phải khoản tiền mà Apple sẵn sàng từ bỏ.

Cook và Pichai gặp lại nhau năm 2018 để thảo luận cách tăng doanh thu từ tìm kiếm. Một quan chức cấp cao của Apple sau đó gửi thư cho người đồng cấp ở Google, khẳng định "tầm nhìn của chúng tôi là hai bên làm việc như một công ty", theo đơn kiện của Bộ Tư pháp Mỹ.

Nếu hai bên buộc phải phá vỡ thỏa thuận, Apple sẽ mất khoản tiền lớn vốn có được rất dễ. Đây cũng là mối đe dọa nghiêm trọng với Google khi họ chưa có phương án thay thế lưu lượng truy vấn từ thiết bị Apple. Nó cũng có thể buộc Apple tìm mua hoặc phát triển bộ máy tìm kiếm riêng.

Nhiều người trong nội bộ Google tin rằng Apple là một trong số ít công ty có thể đưa ra giải pháp thay thế đáng gờm, cũng như lo ngại Apple có thể khiến người dùng iPhone gặp khó khăn khi muốn sử dụng Google Search nếu thỏa thuận sụp đổ.

Phát ngôn viên Apple từ chối bình luận về quan hệ hợp tác, trong khi đại diện Google vẫn bảo vệ thương vụ này.

Jobs và Schmidt giải thích cách Google hoạt động trên iPhone. Ảnh: AFP.

Ngay cả khi số tiền phải trả cho Apple ngày càng tăng, Google vẫn nhiều lần khẳng định họ thống trị lĩnh vực tìm kiếm vì được người dùng yêu thích, chứ không phải đang mua lại người dùng. Hãng này cũng cho rằng Bộ Tư pháp Mỹ đang đưa ra bức tranh không đầy đủ, thêm rằng, thỏa thuận này không khác gì việc Coca Cola trả tiền cho các siêu thị để có chỗ trưng bày nổi bật hơn.

Google cho rằng những hệ thống tìm kiếm khác như Bing cũng có thỏa thuận chia sẻ doanh thu với Apple để trở thành lựa chọn thứ cấp trên iPhone. Apple cho phép người dùng đổi hệ thống tìm kiếm mặc định, nhưng điều này hiếm khi xảy ra do người dùng không muốn chỉnh sửa thiết lập và nhiều người cũng ưu tiên Google Search.

Apple gần như chưa bao giờ công khai thừa nhận thỏa thuận với Google. Lần đầu tiên họ nhắc đến nó là trong báo cáo doanh thu năm nay. Theo một cựu quan chức giấu tên, giới lãnh đạo Apple cũng có tính toán về Google và kết luận sự tiện dụng của Google Search đủ bù đắp cái giá phải trả cho những hoạt động xâm phạm riêng tư của nó.

"Hệ thống tìm kiếm của họ là tốt nhất", CEO Tim Cook nói hồi cuối năm 2018, khi được hỏi lý do Apple hợp tác cùng tập đoàn mà ông thường xuyên chỉ trích. Cook thêm rằng Apple cũng đưa ra nhiều cách hạn chế Google thu thập dữ liệu người dùng, như chế độ lướt mạng riêng tư trên trình duyệt Safari.

Thỏa thuận cũng không chỉ giới hạn trong truy vấn qua Safari, nó cũng áp dụng với mọi truy vấn trên thiết bị của Apple, bao gồm Siri, ứng dụng của Google trên iPhone và trình duyệt Chrome.

Quan hệ giữa hai công ty đã chuyển từ thân thiện sang đối đầu và giờ đây là vừa cạnh tranh vừa hợp tác. Trong những năm khởi đầu Google, người đồng sáng lập Larry Page và Sergey Brin coi Steve Jobs là thầy hướng dẫn, họ thường đi bộ với ông để thảo luận về tương lai công nghệ.

Đến năm 2005, Apple và Google ký thỏa thuận được coi là khá khiêm tốn, trong đó Google Search là chương trình tìm kiếm mặc định trên trình duyệt Safari dành cho máy tính Mac của Apple.

Tim Cook, khi đó vẫn là cấp phó của Jobs, coi đây là thỏa thuận có nhiều tiềm năng béo bở. Khoản tiền của Google là lợi nhuận ròng, Apple chỉ cần tích hợp hệ thống tìm kiếm mà người dùng muốn từ trước.

Apple sau đó mở rộng thỏa thuận ra sản phẩm sắp ra mắt là iPhone. Khi Steve Jobs hé lộ iPhone vào năm 2007, ông mời giám đốc điều hành Google - khi đó là Eric Schmidt - lên sân khấu trong sự kiện mở đầu. "Nếu chúng ta sáp nhập hai công ty, nó sẽ mang tên AppleGoo", Schmidt nói đùa. Khi đó ông cũng là thành viên hội đồng quản trị của Apple.

Quan hệ sau đó xấu đi khi Google âm thầm phát triển đối thủ cạnh tranh với iPhone - đó là hệ điều hành cho phép mọi nhà sản xuất điện thoại sử dụng với tên gọi Android. Steve Jobs đã rất tức giận.

Năm 2010, Apple kiện một hãng sản xuất điện thoại sử dụng Android. "Tôi sẽ hủy diệt nó. Tôi sẽ dành cả hơi thở cuối cùng của mình nếu cần", Jobs nói với người viết hồi ký Walter Isaacson. Một năm sau, Apple ra mắt Siri và sử dụng nền tảng Bing của Microsoft, thay vì sản phẩm của Google.

Tuy nhiên, thỏa thuận Apple - Google vẫn được duy trì vì nó quá béo bở và không bên nào muốn phá hủy. Apple sắp xếp để hai bên đều đặn đàm phán lại, mỗi lần cho phép Apple thu thêm tiền từ Google, theo lời một cựu lãnh đạo cấp cao trong tập đoàn. "Bạn phải biết cách duy trì quan hệ và không qua cầu rút ván, nhưng cũng phải tìm mọi cách để giành được lợi ích trong thỏa thuận khi đại diện cho công ty", Sewell nói.

Thỏa thuận được tái đàm phán vào năm 2017. Google khi đó ở trong thế khó, khi chỉ số click vào quảng cáo trên mobile không tăng trưởng đủ nhanh. Apple không hài lòng với hiệu năng của Bing cho Siri, trong khi Tim Cook mới công bố mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu từ các dịch vụ lên 50 tỷ USD vào năm 2020, điều chỉ có thể trở thành hiện thực với khoản tiền từ Google.

Đến mùa thu năm 2017, Apple công bố Google sẽ hỗ trợ Siri trả lời câu hỏi, trong khi Google cho biết chi phí trả cho lưu lượng tìm kiếm đã tăng vọt. Google giải thích một phần lý do trả thêm hàng trăm triệu USD cho một công ty giấu tên là "thay đổi trong thỏa thuận hợp tác".

Theo VnExpress

Theo https://vnexpress.net/apple-google-va-thoa-thuan-kiem-soat-internet-4183178.html