Thông tin từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 13h ngày 03/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,4 độ vĩ Bắc-114,1 độ kinh Đông (cách đảo Trường Sa Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 250km về phía Đông Nam). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km. Đến 13h ngày 04/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,9 độ vĩ Bắc-110,7 độ kinh Đông, cách đảo Phú Quý (Bình Thuận) khoảng 260km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển quần đảo Trường Sa có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-9 và có mưa dông mạnh; biển động. Từ sáng mai (4/11), do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía bắc tràn xuống Nam nên các tỉnh miền Trung có mưa vừa đến mưa to, có nơi rất to. Mưa lớn khiến lũ trên các sông ở Bình Định, Gia Lai và sông Kỳ Lộ (Phú Yên) đang dao động ở mức đỉnh; Lũ sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh), các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Kon Tum đang xuống; các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk và trung, hạ lưu sông Ba (Phú Yên) đang lên.
Dự báo trong ngày hôm nay và ngày mai, lũ trên các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk và trung, hạ lưu sông Ba (Phú Yên) tiếp tục lên trên mức BĐ3; các sông ở Đắk Lắk lên mức BĐ1-BĐ2.
Nước lũ dâng cao cùng mưa lớn sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh từ Quảng Nam-Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt là các huyện miền núi các tỉnh từ Quảng Nam-Ninh Thuận.