Áp lực tỷ giá nhìn từ động thái của các nước

Cần lưu tâm rằng, các nước có đồng bản tệ "neo" vào USD và lên giá so với bản tệ của các nước khác sẽ phải chứng kiến tình trạng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ các nước khác trở nên cạnh tranh hơn ngay trên lãnh thổ của mình
Áp lực tỷ giá nhìn từ động thái của các nước

Và từ đó dẫn đến những hậu quả như thu hẹp sản xuất nội địa, gia tăng thất nghiệp...

Nhiều quốc gia từ châu Âu sang châu Á, đến châu Mỹ và lan sang châu Đại Dương, không chỉ những quốc gia mà nhỏ mà còn những quốc gia có nền kinh tế lớn, có thứ hạng trên thế giới và trong khu vực như Nhật, Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Úc, Canada, Đài Loan, New Zealand, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia v.v… đã từ sớm (trong năm 2014, đặc biệt kể từ tháng 11 hay 12/2014) hay chỉ mới đây đã phải chủ động phá giá, hoặc bắt buộc để đồng nội tệ của mình bị mất giá so với USD.

Lý do chung cho những hành động phá giá này tất nhiên là để đồng nội tệ của họ không lên giá theo một đồng USD đang mạnh lên từng ngày khi mà thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ nâng lãi suất USD đang đến gần (dự đoán là tháng 6 tới) để kiềm chế lạm phát sau khi nền kinh tế nước này đã tỏ rõ dấu hiệu hồi phục chắc chắn.

Điều cần chú ý là chủ ý chính trong việc phá giá của những nước trên không hẳn vì muốn duy trì một đồng bản tệ yếu so với USD để duy trì hay tăng tính cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp nội địa Mỹ để duy trì hay tăng xuất khẩu vào Mỹ, hoặc, ngược lại, hạn chế nhập khẩu từ Mỹ vào thị trường nội địa của họ.

Vấn đề quan trọng và có tính sống còn hơn là, các nước này không muốn vì neo đồng bản tệ của họ vào USD mà làm cho đồng bản tệ của mình lên giá so với đồng bản tệ của các nước khác đã (chủ động) phá giá bản tệ của mình so với USD. Nếu để xảy ra như vậy thì xuất khẩu của họ đi khắp thế giới (không chỉ có thị trường Mỹ) sẽ bị hạn chế vì các đối thủ của mình, với một đồng bản tệ yếu hơn của họ (đều quy ra USD), có được lợi thế hơn về giá, và, do đó, giành mất thị phần xuất khẩu. Ngược lại, và cần hết sức lưu tâm, các nước có đồng bản tệ neo vào USD và lên giá so với bản tệ của các nước khác sẽ phải chứng kiến tình trạng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ các nước khác trở nên cạnh tranh hơn ngay trên lãnh thổ của mình, dẫn đến những hậu quả như thu hẹp sản xuất nội địa, và gia tăng thất nghiệp.

Cần nói thêm là sẽ không tốn nhiều thời gian để cho một đồng bản tệ lên giá (so với bản tệ của các nước khác) gây ra tác động tiêu cực rõ rệt đến xuất khẩu và nhập khẩu, cũng như sản xuất nội địa như đã chỉ ra bên trên. Có không ít dẫn chứng điển hình về hậu quả của một đồng USD mạnh hơn các đồng tiền trong hầu hết phần còn lại của thế giới. Theo tin tức cho biết, Intel hồi tuần đầu tháng này đã phải cắt dự báo triển vọng doanh thu trong quý I năm nay đến gần 1 tỷ USD với một trong số những lý do là nhu cầu về máy tính cho doanh nghiệp yếu hơn dự đoán ban đầu. Trong khi đó, một doanh nghiệp thép của Mỹ, U.S.Steel, đã phải ngừng sản xuất tại một nhà máy ở Minnesota vì họ đang phải vật lộn với thép nhập khẩu giá rẻ hơn nếu quy ra USD. Trong 2 ví dụ này, tất nhiên đồng USD mạnh lên là một trong những nguyên nhân chính làm giảm tính hấp dẫn và do đó nhu cầu về hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ, đồng thời lại góp phần mở rộng thêm cửa cho hàng nhập khẩu từ các nước khác tràn vào thị trường nội địa.

Như vậy, một đồng bản tệ mạnh, lên giá với các đồng bản tệ khác là điều mà hầu như không một quốc gia nào mong muốn. Ngay đến Mỹ, Fed cũng đã phải trù trừ, cân nhắc việc/thời điểm nâng lãi suất. Còn các nước khác thì cứ nhìn nhau để rồi, miễn cưỡng hay không, đều phải lần lượt nhảy vào cuộc chiến tranh tiền tệ - phá giá bản tệ, “làm nghèo hàng xóm” (beggar thy neighbor).

Nhìn sang Việt Nam, như đã nói trong bài trước, tình hình lại khá im ắng. Ngoài những lý do đã phân tích, vẫn còn những luồng ý kiến mới có thể là lý do để giải thích cho sự trù trừ phá giá VND.

Có người cho rằng không đủ lý do thuyết phục để phá giá VND vì dù đồng USD đang tăng giá mạnh nhưng không có nghĩa tất cả các đồng tiền khác đều bị mất giá trước USD như đồng Euro, và rằng, nhìn vào diễn biến của đồng USD phải có một cái nhìn dài hạn. Chẳng hạn như 5 năm trở lại đây đồng USD có tăng nhưng nếu so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc thì đang mất giá tới 10%, đồng Won của Hàn Quốc là 12%...

Đúng là không phải tất cả các đồng tiền khác đều bị mất giá trước USD. Nhưng, cũng như đã liệt kê ở trên, hầu như tất cả các nền kinh tế đáng kể trên thế giới đều phá giá bản tệ (hoặc để bản tệ mất giá), vào những thời điểm khác nhau, nhưng dồn dập từ cuối năm 2014 đến nay. Những nước còn lại có hay không phá giá thì cũng chẳng phải là điều đáng kể nữa.

Quan trọng hơn, và cũng như đã nêu dẫn chứng ở trên, tác động của phá giá hay nâng giá bản tệ lên xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất trong nước diễn ra nhanh chóng, có thể nói tác động này có tính thời điểm. Bởi vậy, việc đem so mức tỷ giá bây giờ với mức cách đây vài năm chẳng có nghĩa lý gì. Hơn nữa, tại sao lại chọn mốc 5 năm mà không phải là 1 năm, hay 10 năm? Mốc thay đổi sẽ làm cho bức tranh tỷ giá thay đổi, vậy thì sự so sánh kiểu này (so với quá khứ) có tác dụng gì?

Tiếp theo là ý kiến cho rằng, nếu chỉ nhìn vào biến động của cặp tỷ giá USD/Euro trên thế giới hiện nay mà phán đoán về khả năng điều chỉnh tỷ giá của ngân hàng Nhà nước là chưa có đủ cơ sở. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của Việt Nam hiện nay (kể cả xuất khẩu sang châu Âu) tuyệt đại vẫn là sử dụng đồng USD. Trong khi đó, nhìn về bức tranh ngoại hối của Việt Nam hiện nay thì dự trữ ngoại hối cũng như các nguồn cung ngoại hối khác của nước ta đang khá dồi dào, không hề có dấu hiệu khan hiếm.

Như đã nói, tác động của việc neo tỷ giá VND/USD sẽ làm cho VND mạnh lên so với bản tệ của hầu hết phần còn lại của thế giới, không chỉ có Euro. Nên, cũng như đã phân tích, việc lên giá này của VND chắc chắn sẽ tác động tiêu cực không chỉ lên xuất khẩu của Việt Nam (và không chỉ sang EU) mà còn lên cả nhập khẩu và sản xuất nội địa. Nói cách khác, phái chủ trương thúc giục NHNN phá giá không chỉ dựa vào tỷ giá USD/Euro như luồng ý kiến bên trên nêu ra một cách không chính xác, mà còn xuất phát từ thực tế là VND thực tế và thực sự đã lên giá so với rất nhiều đồng bản tệ khác do VND bị neo vào USD.

Việc nêu ra rằng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu tuyệt đại đa số vẫn sử dụng USD cũng chẳng có ý nghĩa gì, vì điều quan trọng là VND neo vào USD nên lên giá so với Euro, làm cho hàng xuất khẩu của Việt Nam không cạnh tranh được với hàng sản xuất tại châu Âu nhờ đồng Euro rẻ đi so với USD (và tức là rẻ so với VND); ngược lại, cũng vì Euro rẻ đi so với VND nên nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam sẽ tăng lên, làm khó thêm cho doanh nghiệp nội địa.

Ngoài ra, vì VND bị neo vào USD nên lên giá so với bản tệ của các đối thủ khác, hàng xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu còn bị “ép” thêm một cách “tức tưởi” bởi hàng xuất khẩu của các đối thủ này cũng vào thị trường châu Âu cho dù đồng tiền dùng trong các giao dịch xuất nhập khẩu với châu Âu vẫn có thể là USD.

Cuối cùng, về cái lý do dự trữ ngoại hối và các nguồn cung ngoại hối đang dồi dào nên không cần phải phá giá VND. Cần biết rằng nhiều nước đã, đang và sẽ phá giá bản tệ, đều không gặp phải vấn đề về nguồn cung ngoại tệ hay gặp áp lực lên tỷ giá vì mất cân đối cung cầu ngoại tệ theo cái nghĩa hay được hiểu ở Việt Nam. Nhưng họ vẫn phá giá và chủ động phá giá là để duy trì thị phần xuất khẩu, bảo vệ thị trường nội địa và công ăn việc làm do chính sách “làm nghèo hàng xóm” của những nước khác mang đến trong cuộc chiến tranh tiền tệ hiện nay.

Trên hết, việc nhiều nước đã, đang và sẽ phá giá bản tệ tự thân nó đã cho biết là Việt Nam hay bất cứ một nước nào khác phá giá để làm gì và có nên phá giá hay không.

 TS. PHAN MINH NGỌC

Theo InfoNet