Ảnh vệ tinh vụ tấn công sân bay tiết lộ sức mạnh tên lửa đạn đạo siêu thanh của Iran

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc các tên lửa đạn đạo siêu thanh Fattah của Iran xuyên thủng hệ thống đánh chặn của Israel đánh trúng các mục tiêu ở sân bay Israel đang trở thành đề tài bàn luận.

Can cu Ramon bi trung ten lua.jpg
Ảnh vệ tinh của SOAR cho thấy căn cứ không quân Ramon bị trúng 5 quả tên lửa của Iran (Ảnh: Guancha).

Sau khi Iran tiến hành cuộc tấn công tên lửa vào các mục tiêu quân sự của Israel đêm 13 rạng sáng 14/4, Israel đã giữ bí mật về kết quả của đợt tấn công này. Các công ty vệ tinh trinh sát thương mại phương Tây cũng giấu kín những bức ảnh trong nhiều ngày, không lập tức công bố như khi Ukraine đánh trúng mục tiêu của Nga.

Đến ngày 17/4, mới có công ty vệ tinh thương mại phương Tây dè dặt tung ra một số bức ảnh vệ tinh chụp căn cứ quân sự của Israel bị tên lửa Iran tấn công. Tuy nhiên hình ảnh công bố không được sắc nét. Người ta chỉ có thể thấy đại khái các điểm nổ của tên lửa.

Trong số này, những bức ảnh vệ tinh chụp căn cứ không quân Ramon ở miền nam Israel là đầy đủ nhất. Công ty ảnh vệ tinh toàn cầu SOAR công bố những bức ảnh trong đó các điểm nổ của 5 tên lửa Iran được đánh dấu cẩn thận, qua đó có thể phán đoán hiệu quả của tên lửa.

Hiệu quả đòn đánh của Iran

Sau khi xem những bức ảnh, các chuyên gia cho rằng hiệu quả tấn công của tên lửa Iran rất đáng khen ngợi. Về cơ bản Iran đã thực hiện được nguyên tắc trấn áp sân bay trong chiến dịch tấn công tên lửa đạn đạo. Các chuyên gia đã phân tích các điểm nổ của 5 quả tên lửa này.

Vi tri qua ten lua thu nhat.jpg
Quả tên lửa thứ nhất bắn trúng khu xưởng bảo trì máy bay của căn cứ (Ảnh: Guancha).

Điểm nổ của quả tên lửa ở phía trên có lẽ nằm ở khu vực cực bắc của sân bay Ramon. Khu vực này kết nối đường băng chính của sân bay với đường lăn. Bên trong khu vực được chia làm hai phần. Mỗi phần đều có một khu nhà độc lập và khối hình tam giác được sơn màu trắng ở phía sau.

Phân tích khối tam giác màu trắng này, theo chuyên gia có thể khu vực này là xưởng bảo trì của căn cứ. Quả tên lửa đầu tiên có lẽ đã bắn trúng xưởng bảo trì. Có lẽ bên trong có một số thiết bị, xăng dầu... đã bị tên lửa gây cháy nổ.

4 quả tên lửa còn lại đều đánh vào phía nam căn cứ. Điểm chạm nổ của quả tên lửa ngoài cùng bên trái là ở rìa ngoài của một khu đảo xanh nhỏ ở phía Tây Nam. Khu vực ốc đảo xanh này có môi trường tốt. Tất cả đều là những biệt thự nhỏ dành cho các gia đình, một sân bóng đá và một trung tâm giải trí với bể bơi và nhà thờ nhỏ... Xét từ phong cách kiến ​​trúc và các cơ sở phụ trợ trong khu vực, đây hẳn là khu dân cư của Căn cứ Ramon, rất có thể đó là khu cư xá dành cho những nhân sự quan trọng như phi công và sĩ quan cấp cao.

Ten lua phia ben trai.jpg
Quả tên lửa phía bên trái nhằm vào khu cư xá (Ảnh: Guancha).

Điểm rơi của tên lửa có vẻ được tính toán. Đáng lẽ nó phải bắn vào trung tâm giải trí hoặc câu lạc bộ sĩ quan và nếu chọn bắn vào ngày nghỉ, có thể tất cả phi công trong căn cứ sẽ bị tiêu diệt.

Hai quả tên lửa phía bên phải đánh trúng phía đối diện nơi ở của sĩ quan/phi công. Điểm nổ của tên lửa đầu tiên có lẽ trong bãi đậu xe của căn cứ, nhưng độ phân giải ảnh bị làm mờ nên không rõ xe đậu trên mặt đất là loại gì, nhưng từ những xe ở một bãi đậu khác gần đó, dường như là các xe tải chiến thuật hạng nặng HEMTT của quân đội Mỹ, nên toàn bộ khu vực này có thể là một bãi xe hỗ trợ hậu cần kỹ thuật.

Điểm chạm nổ của quả tên lửa thứ hai rõ ràng đánh trúng khu vực trung tâm. Nó nằm phía trên điểm nổ quả thứ nhất một chút. Có hai nhóm kiến trúc đối diện nhau trong khu vực này, mỗi nhóm có ba tòa nhà. Nhìn vẻ ngoài của các tòa nhà và sân, rõ ràng đây là một bãi đậu xe, có vẻ như có một số xe phục vụ mặt đất đậu phía sau tòa nhà. Do đó, 2 tên lửa này của Iran dường như nhằm vào các cơ sở hỗ trợ mặt đất tại căn cứ. Do độ phân giải của hình ảnh thấp nên không biết chúng đã bắn trúng như thế nào.

Bai do xe dam bao bi trung ten lua.jpg
Hai quả tên lửa bên phải đánh trúng khu đỗ xe hỗ trợ hậu cần kỹ thuật (Ảnh: Guancha).

Tác động của quả tên lửa cuối cùng có vẻ không mấy khả quan, điểm nổ dường như nằm ở bức tường phía tây nam căn cứ. Một số người giải thích nói tên lửa đã bắn trúng chốt gác bảo vệ căn cứ, nhưng trừ khi người ta định tiến hành đòn tấn công mặt đất sau cuộc tấn công bằng tên lửa, nếu không đó rõ ràng là mục tiêu có giá trị thấp và không cần quá quan tâm.

Điều người ta chú ý nhất là nơi cách điểm nổ của tên lửa 700 mét về phía đông. Tại đây có rất nhiều cấu trúc lõm được làm bằng các ụ chống nổ, và một số công sự kiên cố bằng bê tông cốt thép. Có hơn 20 công sự và 27 cấu trúc lõm; bên trong cấu trúc bề mặt lõm có một số vật thể không rõ phủ vải màu xanh ô liu được xếp chồng lên nhau.

Trong khu vực này có một con đường dẫn thẳng đến nhà kho chứa máy bay; có thể đây là kho đạn của căn cứ Ramon.

Công sự kiên cố bên trái là kho ngầm chứa tên lửa với yêu cầu bảo quản rất cao. Mỗi kho có diện tích hơn 1.000 mét vuông, chứa hơn 100 vũ khí hàng không là điều khả thi. Các công sự lộ thiên phía bên phải có thể là vũ khí trên không không yêu cầu điều kiện bảo quản khắt khe hoặc các thùng nhiên liệu rỗng... Có vẻ như quả tên lửa cuối cùng của Iran muốn đánh trúng kho đạn căn cứ nhưng đáng tiếc, tên lửa đã chệch mục tiêu và chỉ trúng bức tường.

Qua ten lua di chech.jpg
Quả tên lửa thứ 5 đi chệch, không trúng khu kho bom đạn (Ảnh: Guancha).

Nói chung, chuyên gia phân tích cho rằng cuộc tấn công của Iran vào căn cứ Ramon được thực hiện một cách có hệ thống. Đánh giá từ việc lựa chọn mục tiêu, thì mục tiêu ưu tiên trấn áp căn cứ không quân này về cơ bản đã được thực hiện:

Việc phá hủy xưởng bảo trì sẽ loại bỏ khả năng tiếp tục hoạt động của căn cứ. Các máy bay xuất kích cường độ cao cần được kiểm tra thường xuyên, máy bay bị hư hỏng cần được vào xưởng sửa chữa; nếu việc bảo trì tại chỗ không thể thực hiện được thì phải vào xưởng bảo trì để sửa chữa. Đánh vào xưởng bảo trì thì khả năng liên tục điều động máy bay xuất kích của căn cứ không quân sẽ bị suy giảm.

Việc tấn công câu lạc bộ sĩ quan và kho đạn dược (đã bị trượt), sẽ là “rút lửa đáy nồi” đối với hoạt động cơ bản của sân bay. Việc tấn công kho đạn sẽ tiến một bước lớn trong việc trấn áp sân bay. Đặc biệt, hầu hết các sân bay khối NATO dường như không có thói quen dựa vào núi hoặc hầm ngầm để lập kho vũ khí hàng không như các sân bay Liên Xô hay sân bay ở một số nước phương Đông; thậm chí xếp chồng lên nhau ở ngoài trời với những bức tường chắn vụ nổ. Đối với tên lửa đạn đạo, đây là mục tiêu tấn công tốt nhất. Đáng tiếc các tên lửa của Iran lần này bắn hơi lệch, nếu không thì ngoài những quả pháo hoa khổng lồ trên bầu trời căn cứ Ramon, người Palestine ở Dải Gaza sẽ có vài ngày không bị máy bay Israel đánh bom.

Bom dua tu kho ra hangga.jpg
Bom hàng không được vận chuyển từ kho ra hangga để lắp cho máy bay (Ảnh: Guancha)

Đòn tấn công căn cứ Ramon đã thành công?

Sau khi phân tích điểm đích của 5 tên lửa Iran đánh vào căn cứ không quân Ramon, các chuyên gia cho rằng ngoại trừ tên lửa đánh kho đạn bị chệch, các tên lửa còn lại đều trúng; tức là mục tiêu hành động của Iran nhằm mục đích trừng phạt và cảnh báo Israel về cơ bản đã đạt được. Tất nhiên, nếu Iran thực sự muốn tổ chức một chiến dịch tấn công bằng tên lửa đạn đạo, họ không thể chỉ tấn công với số lượng tên lửa ít như vậy. Đối với một mục tiêu lớn như căn cứ Ramon, phải cần ít nhất 220 tên lửa đạn đạo để đảm bảo rằng nó cơ bản bị phá hủy hoặc vô hiệu hóa.

Ví dụ, khi tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào kho đạn như của căn cứ Ramon, mỗi hầm chứa đạn kiên cố phải cần một tên lửa đạn đạo; còn đối với các hầm chứa đạn ngoài trời, cứ cách mỗi hầm một quả. Do đó, chỉ riêng khu vực kho đạn dược, Iran cần phải bắn trúng khoảng 30 tên lửa đạn đạo.

Đối với khu vực gia đình phi công, tốt nhất nên sử dụng hỗn hợp bom nổ mạnh, bom cháy, bom chùm để đảm bảo đòn tấn công bất ngờ, cần khoảng 5 tên lửa đạn đạo để tấn công cùng lúc khu vực này.

Điều tương tự cũng xảy ra với khu vực bãi hỗ trợ mặt đất, đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều loại đầu đạn và thậm chí cả rải mìn chống xe tải; phải cần 10 tên lửa để tấn công vào đây.

May bay ISRAEL trong nha chua.jpg
Máy bay chiến đấu được để trong các nhà chứa (hangga) kiên cố (Ảnh: Guancha).

Then chốt là khu kho chứa máy bay (hangga) ở phía bắc. Cuộc tấn công tên lửa của Iran lần này đã không đánh trúng khu nhà chứa máy bay. Thiết kế nhà chứa máy bay của căn cứ Ramon rất thông minh. Một số lối ra của nhà chứa máy bay không thể nhìn thấy trong ảnh vệ tinh. Tuy nhiên, rõ ràng mỗi nhà chứa máy bay phải cần một tên lửa đánh trúng. Chỉ riêng căn cứ Ramon đã có hơn 60 nhà chứa máy bay cánh cố định, cùng một tiểu đoàn hàng không chiến đấu (30 chỗ đậu trực thăng). Chỉ riêng để tấn công các nhà chứa máy bay và nơi đậu máy bay trực thăng, đã cần khoảng 80 tên lửa đạn đạo.

Ngoài ra, những nơi như tháp chỉ huy, phòng trực chiến của phi công, ký túc xá của nhân viên mặt đất, v.v. cũng cần phải phá hủy, cần sử dụng hơn 30 tên lửa. Đường băng sân bay là bộ phận tương đối dễ sửa chữa; chỉ cần loại bỏ điểm kết nối giữa đường lăn và đường băng. Theo tính toán sẽ cần 15 đến 20 tên lửa đạn đạo để làm tê liệt đường băng.

Tổng hợp lại, để làm tê liệt căn cứ Ramon, phải cần hơn 170 tên lửa đạn đạo bắn trúng. Nếu hệ số tỷ lệ xuyên thủng hệ thống đánh chặn phòng thủ là 75% thì phải cần đến 220 quả tên lửa, không bao gồm việc tấn công đòn bổ sung tiếp theo.

(Theo Guancha)