Tấn công Israel, công nghệ tên lửa siêu thanh của Iran khiến quốc tế bất ngờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Cuộc đối đầu Iran-Israel kéo dài hàng thập kỷ đang leo thang. Iran mới đây đã công khai phô diễn sự phát triển mới nhất của tên lửa siêu thanh Fattah-1 và sử dụng nó để thực hiện cuộc tấn công chính xác đêm 13/4.

Tên lửa đạn đạo siêu thanh Fattah-1 của Iran khiến quốc tế bất ngờ khi được sử dụng trong thực chiến (Ảnh: Toutiao).
Tên lửa đạn đạo siêu thanh Fattah-1 của Iran khiến quốc tế bất ngờ khi được sử dụng trong thực chiến (Ảnh: Toutiao).

Quan sát hình ảnh được quay trực tiếp, người ta nhận thấy loại tên lửa này đã xuyên qua được hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp của Israel, được mệnh danh là "hàng đầu thế giới" và đánh trúng các mục tiêu trên mặt đất. Bước đột phá công nghệ này không chỉ một lần nữa làm nổi bật sức mạnh của Iran trong lĩnh vực tên lửa mà còn gây căng thẳng thêm tình hình ở Trung Đông.

Tên lửa đạn đạo siêu thanh mới của Iran uy lực cực kỳ mạnh mẽ

"Fattah-1" (Thắng Lợi-1) là loại tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung do Iran tự phát triển. Tính năng của nó thực sự khiến người ta kinh ngạc khi được trang bị động cơ rắn, có tầm bắn khoảng 1.400 km và tốc độ bay tối đa lên tới Mach 15, thuộc loại tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới được đưa vào chiến đấu thực tế.

Fattah-1 được cho là có hình dạng đầu đạn rất giống tên lửa Dongfeng-17 của Trung Quốc và Hwasong-8 của Triều Tiên đã được phóng thử nghiệm thành công.

Ten lua Fatah-1 va dong co phu.png
Đầu đạn tên lửa Fattah-1 và động cơ phụ (Ảnh: Toutiao).

Khả năng sát thương tối đa của Fattah-1 được thể hiện ở khả năng "tăng tốc đột phá" ở giai đoạn cuối của nó. Khi tên lửa tiếp cận mục tiêu, nó sẽ kích hoạt một động cơ nhỏ tích hợp bên trong, cho phép tên lửa xuyên thủng hỏa lực phòng không với tốc độ cực nhanh, do đó làm tăng đáng kể khó khăn trong việc đánh chặn của hệ thống phòng không.

Hiệu ứng nhiệt được tạo ra trong quá trình bay siêu thanh cũng giúp tăng cường khả năng tàng hình của tên lửa trước radar và các thiết bị phát hiện khác. Ngay cả khi bên phòng thủ tìm thấy dấu vết của mục tiêu đang lao tới, vẫn rất khó xác định được loại hình và quỹ đạo của mục tiêu, làm giảm đáng kể thời gian và việc ra quyết định ứng phó.

So với tên lửa đạn đạo truyền thống, khả năng sát thương của tên lửa Fattah-1 trên khu vực mục tiêu tăng lên gấp nhiều lần. Theo video tuyên truyền do Iran công bố, một số tên lửa Fatah-1 đã thực hiện hàng loạt cuộc tấn công áp chế tương tự kiểu "bầy sói vây hãm", liên tiếp đánh trúng nhiều cơ sở quân sự của Israel.

Dù thế giới bên ngoài khó có thể xác minh đầy đủ kết quả cuộc tấn công mà Iran đang tuyên truyền, nhưng những hình ảnh này rõ ràng đã gửi đi một tín hiệu nặng nề: hệ thống đánh chặn tên lửa chủ động hiện có của Israel đã tồn tại những chỗ yếu chết người khi đối phó với tên lửa đạn đạo siêu thanh.

Hiện nay, chỉ có Trung Quốc, Triều Tiên và Nga tuyên bố sở hữu tên lửa đạn đạo siêu thanh. Mỹ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm tên lửa siêu thanh AGM-183A.

Anh ve tinh chup.jpg
Hình ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ không quân Ramon của Israel bị ít nhất 5 quả tên lửa Fattah-1 đánh trúng những vị trí quan trọng (Ảnh: Toutiao)

Vì sao hệ thống phòng thủ nhiều lớp thất thủ?

Israel từ lâu đã nỗ lực xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều lớp để ngăn chặn các mối đe dọa của roc-két và tên lửa đạn đạo từ các nước láng giềng. Trong đó, hệ thống "Iron dome” (vòm sắt) chịu trách nhiệm chính trong việc đánh chặn roc-két bắn thẳng và đạn súng cối; còn tên lửa "Patriot", "Arrow-2" và "Arrow-3" trên mặt đất được thiết kế để ngăn chặn sự xâm nhập của tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa chiến lược.

Tuy nhiên, hệ thống này nhìn chung tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các mối đe dọa tầm thấp do các nhóm vũ trang nghèo và yếu kém hoặc tên lửa cỡ nhỏ gây ra, đồng thời luôn bộc lộ những khiếm khuyết, bất cập trong việc chống lại tên lửa đạn đạo tiên tiến.

Tên lửa Fattah-1 có độ cao phóng tối đa hơn 500 km và sẽ lao xuống với tốc độ siêu thanh sau khi đi vào quỹ đạo trái đất. Điều này cho phép nó tránh được hỏa lực phòng thủ một cách hiệu quả, và ngay cả khi bị khóa bởi các tên lửa phòng không như "Patriot", cũng rất khó bị bắn trúng ở tốc độ này.

Kể từ năm 2009, Israel đã nhiều lần bị các tên lửa thông thường phóng từ lãnh thổ bên trong và ngoài nước tấn công. Khi đó, hiệu quả hoạt động của hệ thống phòng không của nước này cũng không thật lý tưởng. Nội bộ Israel cũng nhận ra rằng hệ thống đánh chặn tên lửa hiện tại phù hợp hơn để ứng phó với các mối đe dọa ở cấp độ thấp đến trung bình, có thể không đủ khả năng đối phó với một số loại vũ khí mới có tính tấn công mạnh hơn.

Hinh dang dan.png
Cận cảnh một tên lửa siêu thanh Fattah-1 (Ảnh: Toutiao).

Vì vậy, Israel đang hợp tác với Mỹ để triển khai các hệ thống đánh chặn thế hệ mới "Arrow-4" và "Raytheon General" (LRPM), nâng cao đáng kể khả năng đánh chặn so với hiện tại. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt công nghệ, hiện tại nó vẫn không có khả năng phòng thủ hiệu quả trước tên lửa siêu thanh.

Gây cục diện căng thẳng thêm ở Trung Đông

Động thái vừa qua của Iran chắc chắn một lần nữa châm ngòi cho cuộc đối đầu quân sự ở Trung Đông và có nguy cơ khiến tình hình căng thẳng trong khu vực lan rộng hơn nữa. Sau cuộc nội chiến ở Libya, xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Israel và các nước khác đã trở nên thường xuyên. Israel đã lựa chọn biện pháp cứng rắn để xử lý cuộc xung đột Palestine-Israel dẫn đến thương vong lớn cho dân thường, có thể kích thích các quốc gia Hồi giáo khác tiến hành trả đũa.

Ngoài các phương pháp truyền thống như trừng phạt và đe dọa quân sự, Iran dường như đã cố tình chọn cách sử dụng loại tên lửa tiên tiến để phản công và cảnh báo. Nhìn từ góc độ lịch sử, không phải chưa có tiền lệ về việc Iran sử dụng tên lửa tấn công các mục tiêu ở Trung Đông, nhưng sự xuất hiện của Fattah-1 rõ ràng đã đưa khả năng tấn công hỏa lực của nước này lên một tầm cao mới.

Ở một mức độ nhất định, phương pháp này nhằm mục đích gây áp lực lên Israel bằng các hành động vũ lực thứ cấp nhằm tránh xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện, nhưng chắc chắn sẽ dẫn đến một đợt leo thang đối đầu quân sự mới.

Tuy Mỹ và Israel tồn tại liên minh quân sự nhưng Washington luôn tỏ ra thận trọng trong các vấn đề Trung Đông, nhiều lần ngăn cản đồng minh có hành động tấn công vì lý do cá nhân. Mặc dù lần này Iran tung ra loại vũ khí tiên tiến nhưng thế giới bên ngoài vẫn chưa thấy Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng họ muốn gây chiến với Iran. Tuy nhiên, Israel luôn ám chỉ rằng họ đã "chuẩn bị phương án quân sự" và Iran cũng đe dọa "đưa chiến tranh sang lãnh thổ Israel". Với lịch sử thù địch giữa hai bên, không bên nào sẽ dễ dàng nhượng bộ.

Lanh dao Iran  tham quan.png
Lãnh đạo tối cao Iran thị sát việc chế tạo tên lửa (Ảnh: Sohu).

Kể từ năm 2019, Mỹ, Israel, Anh và Pháp đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Iran, yêu cầu nước này chấm dứt hoàn toàn các dự án tên lửa và máy bay không người lái, nhưng đều không có hiệu quả. Điều này cũng cho thấy những nỗ lực trước đây của Israel nhằm kiềm chế mối đe dọa tên lửa Iran không thành công lắm.

Do đó, Trung Đông có thể bùng nổ một cuộc đối đầu quân sự quy mô lớn hơn bất cứ lúc nào khi các xung đột truyền thống bùng phát và việc Iran không ngừng nâng cao năng lực tác chiến bằng tên lửa bản địa sẽ làm nghiêm trọng thêm nguy cơ này.

Nói chung, lần này Iran dù không có ý định khởi chiến trực tiếp nhưng đã chứng tỏ được quyết tâm tấn công Israel bằng công nghệ tên lửa mới nhất của mình. Hệ thống phòng không của Israel đã không đảm đương được trọng trách, triển vọng hòa bình ở Trung Đông ảm đạm và chiều hướng tiếp theo của tình hình vẫn rất khó nắm bắt.

(Theo Toutiao)