|
Ảnh minh họa. VietTimes. |
Thông tin trên được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 90 giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về an toàn thực phẩm (ATTP) được tổ chức tại Đà Nẵng.
Theo đó, qua 2 năm triển khai chương trình, các bộ ngành liên quan và tổ chức chính trị-xã hội từ TW đến địa phương đã nghiêm túc, có kế hoạch triển khai thực hiện đến tận cơ sở. Đến nay đã có 18 tỉnh, thành phố ký kết chương trình phối hợp về ATTP giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam và 37 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch 2 năm (2016-2017) về thực hiện Chương trình số 90.
2 năm qua, 41/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã tham gia 160 đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành và chủ trì tổ chức các đoàn đi giám sát chuyên ngành về ATTP, kịp thời phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP của các cơ sở chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Qua công tác kiểm tra đã phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATTP của các cơ sở chế biến thực phẩm, phục vụ ăn uống, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và đã xây dựng được 346 mô hình về ATTP ở các địa phương. Một số tỉnh, thành phố xây dựng được nhiều mô hình ATTP như Cà Mau có 150 mô hình, trong đó có các mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới, rau an toàn và dưa hấu đạt chuẩn VietGap. Bình Thuận có 14 mô hình chuỗi (trái thanh long, rau an toàn, thịt sạch, mủ trôm, thủy sản).
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đánh giá cao sự nỗ lực, chủ động của UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố trong triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 90 của Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thời gian qua. Đồng thời đề nghị UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn, hướng tới mục tiêu xây dựng nền kinh tế sạch, thực phẩm an toàn.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành TW tiếp tục rà soát, bổ sung các văn bản pháp luật và ban hành các tài liệu hướng dẫn quy trình, quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Các địa phương tiếp tục tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra giám sát ATTP xuống từng khu dân cư, xã phường, đồng thời nhân rộng các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành tập trung rà soát các tiêu chí khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra, giám sát ATTP. Đặc biệt các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm. Số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm và số hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm phải đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn theo quy chuẩn của an toàn vệ sinh thực phẩm.