Vào dịp 40 năm thực hiện Di chúc của Hồ Chủ tịch, nhân một chương trình nghệ thuật phối hợp giữa Báo CAND với BQL Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi là phóng viên được phân công đặc trách truyền thông về sự kiện, nên được Bộ Tư lệnh (BTL) Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo điều kiện tiếp cận một số tài liệu quan trọng, gặp gỡ nhiều chuyên gia, nhân chứng lịch sử, nên có cơ hội biết về ân tình của những người bạn Nga đã được dệt từ hơn nửa thế kỷ trước…
Sự giúp đỡ chí tình
Tháng 5-1967, Bộ Chính trị có cuộc họp bất thường để bàn việc chuẩn bị gìn giữ lâu dài thi hài khi Hồ Chủ tịch qua đời. Ông Lê Thanh Nghị được Bộ Chính trị cử sang Liên Xô hội đàm, đề nghị giúp đỡ từ công tác đào tạo đến việc gìn giữ lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch. Với mối quan hệ Việt – Xô rất hữu nghị, Đảng và Chính phủ Liên Xô đã đồng ý giúp đỡ Việt Nam không hoàn lại, trong việc gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và xây dựng Lăng.
Thế là, ngày 2-9-1967, một đoàn cán bộ Việt Nam lên tàu sang Liên Xô học tập công nghệ gìn giữ thi hài. Đó là Thiếu tá, bác sĩ Nguyễn Gia Quyền - Chủ nhiệm Khoa Giải phẫu bệnh lý Viện Quân y 108 và là Trưởng phòng Pháp y Quân đội; BS. Lê Điều - Phụ trách khoa Ngoại, Bệnh viện Việt- Xô và BS. Lê Ngọc Mẫn - Chủ nhiệm khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai.
Ngày 14-9-1969, khi tàu đến Maxcova, đích thân đồng chí La-du-côp, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng Liên Xô, ra tận sân ga đón đoàn.
Các chuyên gia Liên Xô làm việc tại Việt Nam
|
Vài chục năm trôi qua, bác sĩ Lê Điều vẫn không quên được ngày ấy: Do yêu cầu gấp gáp, các bác sĩ Việt Nam được bố trí học tập với lịch trình khép kín, khẩn trương. Chúng tôi vừa mới vào phòng, chưa kịp ổn định, bạn đã mời đi trao đổi về chương trình làm việc. Hôm sau, đích thân Thứ trưởng Bộ Y tế Liên Xô gặp gỡ trước khi chúng tôi tới Viện nghiên cứu Lăng Lê-nin, trực tiếp gặp Viện sĩ thông tấn, giáo sư Đê-bôp - Viện trưởng. Đây là sự ưu ái đặc biệt với Việt Nam, bởi Viện này chưa từng đào tạo bất cứ người nước ngoài nào.
Theo bác sĩ Điều, phần lý thuyết chủ yếu đọc tài liệu ở Viện, do một phiên dịch giỏi 7 thứ tiếng giúp đỡ, còn phần thực hành do giáo sư Xa-rô-va-tôp, người đã tham gia ướp giữ thi hài Đi-mi-tơ-rôp, trực tiếp hướng dẫn.
Viện dành hẳn phòng làm việc của một Viện phó cho các bác sĩ Việt Nam làm nơi nghiên cứu tài liệu. Để giúp các bác sĩ Việt Nam thực hành, giáo sư Xa-rô-va-tôp phải lặn lội đến nhiều bệnh viện cách Matxcơva hàng trăm km để tìm kiếm tử thi người trên 60 tuổi.
Kết thúc khóa học, Viện nghiên cứu Lăng Lê-nin đã tặng đoàn Việt Nam các thiết bị, dụng cụ thiết yếu để về sử dụng. Bên cạnh đó, khi chúng ta xây dựng phòng thí nghiệm tại Viện Quân y 108, các chuyên gia Liên Xô thường xuyên giúp đỡ tận tình.
Các chuyên gia Liên Xô pha chế dung dịch đặc biệt
|
Tháng 12-1968, ông Rô-ma-cốp, Viện phó Viện thi hài Lê-nin sang Việt Nam trực tiếp kiểm tra chất lượng công trình, đồng thời, dự cuộc mít tinh có Hồ Chủ tịch tham dự, để nhìn thấy những nét đặc trưng của Bác, phục vụ công tác sau này.
Nhiệm vụ nặng nề
Đến tháng 8/1969, sức khỏe của Hồ Chủ tịch ngày một diễn biến xấu, Liên Xô đã cử một phái đoàn y tế do giáo sư Đê-bôp làm Trưởng đoàn, đến Hà Nội từ ngày 28/8/1969.
Sáng 2/9/1969, ngay khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi, các chuyên gia Liên Xô lập tức có mặt tại Viện Quân y 108. Ít phút sau, khi thi hài được đưa từ Ba Đình tới Viện 108, 2 giáo sư, Viện sĩ I-u-ri Mi-khai-lô-vich và Ni-cô-lai I-nich Mi-khai-lôp đã trực tiếp làm y tế cho Hồ Chủ tịch. Cùng tham gia công việc với các chuyên gia Nga, là bác sĩ Nguyễn Gia Quyền và Lê Điều.
Suốt 2 tiếng liền, các chuyên gia Liên Xô và Tổ y tế đặc biệt của Việt Nam đã hoàn thành công tác y tế giai đoạn một, đồng thời, tiến hành các biện pháp bảo quản thi hài giai đoạn đầu.
Cố Thiếu tướng Trần Kinh Chi, nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ- An ninh Quân đội, ngày ấy đã kể: “Các đồng chí trong Tổ y tế đặc biệt của Việt Nam là những nhà chuyên môn giỏi, đã học tập, thực hành công tác gìn giữ thi hài trong 2 năm, có thể đảm đương được nhiệm vụ. Thế nhưng, với tinh thần trách nhiệm cao, các chuyên gia Liên Xô vẫn trực tiếp làm công tác y tế với thi hài Hồ Chủ tịch!”
Trong quá trình tiến hành lễ tang, các chuyên gia Liên Xô đặt vấn đề với Chính phủ Việt Nam là, sau khi kết thúc tang lễ, sẽ đưa thi hài Hồ Chủ tịch sang Liên Xô để giữ gìn lâu dài, vì ở Matxcơva, mới đủ điều kiện môi trường và kỹ thuật. Nhưng Đảng và Nhà nước Việt Nam lại mong muốn gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch tại quê hương.
Khi đó, ông A. Kô-sy-ghin - Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô - đang ở Hà Nội dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấy vậy, ông lập tức trưng cầu ý kiến của các chuyên gia Liên Xô và và chấp thuận đề nghị của Việt Nam. Ông yêu cầu giáo sư Đê-bôp “về Liên Xô cùng với tôi để lấy hóa chất, thiết bị rồi quay lại Việt Nam ngay bằng chiếc chuyên cơ này.”
Ba ngày sau, chuyên cơ đặc biệt đó đã quay lại Việt Nam với tất cả những gì cần thiết cho việc gìn giữ lâu dài thì hài Hồ Chủ tịch. Để rồi, suốt nửa thế kỷ qua, các chuyên gia Nga liên tục gắn bó với công việc quan trọng đó.
Ân tình đã hơn nửa thế kỷ
Những năm Việt Nam còn chiến tranh, các chuyên gia Liên Xô còn chịu đựng muôn vàn khó khăn, gian khổ ở các nơi sơ tán, đảm bảo tốt nhất việc gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch. Đáng nói là, dù sự hy sinh rất lớn, nhưng các chuyên gia chỉ nhận mức lương hữu nghị, kể cả sau khi Liên Xô tan rã.
Đặc biệt, họ còn dần từng bước chuyển giao công nghệ gìn giữ lâu dài thi hài để các bác sĩ Việt Nam có thể tự chủ. Năm 2004, các chuyên gia Nga đã đồng ý hợp tác pha chế dung dịch bảo quản ngay tại Hà Nội, dù đây là công nghệ thuộc bí mật quốc gia.
Các chuyên gia Nga trở lại Việt Nam dịp 50 năm thực hiện Di chúc Hồ Chủ tịch và làm việc với Đại học Y Hà Nội để tìm kiếm sự hợp tác mới
|
Dịp 40 năm thực hiện Di chúc Hồ Chủ tịch, Chính phủ Việt Nam đã mời các chuyên gia tham gia gìn giữ thi hài Hồ Chủ tịch đến Việt Nam. Năm nay, nhân 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nhiều nhà khoa học lớn ngày ấy đã ra đi. Nhưng vẫn có 4 nhà khoa học tên tuổi của Nga đã gắn bó với công tác gìn giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có mặt, để tham gia Hội đồng Khoa học y tế kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đó là Viện sĩ thông tấn, GS. Banin Victor Vasilievich - Trưởng khoa Hình thái, Đại học Y Quốc gia Matxcơva; Viện sĩ, giáo sư Sidelnikov Nikolai Ivanovich - Giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga; GS.TS. Matveychuk Igor Vasilievich - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y sinh Matxcơva thuộc Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga và GS.TS. Gribunov Iury Pavlovich - Trưởng khoa Giải phẫu, Bệnh viện Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga.
Một lần nữa, ân tình của các nhà khoa học Nga lại được nhắc đến.