Sau 5- 7 ngày mới đào thải hết
Liên tiếp trong những ngày gần đây, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai phát hiện một số cơ sở giết mổ lợn tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ. Các loại thuốc các lò giết mổ trái phép sử dụng thường là thuốc Combistress và Prozil. Lợn khi bị tiêm các loại thuốc này thường có dấu hiệu nằm ngủ li bì, không có bất cứ phản ứng nào khi bị tác động.
Nói về loại thuốc an thần này, PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, giảng viên trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, Prozil là tên biệt dược của acepromazine. Acepromazine còn được viết là acetylpromazine, từng là một dược chất được dùng làm thuốc cho người. Vào những năm 1950, acepromazine được dùng làm thuốc chống loạn thần trị bệnh tâm thần phân liệt (tức bệnh loạn trí). Nhưng sau đó, acepromazine không được dùng chữa bệnh cho người nữa.
Trong thú y, acepromazine được dùng làm thuốc an thần và chống nôn cho chó, mèo. Do tác dụng làm an dịu thần kinh mà acepromazine được dùng làm thuốc an thần làm chó mèo hung dữ trở nên đằm thắm hơn, dễ thuần hóa hơn. Khi dùng cho chó mèo, người ta vẫn phải rất thận trọng vì acepromazine có thể gây các phản ứng có hại, trong đó có tác dụng gây hạ huyết áp trầm trọng vì làm giãn mạch ngoại biên.
Đối với tình trạng cho lợn dùng thuốc an thần Prozil, tức acepromazine, trước khi giết mổ, rõ ràng đã bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng và chỉ nghĩ đến lợi nhuận cho bản thân. Đây là việc làm hết sức nguy hiểm, bởi bất cứ loại thuốc nào cũng có khả năng tích lũy trong cơ thể sống và gây hại.
Trong khi đó, theo TS Lê Thanh Hiền - trưởng bộ môn bệnh truyền nhiễm và thú y cộng đồng (ĐH Nông lâm TP.HCM) bổ sung thêm, do khả năng bài thải chậm và độc tính cao nên hiện nay thuốc chỉ được sử dụng trong lĩnh vực thú y.
Tuy nhiên, loại thuốc này không cho phép sử dụng trước khi giết mổ, nếu đã sử dụng phải có thời gian để thuốc đào thải hết (5 - 7 ngày sau khi tiêm). Thuốc an thần tồn tại trong gan, cơ, thận của động vật và được bài thải chậm. Do đó động vật giết mổ sẽ tồn dư trong thịt một lượng thuốc an thần. Bởi từ khi tiêm thuốc đến khi giết mổ thường dưới 24 giờ nên lượng tồn dư ở mức có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Gây ức chế thần kinh
Thầy thuốc ưu tú -TS.Bs Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc BV tâm thần Ban ngày Mai Hương cho rằng, về cơ bản thuốc an thần tồn dư trong thịt lợn không tốt đến sức khỏe nếu người ăn phải.
“Mặc dù đối với thuốc an thần được dùng cho người song không phải ai cũng sử dụng được. Bởi với những bệnh nhân sử dụng loại thuốc này sẽ chỉ ngủ mà thôi. Vì thế, trong y khoa, chúng tôi cũng rất cẩn trọng khi kê đơn cho bệnh nhân”- TS Hùng nói.
Giải thích thêm về điều này, TS Hùng cho biết, việc lạm dụng thuốc an thần (có tác dụng ngủ) càng kéo dài, gây nhiều khó khăn trong điều trị, bởi thuốc có chức năng như một chất gây nghiện. Nếu bệnh nhân đã “nghiện” – phụ thuộc vào thuốc sẽ rất khó bỏ, thiếu thuốc sẽ thấy nhức đầu, mệt mỏi rã rời, không thể tập trung.
Ngoài ra, nếu lạm dụng thuốc an thần sẽ khiến người dùng luôn có cảm giác buồn ngủ, khó tập trung, tốc độ phản ứng chậm chạp, giảm hiệu suất, khả năng phán đoán. Điều này đặc biệt với những người làm công việc cần đến sự tập trung cao độ.
“Thuốc an thần có thể gây ức chế hô hấp. Vậy nên, những người bị bệnh tim mạch, bệnh đường hô hấp, hội chứng ngưng thở khi ngủ, đặc biệt đối với trẻ em và người già phải được bác sĩ tư vấn cặn kẽ, không tự ý sử dụng” – TS Hùng nhấn mạnh.
Để chọn được thịt sạch, an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), khuyến cáo các bà nội trợ nên chọn mua thịt lợn ở những cửa hàng uy tín, có đóng dấu đỏ an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng hoặc mua tại những siêu thị lớn, có thương hiệu.
Khi chọn thịt nên chọn thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, các thớ thịt đều nhau, không có dịch bất thường nào chảy ra khi thái. Thông thường, thịt có hóa chất, khi chế biến thường ra nhiều nước, thịt hao hơn. Mùi thịt không được thơm, mùi hôi khó chịu và khác thường. Thịt lợn bình thường không bị ra nước, thậm chí có thể nở hơn, có mùi thơm đặc trưng.
Theo Infonet