Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ tiêm thuốc an thần và bơm nước vào heo trước khi đem bán như ở Thống Nhất, Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Chánh (TPHCM)…
Loại thuốc an thần thường được sử dụng để tiêm vào heo là Prozil. Theo các chủ nuôi heo, họ thường chích thuốc này ngay trước ngày xuất chuồng để thịt heo tươi, dẻo, đỏ dễ bán, đồng thời heo ngủ li bì, dễ vận chuyển.
Tại các cửa hàng bán thuốc thú y, loại thuốc an thần Prozil fort được bán tràn lan với công dụng ghi rõ: Tác động lên hệ thần kinh trung ương, chống co giật do động kinh, an thần và giảm đau cho gia súc. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được ngành thú y chỉ định dùng cho các trường hợp heo nái quậy phá trong khi sinh, heo nái đẻ cắn con hoặc heo bị mẩn ngứa, dị ứng…
Theo Chi cục Thú y TPHCM, bất cứ là thuốc gì khi tiêm cho heo thì ít nhất 14 ngày heo mới loại thải hết. Theo quy định, sau thời gian này heo mới được giết mổ, nếu dư lượng thuốc chưa được đào thải hết sẽ xâm nhập vào cơ thể người khi họ ăn thịt này.
Các chuyên gia y tế cho biết, Prozil là tên biệt dược của acepromazine. Hoạt chất acepromazine có thể gây các phản ứng có hại, trong đó có tác dụng gây hạ huyết áp trầm trọng vì làm giãn mạch ngoại biên nếu sử dụng liều cao hoặc quá liều.
Theo BS Trần Văn Ký - Hội khoa học kỹ thuật An toàn thực phẩm VN, nếu người tiêu dùng liên tục ăn thịt heo có chứa thuốc an thần sẽ bị rối loạn tiêu hóa, mắc các bệnh về thận, thần kinh... Chất an thần tích tụ lâu trong người sẽ gây ra nhiều nguy cơ bệnh tật như ung thư xương, đãng trí, trầm uất và run tay chân.
Đặc biệt, trẻ em ăn phải thịt lợn tiêm thuốc an thần sẽ bị nhiễm độc dẫn đến rối loạn giấc ngủ, đần độn, quấy khóc.
Người tiêu dùng có thể nhận biết được thịt có chứa thuốc an thần khi nhìn thấy miếng thịt có màu đỏ tươi như thịt bò, miếng thịt ướt, khi chế biến thịt tiết ra nhiều nước. Còn thịt có chất tạo nạc thì miếng thịt đỏ sậm, nạc gần như dính vào da, khi sờ lên bề mặt có cảm giác như ứ nước bên trong, trên da có thể xuất hiện đốm đỏ.
Theo Infonet