An Quý Hưng rút khỏi dự án Văn Phú Complex

VietTimes – Điều này không dễ nhìn thấy ngay. Nó khuất lấp sau bản công bố thông tin đã được “xử lý”, mà Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest (HoSE: VPI) gọi là “Bản trích lục” Nghị quyết số 1209/NQ-HĐQT.
Dự án Tòa nhà hỗn hợp Văn Phú Complex còn có tên thương mại là Grandeur Palace – Phạm Hùng. (Ảnh: Internet)
Dự án Tòa nhà hỗn hợp Văn Phú Complex còn có tên thương mại là Grandeur Palace – Phạm Hùng. (Ảnh: Internet)

Sở dĩ gọi là “bản trích lục” bởi nó không nêu toàn văn nội dung của Nghị quyết số 1209/NQ-HĐQT ngày 12/09/2018 của Hội đồng quản trị VPI, mà chỉ thể hiện những chi tiết mà nhà phát triển địa ốc này chủ động và sẵn sàng thông tin.

Phải chăng do Nghị quyết này quá dài nên chỉ cần thông tin tóm tắt những điểm chính (?!). Đó là một khả năng, nhưng với tổng cộng 7 điều thì có lẽ số trang của văn bản này cũng không đến quá đáng.

“Bản trích lục” mà VPI công bố còn 4/7 điều so với Nghị quyết gốc và nội dung của một số Điều trong “bản trích lục” cũng đã được "trích lục". Cụ thể còn:

Điều 2. Thông qua chủ trương chấm dứt Thỏa thuận liên danh số 06A/2016/TTLD ngày 18/8/2016 và ký kết Thỏa thuận liên danh mới giữa Công ty và Công ty Văn Phú Số 2 để xin triển khai thực hiện Dự án.

Điều 3. Thông qua chủ trương góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư Văn Phú – Phạm Hùng để triển khai thực hiện Dự án, cụ thể như sau:

1.5 Vốn góp của Công ty Văn Phú – Invest:

- Công ty Văn Phú – Invest góp 494.000.000.000VND (bốn trăm chín mươi tư tỷ đồng Việt Nam), chiếm 65% Vốn Điều Lệ Công ty TNHH Đầu Tư Văn Phú – Phạm Hùng.

- Loại tài sản góp vốn: Tiền mặt, tài sản hoặc bất kỳ hình thức góp vốn hợp pháp khác.

- Thời điểm góp vốn: theo quy định của Luật Doanh Nghiệp

Điều 6. Giao Ban điều hành triển khai thực hiện theo các nội dung đã được Hội đồng quản trị Công ty thông qua tại Biên bản này.

Điều 7. Người đại diện theo pháp luật, Ban Điều hành, các Ban trong Công ty và các cá nhân, tổ chức có lien quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bản trích lục Nghị quyết số 1209/NQ-HĐQT của VPI.
Bản trích lục Nghị quyết số 1209/NQ-HĐQT của VPI.

Vậy nội dung của Điều 1, Điều 4, Điều 5 và một phần đáng kể còn lại của Điều 3 của Nghị quyết số 1209/NQ-HĐQT viết gì (?!).

Có lẽ chỉ người trong cuộc mới có thông tin đầy đủ. Và dù sao, “bản trích lục” như trên cũng đã đủ để VPI đáp ứng các yêu cầu về việc công bố thông tin đối với một doanh nghiệp niêm yết.

An Quý Hưng rút khỏi dự án Văn Phú Complex?

Theo tìm hiểu của VietTimes, Thỏa thuận liên danh số 06A/2016/TTLD ngày 18/8/2016 vừa bị Hội đồng quản trị VPI thông qua chủ trương chấm dứt là thỏa thuận về việc hợp tác đầu tư thực hiện dự án tòa nhà hỗn hợp Văn Phú Complex (Văn Phú Complex) tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Tp. Hà Nội giữa 3 pháp nhân, là: Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú số 2 – VPI – Công ty TNHH An Quý Hưng.

Trong đó, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú số 2 là thành viên đại diện liên danh, nhưng VPI mới là thành viên chi phối lớn nhất – với tỷ lệ vốn góp để thực hiện dự án lên tới 62%.

Văn Phú Complex có tổng mức đầu tư dự kiến của dự án là 3.448,3 tỷ đồng (làm tròn). Trong đó, tổng chi phí thực hiện giai đoạn 1 của Dự án là 132,7 tỷ đồng, và số vốn mà VPI phải góp tương ứng là 82,3 tỷ đồng.

Nhưng phải nhiều tháng sau ngày ký thỏa thuận - bắt đầu từ năm 2017, VPI mới thực hiện việc chuyển vốn góp. Quy mô của khoản vốn góp hợp tác đầu tư mà VPI đã chuyển này, tính tới cuối tháng 6/2018, đạt 35,6 tỷ đồng.

Như vậy, theo thông tin trong “bản trích lục”, HĐQT VPI vừa “thông qua chủ trương chấm dứt Thỏa thuận liên danh số 06A/2016/TTLD ngày 18/8/2016 và ký kết Thỏa thuận liên danh mới giữa Công ty và Công ty Văn Phú Số 2 để xin triển khai thực hiện Dự án”, có thể hiểu Công ty TNHH An Quý Hưng (An Quý Hưng) đã quyết định rút khỏi liên danh đầu tư Văn Phú Complex.

Chưa rõ lý do An Quý Hưng rút khỏi dự án là gì và cũng chưa rõ thành viên này sẽ nhận được gì từ việc thoái lui. Hay nói cách khác là cái giá mà hai thành viên còn lại đã phải trả cho An Quý Hưng để tiếp quản dự án.

Có một điểm cần nhấn mạnh, đó là Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú số 2 và VPI – hai nhà đầu tư sẽ tiếp tục hợp tác thực hiện dự án này – thực ra là một nhóm.

Bởi Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú số 2 (Văn Phú Số 2) là pháp nhân do VPI sáng lập vào đầu năm 2016 và chi phối đến 77,5% vốn điều lệ. VPI đã chuyển 43,8 tỷ đồng để góp vốn vào Văn Phú Số 2 nhưng rồi chỉ ít tháng sau – cũng ngay trong năm 2016 – VPI đã thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp tại đây, với mức giá chính bằng 43,8 tỷ đồng.

Dầu vậy, theo cập nhật mới nhất, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT VPI – ông Tô Như Toàn – vẫn đang đồng thời đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐQT Văn Phú số 2.

Do đó, ở một giác độ nào đó, có thể nói rằng sau sự rút lui của An Quý Hưng thì Văn Phú Complex sẽ là cuộc chơi riêng của nhóm VPI.

Với việc VPI sẽ góp 494 tỷ đồng để thành lập và sở hữu 65% pháp nhân dự án (là Công ty TNHH Đầu Tư Văn Phú – Phạm Hùng) thì không loại trừ khả năng phân kỳ đầu tư của Văn Phú Complex đã có sự điều chỉnh. Như đã nói, theo thỏa thuận trước đây, tổng chi phí thực hiện giai đoạn 1 của Dự án là 132,7 tỷ đồng, và số vốn mà VPI phải góp tương ứng là 82,3 tỷ đồng – tức là thấp hơn đáng kể so với mức vốn điều lệ ban đầu của Công ty TNHH Đầu Tư Văn Phú – Phạm Hùng (là 760 tỷ đồng).

An Quý Hưng của ai?

An Quý Hưng là một công ty có thâm niên trong lĩnh vực xây dựng, được thành lập vào tháng 4/2001 và có trụ sở chính tại Km28, Quốc lộ 6A, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Theo giới thiệu, công ty này đã có kinh nghiệm thi công gần 60 dự án lớn, nhỏ cho các đối tác trong và ngoài nước, trong đó có tới gần 50 nhà máy có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Công ty sở hữu nền tảng là đội ngũ gần 2.000 cán bộ, kỹ sư, chuyên gia, công nhân viên tâm huyết.

Dù hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tổng thầu xây dựng nhưng những năm gần đây, theo tìm hiểu của VietTimes, An Quý Hưng đang đẩy mạnh hoạt động sang một số lĩnh vực đầu tư. Công ty này rất tích cực tham gia chào mua trong các đợt thoái vốn nhà nước tại các công ty ở địa phương, như tại Forexco Quảng Nam, Sunprotexim.

Tháng 4/2017, An Quý Hưng đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên mức 360 tỷ đồng, tuy nhiên danh sách sở hữu vẫn ổn định với chỉ hai cái tên là vợ chồng ông bà Nguyễn Xuân Đông – Đỗ Thị Thanh. Trong đó, phần vốn góp của ông Đông là 252 tỷ đồng (chiếm 70%), còn bà Thanh là 108 tỷ đồng (chiếm 30%).

Doanh nhân Nguyễn Xuân Đông - "ông chủ" An Quý Hưng. (Ảnh: AQH)
Doanh nhân Nguyễn Xuân Đông - "ông chủ" An Quý Hưng. (Ảnh: AQH)

Nhà sáng lập An Quý Hưng – ông Nguyễn Xuân Đông – sinh ngày 19/12/1966, từng tốt nghiệp trung cấp kế toán, và từng trải qua các cương vị công tác tại Nhà máy bê tông Xuân Mai (cán bộ), Công ty XHPT Nông thôn 8 (Chỉ huy trưởng), trước khi ra kinh doanh và tạo dựng sự nghiệp riêng vào năm 2001.

Bên cạnh cương vị Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc An Quý Hưng, ông Đông hiện cũng đang đồng thời đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mỹ nghệ Đức Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH An Quý Hưng Land, và từng có thờ gian giữ cương vị Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vimeco (từ tháng 04/2014 – tháng 04/2017).

Ngày 27/4/2018, ông Nguyễn Xuân Đông đã được bầu tham gia HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát (HoSE: HPX), và là một trong số 2 Thành viên độc lập của công ty này, bên cạnh ông Hoàng Vệ Dũng./.