Sở dĩ nói vậy bởi lẽ bấy lâu nay hầu như vẫn chưa thấy mối liên hệ hay hợp tác hiển minh nào giữa Dugarco và Hải Phát Invest.
Dugarco là một thương hiệu nổi tiếng trong ngành may mặc và hiện vẫn chuyên doanh trong lĩnh vực này. Còn Hải Phát Invest thì lại là một tên tuổi đang lên trong lĩnh vực bất động sản. Thoạt nhìn, hai doanh nghiệp chưa có sự giao thoa – ít nhất là về ngành nghề kinh doanh. (Có chăng chỉ là quỹ đất mà những doanh nghiệp sản xuất gốc Nhà nước như Tổng công ty Đức Giang sẽ hữu dụng với những chủ đầu tư bất động sản như Hải Phát Invest).
Hệ thống báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, báo cáo quản trị,… của HPX và Dugarco cũng không thể hiện bất kỳ sự hợp tác nào giữa hai bên.
Dugarco không xuất hiện trong cơ cấu sở hữu Hải Phát Invest và dĩ nhiên tổng công ty gần 10.000 công nhân này không thể là bên giới thiệu ông Hoàng Vệ Dũng tham gia HĐQT HPX.
Thực tế, tại ĐHĐCĐ mới diễn ra cách đây ít tuần của HPX, ông Dũng đã nhận được sự đề cử từ một cổ đông nội bộ và cũng là người sáng lập, chi phối lớn nhất tại Hải Phát Invest. Đó là ông Đỗ Quý Hải – Chủ tịch HĐQT HPX.
Với hơn 60 triệu cổ phần HPX trực tiếp nắm giữ, tương ứng tỷ lệ sở hữu 40,0384% - được phép đề cử tối đa 04 ứng viên HĐQT, theo quy chế quản trị nội bộ của công ty – ông Đỗ Quý Hải đã tự ứng cử tham gia HĐQT HPX nhiệm kỳ 2018 – 2023, đồng thời đề cử 2 người, trong đó có ông Hoàng Vệ Dũng.
Kết quả biểu quyết tại đại hội, đương kim Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang Hoàng Vệ Dũng đã đắc cử thành viên HĐQT Hải Phát Invest với tối đa phiếu bầu.
Ông Dũng trở thành một trong 6 lãnh đạo trong cơ cấu quản trị cao nhất của HPX, gồm: Chủ tịch Đỗ Quý Hải; Phó Chủ tịch thường trực Lê Tiến Hùng; Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Phương; Thành viện HĐQT Phạm Minh Tuấn, Nguyễn Xuân Đông, Hoàng Vệ Dũng.
Nhấn mạnh rằng, trước khi được bầu giữ chức vụ Thành viên HĐQT HPX nhiệm kỳ 2018 – 2023, ông Hoàng Vệ Dũng chưa từng tham gia công tác hay giữ chức vụ gì khác ở Hải Phát Invest.
Vì ông Dũng tham gia HĐQT HPX hoàn toàn trên cơ sở đề cử của ông Đỗ Quý Hải, gắn liền với số cổ phần có quyền biểu quyết nắm giữ của riêng ông Hải, nên nhiều khả năng ông Dũng không sở hữu cá nhân đối với cổ phần HPX/hoặc với quy mô không đáng kể.
Một nguồn tin cho hay, ông Hoàng Vệ Dũng và ông chủ Hải Phát Invest (Đỗ Quý Hải) quen biết, giao lưu, gắn bó với nhau trong một nhóm doanh nhân chơi thân nhiều năm.
Việc ông Hải mời ông Dũng tham gia HĐQT Hải Phát Invest có thể hiểu như cách để củng cố thêm sức mạnh và tiềm lực cho HPX, ngay trước thềm lên sàn. Với thâm niên trên thương trường, kinh nghiệm quản trị và cả các mối quan hệ kinh doanh của ông Hoàng Vệ Dũng hẳn sẽ rất giá trị, nếu HPX biết tận dụng và phát huy.
Ông Hoàng Vệ Dũng là ai?
Sơ yếu lý lịch cho biết, ông Dũng sinh ngày 01/11/1957, tại Hà Nội, hiện đăng ký hộ khẩu thường trú tại phố Thể Giao, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng.
Với độ tuổi hiện thời, nếu công tác ở cơ quan nhà nước hay các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước chi phối vốn, ông Hoàng Vệ Dũng có thể đã phải nghỉ hưu hưởng chế độ.
Tuy nhiên, Tổng Công ty Đức Giang – nơi ông Dũng đang nắm giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐQT – vốn là một doanh nhiệp Nhà nước nhưng đã được cổ phần hóa cơ bản.
Phần cổ phần Bộ Công thương nắm giữ tại Dugarco nằm trong 2,27 triệu cổ phần do Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) sở hữu, tương ứng tỷ lệ 36,79% (cập nhật tại ngày 10/3/2017). Lưu ý, vì Vinatex cũng đã được cổ phần hóa, nên mức độ sở hữu của Bộ Công thương tại Tổng công ty Đức Giang còn được pha loãng hơn nữa. Do đó, ông Dũng và các lãnh đạo khác của Dugarco sẽ không bị giới hạn về tuổi hưu.
Thêm vào đó, cũng nên biết rằng, vợ chồng ông Hoàng Vệ Dũng còn là hai trong số 4 cổ đông lớn của Dugarco, bên cạnh Vinatex (36,79%) và CTCP Chứng khoán Phố Wall (15%) – theo danh sách cổ đông chốt ngày 10/3/2017: Quy mô nắm giữ của ông Dũng là 13,78% và vợ ông (bà Nguyễn Thị Bích Ngọc) là 6,94%; chưa kể 1,05% cổ phần đứng tên con trai Hoàng Ngọc Quân.
Với quy mô này, gia đình ông Hoàng Vệ Dũng chính là nhóm cổ đông lớn thứ hai tại Dugarco, chỉ sau Vinatex – nơi ông Dũng cũng là một trong các lãnh đạo chủ chốt, với cương vị Phó Tổng Giám đốc.
Khi ứng cử vào HĐQT Hải Phát Invest, ông Hoàng Vệ Dũng được giới thiệu là hiện đang đảm nhiệm các chức vụ: Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (từ năm 2012 đến nay); Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang (từ năm 2008 đến nay).
Được biết, trước khi tham gia thương trường, ông Hoàng Vệ Dũng nguyên là một Đại úy Quân đội, từng công tác 7 năm tại Bộ Quốc phòng (tháng 8/1980 – 8/1987).
Cụ thể, là sinh viên ngoại ngữ tiếng Nga – giảng viên tiếng Nga (9/1974 – 8/1975) tại Trường Kỹ thuật Quân sự, ông Dũng từng được quân đội cử đi học và tốt nghiệp Đại học tại Liên Xô (8/1975 – 6/1980), chuyên ngành Ngôn ngữ hoc. Sau khi về nước, giảng dạy tại Khoa Tiếng Nga – Trường Đại học Ngoại ngữ Quân sự (Bộ Quốc Phòng).
Tháng 8/1987, ông Dũng chuyển ngành và có 25 năm công tác tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam – Bộ Công nghiệp, với chức vụ Trưởng ban XNK (tháng 8/1987 đến năm 2012).
Từ năm 1998 – 2009, ông Dũng là Giám đốc Công ty XNK Dệt may. Từ năm 2004 – năm 2008, là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Đức Giang.
Từ năm 2008 đến nay, ông Hoàng Vệ Dũng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đức Giang; và từ 2012 đến nay, kiêm chức Phó Tổng Giám đốc Vinatex.
Như đã nói, vừa rồi ông Dũng đã bổ sung thêm vào danh sách chức vụ đang đảm nhiệm chức vụ Thành viên HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest).
Hơn 30 năm gắn bó với ngành dệt may, cương vị mới tại Hải Phát Invest sẽ đem đến một trải nghiệm mới cho ông Hoàng Vệ Dũng ở lứa tuổi mà người xưa vẫn dạy là “bất nhập đình trung”, đó là làm bất động sản.
Thành lập từ cuối năm 2003, với tên gọi là CTCP Xây dựng – Du lịch Hải Phát và số vốn khiêm tốn 8 tỷ đồng, Hải Phát Invest đã phát triển rất nhanh trong những năm gần đây.
Với chiến lược mở rộng khôn khéo - thông qua M&A, BT, và hợp tác kinh doanh - Hải Phát Invest hiện sở hữu một quỹ đất rộng và sạch, chủ yếu ở địa bàn thủ đô Hà Nội. Công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng ra một số địa phương như Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An, Bình Thuận, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình.
HPX đã ghi dấu tại hàng loạt dự án như: The Pride, Tân Tây Đô, Nhà phố Thương mại 24h, Khu nhà ở đô thị The Vesta - Phú Lãm, Roman Plaza,…
Vốn điều lệ của Hải Phát Invest hiện đăng ký ở mức 1.500 tỷ đồng nhưng ông Đỗ Quý Hải và các đồng sự đang tham vọng tăng lên 2.500 tỷ đồng, ngay sau khi niêm yết cổ phiếu trên HoSE (dự kiến quý II năm nay).
Với tổng tài sản hợp nhất hơn 6.576 tỷ đồng, năm 2017, Hải Phát Invest đã ghi nhận 1.080 tỷ đồng doanh thu và báo lãi 403 tỷ đồng trước thuế.
Năm 2018, HPX đề ra mục tiêu tăng tổng doanh thu lên 74%, đạt 3.290 tỷ đồng; Trong đó, doanh thu từ kinh doanh bất động sản là 2.900 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính và kinh doanh khác là 390 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế 562 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2017; Tổng tài sản đạt 8.125 tỷ đồng.
HPX tính toán, tổng nhu cầu vốn của công ty trong năm 2018 là 6.600 tỷ đồng; Trong đó, nhu cầu vốn cho phát triển các dự án là 5.000 tỷ đồng, nhu cầu vốn cho công tác M&A và đấu giá quyền sử dụng đất là 1.600 tỷ đồng.
Công ty cũng có kết hoạch phát hành khoảng 1.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi./.