Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Trung Quốc đưa tiêm kích phản lực J-11 của Trung Quốc ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình ngày 25/2 cho hay, Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn liên tiếp có các hoạt động không chỉ xâm phạm chủ quyền Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa Biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực và an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
"Chúng tôi kiên quyết phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, đồng thời yêu cầu Trung Quốc có những lời nói và hành động trách nhiệm cũng như mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định khu vực và thế giới trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 cũng như tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông", ông Lê Hải Bình nhấn mạnh.
Cũng trong cuộc họp báo đầu tiên của năm mới Bính Thân, Người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ tới Lào tham dự hội nghị hẹp của Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN. Đây là cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng sau khi thành lập Cộng đồng ASEAN. Theo ông Bình, các bộ trưởng sẽ trao đổi về các vấn đề mà ASEAN quan tâm.
“Bất cứ vấn đề nào đe dọa an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông cũng sẽ được nêu ra. Như tôi đã nói trước đó, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông đang bị đe dọa”, ông Bình nói.
Trước câu hỏi của phóng viên hãng thông tấn Đức về mức độ các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian vừa qua, Người phát ngôn Lê Hải Bình khẳng định những diễn biến gần đây ở Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy nguyên trạng khu vực đang bị phá vỡ và nghiêm trọng hơn là các hoạt động gia tăng quân sự hóa trên Biển Đông. Ông Bình cho rằng chúng là yếu tố hết sức đáng lo ngại, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Về phản ứng của Việt Nam trước việc truyền thông Mỹ đưa tin một số quan chức muốn đưa pháo tự hành tới Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động gia tăng căng thẳng, ông Bình nhấn mạnh: “Việc duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải trên Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Chúng tôi mong muốn các bên hành động có trách nhiệm để đảm bảo hòa bình ở Biển Đông nhưng phải tôn trọng luật pháp, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982".
Trước câu hỏi về khả năng Việt Nam tham gia các cuộc tuần tra chung nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông của Mỹ và các quốc gia khác, Người phát ngôn Lê Hải Bình tái nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa là không thể chối cãi.
“Chúng tôi đã, đang và sẽ tiến hành các hoạt động bình thường của mình trong khu vực này, phù hợp với luật pháp Việt Nam và quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Chúng tôi cũng khẳng định các hoạt động của lực lượng chức năng Việt Nam luôn đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Chúng tôi nhiều lần nêu rõ quan điểm của mình với việc đi lại tự do và vô hại theo luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng đề nghị các nước có đóng góp tích cực và thiết thực vào hòa bình, ổn định ở Biển Đông, đồng thời tuân trọng luật pháp quốc tế”, ông Bình nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định đường lối đối ngoại độc lập và tự chủ của Việt Nam đang được các nước trong và ngoài khu vực đánh giá cao, góp phần vào ổn định, hòa bình trong khu vực cũng như thế giới.
Ảnh vệ tinh mới (trái) cho thấy một số bệ phóng tên lửa đất đối không ở đảo Phú Lâm của Việt Nam. Ảnh:ImageSat International |
TrangFox Newsngày 23/2 dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trong những ngày qua.
Hai quan chức Mỹ nói vớiFox Newsrằng, các máy bay chiến đấu mà Trung Quốc vừa triển khai ra đảo Phú Lâm lần này là J-11 và JH-7. Cơ quan tình báo Mỹ đã giám sát hoạt động của chúng ở Phú Lâm.
Động thái này của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi nước này điều trái phép các tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm và một tuần sau khi hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN kết thúc ở Sunnylands.
Trong bài báo hồi trung tuần tháng 2,Fox Newsđăng ảnh vệ tinh trên do hãng ImageSat International (ISI) chụp cho thấy 8 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng với một hệ thống radar đã được Trung Quốc triển khai trái phép đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
TheoFox, một quan chức Mỹ cho biết, tên lửa của Trung Quốc điều ra là hệ thống phòng không HQ-9, gần giống với hệ thống tên lửa S-300 của Nga. HQ-9 có phạm vi hoạt động khoảng 200 km, tạo ra mối đe doạ với mọi loại máy bay, dù là dân sự hay quân sự, hoạt động gần đó.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby bình luận rằng những hình ảnh về tên lửa Trung Quốc do vệ tinh thương mại phát hiện trong thời gian gần đây trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trái ngược với cam kết không quân sự hóa Biển Đông mà nhà chức trách Trung Quốc đưa ra. “Người Trung Quốc thường nói một đằng, làm một nẻo”, ông Kirby khẳng định trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 18/2.
Theo Zing