Từ ngày 22 đến ngày 26/5/2017, Đại hội Ngân hàng phát triển châu Phi lần thứ 52 lần đầu tiên tổ chức ở Ấn Độ, tức bên ngoài châu Phi. Đại hội lần này không chỉ sẽ tăng cường tiếp xúc giữa Ấn Độ và châu Phi, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ còn thảo luận bắt tay thúc đẩy kế hoạch "hành lang tự do" từ châu Á - Thái Bình Dương mở rộng đến châu Phi.
Ấn Độ và Nhật Bản muốn thực hiện cân bằng với ảnh hưởng của sáng kiến "Vành đai và con đường" liên kết Âu - Á - Phi do Trung Quốc đưa ra.
Theo nguồn tin từ Mỹ ngày 24/5, quan hệ giữa Ấn Độ và châu Phi có lịch sử lâu đời, hiện đã bước vào một giai đoạn mới. Tờ Hindustan Times (Ấn Độ) cho rằng ở châu Phi, Ấn Độ mặc dù không thể so sánh với Trung Quốc, nhưng đã trở thành đối tác thương mại lớn hơn so với Nhật Bản và Mỹ.
Nhưng, đại hội lần này cũng cho thấy, Ấn Độ lo ngại cùng với việc vai trò ảnh hưởng của Mỹ giảm đi và vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên, Ấn Độ không gánh được vai trò đầy đủ trong quan hệ kinh tế và quân sự ở "sân sau" châu Phi.
Sáng kiến "Vành đai và con đường" do Bắc Kinh đưa ra càng làm cho New Delhi cảm thấy phải phát huy vai trò ảnh hưởng lớn hơn ở châu Phi. Khu vực miền đông và miền nam châu Phi có lợi ích địa - chính trị rất đặc biệt đối với Ấn Độ.
Trong các đại diện tham dự đại hội lần này, đáng chú ý nhất là đoàn đại biểu Chính phủ Nhật Bản do Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso dẫn đầu. Nhật Bản sẽ cùng Ấn Độ thảo luận hợp tác thúc đẩy kế hoạch "hành lang tự do" từ châu Á - Thái Bình Dương mở rộng đến châu Phi.
Kế hoạch "hành lang tự do" là thông qua xây dựng hạ tầng cơ sở để tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư của các khu vực như châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Tokyo vào tháng 11/2016, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ thúc đẩy kế hoạch này. Khi thăm Nhật Bản cách đây không lâu, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley tiếp tục đưa ra vấn đề hợp tác này.
Tờ The Economic Times of India ngày 16/5 cho rằng kế hoạch "hành lang tự do" là Nhật Bản và Ấn Độ hợp tác xây dựng nhiều dự án hạ tầng cơ sở ở châu Phi, Iran, Sri Lanka và các nước Đông Nam Á để thực hiện cân bằng với vai trò ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc.
Hiện nay, New Delhi và Tokyo đều có dự định đầu tư vào dự án xây dựng năng lực và hạ tầng cơ sở ở đông châu Phi. Nhật Bản sẽ gia nhập kế hoạch phát triển Đặc khu kinh tế tiếp giáp và mở rộng cảng Chabahar, một cảng chiến lược quan trọng của Iran.
Ở phía đông Sri Lanka, hai nước có ý định đầu tư vào dự án mở rộng cảng Trincomalee, một khu vực trọng yếu chiến lược, đồng thời còn có khả năng cùng phát triển cảng nước sâu Dawei ở biên giới Thái Lan và Myanmar. Hiện nay, Ấn Độ và Nhật Bản đã bắt đầu phát triển dự án hạ tầng cơ sở của mỗi bên.
Ngày 24/5, Nhật Bản và Ấn Độ lần lượt mở hội nghị với các nước thành viên Ngân hàng phát triển châu Phi bên lề Đại hội Ngân hàng phát triển châu Phi, bàn thảo hợp tác tham gia kế hoạch phát triển xây dựng năng lực và hạ tầng cơ sở địa phương.
Xét thấy Ấn Độ chưa tham gia diễn đàn cấp cao "Vành đai và con đường" tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 14 đến 15/5, tờ Indian Express Ấn Độ cho rằng việc Ấn Độ đứng ra tổ chức Đại hội Ngân hàng phát triển châu Phi cùng với việc Nhật Bản và đại diện châu Phi thảo luận vấn đề "hành lang tự do" được dư luận quốc tế cho là chiến lược do Ấn Độ đưa ra để đáp trả sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc. Nhưng, thái độ của Nhật Bản đối với "Vành đai và con đường" có một số tế nhị.
Tờ The Economic Times of India dẫn lời nhà phân tích Barua cho rằng: "Quan hệ hợp tác kinh tế không ngừng đi vào chiều sâu của Ấn Độ và Nhật Bản có nguồn gốc từ việc hai nước đều ý thức được Trung Quốc tìm cách thông qua đầu tư vào các nước láng giềng để mở rộng vai trò ảnh hưởng của họ. Trung Quốc tìm cách đồng thời xây dựng các hành lang dự án hạ tầng cơ sở trên biển và trên đất liền, từ đó kết nối châu Á - Thái Bình Dương với châu Âu... Khi Trung Quốc không ngừng mở rộng vai trò ảnh hưởng, cuối cùng đạt được mục đích liên thông châu Á, Ấn Độ và Nhật Bản tất yếu tìm ra cách làm tương tự".