Ấn Độ, Việt Nam hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng vào năm 2023

VietTimes – Một cuộc khảo sát với các chuyên gia trong ngành vận chuyển và chuỗi cung ứng toàn cầu cho thấy 2/3 số người được hỏi coi Ấn Độ, Việt Nam là những lựa chọn thay thế đầy tiềm năng cho Trung Quốc.
Ảnh: SCMP

Theo Reuters, BOE Technology Group, hãng cung cấp màn hình cho Apple và Samsung, đang lên kế hoạch đầu tư ngân sách để thuê 100 hecta đất và xây dựng nhà máy tại Việt Nam trước năm 2025. Một nhà máy dự kiến có quy mô 20 hecta, trị giá 150 triệu USD, chuyên chế tạo các hệ thống điều khiển từ xa. Nhà máy thứ hai nằm trên diện tích 50 hecta với trị giá 250 triệu USD dành cho dây chuyền sản xuất màn hình OLED, trong khi 30 hecta còn lại dành cho các nhà cung ứng.

Theo một cuộc khảo sát toàn cầu mới được công bố bởi Container xChange trong tuần này, các công ty trên khắp thế giới coi Ấn Độ và Việt Nam là những địa điểm thay thế hấp dẫn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc trong năm nay.

Được biết, công ty của Đức đã khảo sát hơn 2.600 chuyên gia trong ngành từ hơn 20 quốc gia về xu hướng chuyển dịch và chuỗi cung ứng cho năm 2023. Báo cáo chỉ ra và rằng 67% số người được hỏi tin rằng Ấn Độ và Việt Nam sẽ “nổi lên như những trung tâm vận chuyển hoạt động tích cực” trong năm nay.

Cuộc khảo sát được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hai quốc gia châu Á này đang ngày càng trở nên phổ biến đối với các công ty đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phân tán rủi ro chuỗi cung ứng của họ.

Xuất khẩu iPhone của Apple từ tháng 4 đến tháng 12 năm ngoái của Ấn Độ đã tăng gần gấp đôi so với cả năm tài chính trước đó, trong khi tập đoàn hàng đầu Ấn Độ Tata Group cũng đã sẵn sàng mua lại nhà máy sản xuất từ một công ty Đài Loan để cung cấp cho quốc gia này nhà máy sản xuất iPhone nội địa đầu tiên, Bloomberg News đưa tin trong tuần này.

Trong khi đó, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2022, nhờ xuất khẩu mạnh điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác, theo dữ liệu hải quan do chính phủ Việt Nam công bố.

Cuộc khảo sát của Container xChange cũng cho thấy các doanh nghiệp Hoa Kỳ dự kiến sẽ chuyển nhiều hoạt động sản xuất ra nước ngoài hơn sang các đồng minh địa chính trị. Cuộc khảo sát cho thấy: “Mục tiêu là ngăn chặn các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc và Nga, sử dụng lợi thế thị trường của họ đối với các nguyên liệu thô, thực phẩm và nguồn sản phẩm chính”.

Thực tế, một số công ty công nghệ lớn của Mỹ cũng đã bắt đầu có bước chuyển dịch. Theo báo cáo từ Nikkei Asia, Dell đã quyết định ngừng sử dụng chất bán dẫn Trung Quốc sản xuất vào năm tới và có thể chuyển một nửa sản lượng ra khỏi nước này vào 2025.

Ngoài việc điều chỉnh chuỗi cung ứng, lạm phát và suy thoái kinh tế cũng được 88% số người tham gia khảo sát coi là yếu tố cản trở lớn nhất đối với hoạt động kinh doanh của các công ty nước ngoài đang hoạt động ở Trung Quốc năm nay. Các yếu tố tiếp theo là chiến sự, Covid-19 và các cuộc đình công của công nhân.

Christian Roeloffs, đồng sáng lập và CEO của Container xChange cho biết: “Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề với mức lạm phát cao chưa từng có, Trung Quốc phải vật lộn để đối phó với virus và Mỹ tiếp tục chứng kiến những thách thức về giao thông nội địa và tình trạng bất ổn lao động. Hầu hết những thách thức này sẽ vẫn tiếp diễn vào năm 2023”.

Theo SCMP, Reuters