"Cửa hậu" theo thuật ngữ an ninh mạng là phương pháp bỏ qua các kiểm soát an ninh để truy cập vào hệ thống máy tính hoặc dữ liệu được mã hóa. Chúng thường được cài đặt trong cả phần cứng hoặc phần mềm để lập trình viên có thể khắc phục sự cố nhưng cũng có thể bị tin tặc khai thác.
Chính phủ Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại với lý do các thiết bị viễn thông của công ty Trung Quốc có thể cho phép chính phủ Trung Quốc sử dụng làm phần mềm gián điệp. Huawei đã phủ nhận các cáo buộc này.
Để trấn an chính phủ Ấn Độ, Huawei cho biết sẵn sàng đưa ra một cam kết chính thức vào tháng 6. Giám đốc điều hành của Huawei tại Ấn Độ nói với tờ Economic Times của Ấn rằng “Chúng tôi sẵn sàng ký một thỏa thuận không có cửa hậu. Chúng tôi cũng khuyến khích các nhà sản xuất thiết bị viễn thông khác nên ký một thỏa thuận như vậy với chính phủ và các nhà khai thác”.
Ấn Độ là một trong những thị trường viễn thông mới có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng khoảng 10,3% lên 103,9 tỷ USD vào năm 2020, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Market Research Store. Nếu New Delhi không sớm “mở cửa”, Huawei có khả năng sẽ bị tụt lại so với các đối thủ 5G khác như Nokia của Phần Lan hay Ericsson của Thụy Điển.
“Chúng tôi đang đi trước các đối thủ trong quá trình xây dựng mạng 5G. Bảo mật không gian mạng và bảo vệ quyền riêng tư là mối ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”, tuyên bố nói thêm.
Tuy nhiên, cam kết không có cửa hậu vẫn không đủ thuyết phục được chính phủ Ấn Độ. Tờ Nikkei Asian Review dẫn một nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ nói rằng “chính phủ Ấn cho rằng đề xuất của Huawei còn nhiều điểm đáng nghi ngờ và chính phủ sẽ không vội vàng trong việc quyết định có nên gia nhập vào mạng 5G của Huawei hay không”.
Đầu tháng 6, Ravi Shankar Prasad, Bộ trưởng Viễn thông mới được bổ nhiệm, cho biết chính phủ đang xem xét nghiêm túc về việc cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G ở Ấn Độ. Một ủy ban chính phủ đã được thành lập để kiểm tra tình trạng an ninh mạng của Huawei, tờ Nikkei Asian Review cho biết.
Các chuyên gia nói rằng hành vi “mờ ám” trước đây của Huawei đã làm dấy lên sự hoài nghi. "Những thiệt hại do Huawei gây ra trong quá khứ không thể dễ dàng được chữa lành bằng những lời hứa như vậy", Vinal Wakhlu, cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Công ty tư vấn viễn thông của Ấn Độ nói với tờ Nikkei.
Huawei từng bị cáo buộc đột nhập vào Bharat Sanchar Nigam, một công ty viễn thông quốc doanh của Ấn Độ. Các vụ tấn công phổ biến đến nỗi vào năm 2009, Bộ Nội vụ Ấn Độ dù không chính thức tuyên bố nhưng đã ám chỉ khuyên ngành công nghiệp viễn thông nước này không nên sử dụng thiết bị có nguồn gốc từ Huawei, ZTE và các nhà sản xuất Trung Quốc khác.
Huawei đã bị cấm tham gia vào một số vụ đấu thầu mạng 5G tại Úc, New Zealand và Nhật Bản. Trong khi đó, Nga và Ả Rập Xê Út đã “bật đèn xanh” cho Huawei để thương mại hóa mạng 5G.
Trong hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Nhật Bản, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm vận, cho phép các công ty công nghệ Mỹ tiếp tục bán thiết bị và dịch vụ cho Huawei với điều kiện các thiết bị và dịch vụ này không ảnh hưởng đến an ninh Mỹ.
Lập trường mềm dẻo hơn của Tổng thống Donald Trump đối với Huawei sẽ giúp Ấn Độ không phải đối mặt với nhiều áp lực từ Mỹ nếu họ quyết định cho Huawei tham gia vào mạng 5G ở nước này.
Thế mạnh của Huawei nằm ở mức giá rẻ hơn mặt bằng các đối thủ của nó. Nhiều chuyên gia tin rằng với mức giá thấp và sự xuất hiện dày đặc của Huawei ở Ấn Độ, chính phủ Ấn khó có thể cấm hoàn toàn Huawei khỏi quá trình thương mại hóa mạng 5G ở nước này.
Theo Nikkei Asian Review