5 bài học đắt giá từ sự thành công của tập đoàn bán lẻ Amazon

VietTimes – Vào tuần này, Amazon bước sang tuổi 25. Trong một phần tư thế kỷ tồn tại của mình, “gã khổng lồ thương mại điện tử” đã để lại nhiều bài học giá trị từ sự thành công mang tính đột phá của mình.
Tỷ phú Jeff Bezos, CEO của Amazon tại Hội nghị MARS. Ảnh: CNBC
Tỷ phú Jeff Bezos, CEO của Amazon tại Hội nghị MARS. Ảnh: CNBC

Amazon hiện đang thống trị ngành thương mại điện tử, có cơ sở hạ tầng điện toán đám mây lớn nhất và dẫn đầu thị trường trợ lý gia đình (Amazon Echo) với công nghệ Alexa (trợ lý ảo có khả năng tương tác bằng giọng nói). Ngoài ra, mảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến của Amazon cũng đang phát triển nhanh chóng và trở thành một thế lực “có số có má” ở Hollywood thông qua bộ phận phát video trực tuyến của mình. Năm 2018, tổng doanh thu của Amazon đã tăng 31% lên 232,9 tỷ USD.

Tom Forte, một chuyên gia phân tích của DA Davidson đã phân tích và đúc rút ra một số bài học đắt giá từ sự thành công vượt bậc của Amazon:

1. Tập trung vào khách hàng chứ không phải đối thủ cạnh tranh

Jeff Bezos xác định quan điểm rất rõ ràng, đó là thay vì ám ảnh trước các đối thủ cạnh tranh, biểu hiện bằng việc chờ đợi đối thủ ra mắt sản phẩm trước, sau đó học theo và bắt kịp các xu thế, ông tập trung vào việc lắng nghe khách hàng. Quan điểm này đã xuyên suốt quá trình hoạt động của công ty ngay từ khi nó bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1994 với tư cách là công ty bán sách trực tuyến.

Amazon luôn tìm hiểu xem khách hàng muốn gì và cố gắng phục vụ nhu cầu của họ với mức giá ưu đãi nhất bằng cách tạo ra thương hiệu kinh doanh của riêng mình.

2. Không ngừng đổi mới

Amazon luôn coi trọng sự đổ mới, thực hiện các tinh chỉnh liên tục nhằm cải thiện các dịch vụ của mình.

Forte lấy dẫn chứng về trình đọc sách điện tử Kindle của Amazon. Kindle đã tiếp tục phát triển để theo kịp các máy tính bảng thông thường và  kết hợp thêm trợ lý ảo Echo để giúp các nhà phát triển cung cấp mọi dịch vụ trợ giúp cho khách hàng.

3. Chiến lược 3 nhất: giá thấp nhất, lựa chọn nhiều nhất và giao hàng nhanh nhất

Một robot giao hàng của Amazon. Ảnh: SCMP
Một robot giao hàng của Amazon. Ảnh: SCMP

Đây là lý do giúp Amazon duy trì và mở rộng thêm số lượng khách hàng. Lượng khách hàng tăng sẽ thu hút các nhà cung cấp và các đối tác khác.


Amazon đã cho ra mắt dịch vụ giao hàng trong vòng một ngày. Mặc dù điều này làm tăng chi phí của Amazon trong thời gian ngắn, tuy nhiên, một cuộc khảo sát gần đây của RBC cho thấy khách hàng của Amazon chịu chi hơn và tỷ lệ quay lại mua hàng trên Amazon tăng mạnh khi họ nhận được lợi ích này.

4. Thay đổi để thích ứng

Ảnh: Brands
Amazon Web Services (AWS) là nền tảng đám mây toàn diện và được sử dụng rộng rãi nhất, cung cấp trên 165 dịch vụ đầy đủ tính năng từ các trung tâm dữ liệu trên toàn thế giới. Ảnh: Brands

Ví dụ, Amazon Web Services (AWS) đã chứng tỏ họ rất giỏi trong việc cung cấp phần mềm mà các nhà phát triển yêu cầu khi công nghệ thay đổi và công ty này đã thực hiện các vụ thôn tính quan trọng trong thị trường nhà thông minh - như nhà sản xuất chuông cửa thông minh Ring - khi hành vi của người tiêu dùng phát triển.


5. 
Chấp nhận lãi ít, coi việc mất tiền như một chiến lược riêng

Forte gọi đó là LmaS và nói rằng Amazon đã thực hiện nó một cách hoàn hảo. Nhà đầu tư đã trợ cấp cho công ty này trong hai thập kỷ, cho phép nó tồn tại với mức lợi nhuận biên thấp nhất trong khi họ tiếp tục đầu tư vào việc làm cho chuyện mua sắm trở nên đơn giản hơn, rẻ hơn, nhanh hơn và phát triển các doanh nghiệp khác có lợi nhuận cao hơn. Nhờ AWS và hoạt động kinh doanh quảng cáo của mình, Amazon cuối cùng cũng cho thấy thu nhập thực sự, nhưng lợi nhuận biên vẫn ít hơn rất nhiều so với các đại gia công nghệ khác như Alphabet, Facebook, Apple và Microsoft.

Amazon chấp nhận lãi ít thậm chí là mất tiền trong lĩnh vực bán lẻ để giành thị phần. Bù lại, công ty lại thu được nguồn lợi nhuận lớn từ điện toán đám mây và quảng cáo. Đây là lý do khiến Amazon tạo nên sự đột phá và đứng đầu trong lĩnh vực bán lẻ.

Trong báo cáo của mình, ông Forte nhấn mạnh hai lĩnh vực quan trọng mà Amazon đang thiếu, đó là: điện thoại thông minh và mở rộng tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc. Theo ông, điều thứ hai là thất bại lớn nhất đến thời điểm hiện tại của Amazon. Để tìm ra được con đường đi đến thành công tại thị trường thương mại điện tử ở Trung Quốc, “gã khổng lồ” có lẽ sẽ phải “nếm” thêm nhiều lần thất bại nữa.

Ông cũng nhìn thấy bốn rủi ro đáng kể đối với Amazon trong 25 năm tới, bao gồm cả việc tìm ra ai sẽ kế nhiệm Bezos, "nhà sáng lập và CEO mà cả thế hệ mới sản sinh ra được một người", cũng như xử lý sự can thiệp từ các nhà quản lý và nhà lập pháp.

Ít nhất là trong tương lai gần, Forte kỳ vọng rằng Amazon sẽ vượt qua được những thách thức đó. Ông kỳ vọng rằng cổ phiếu của Amazon sẽ tăng 31% so với hiện tại và vốn hóa thị trường của công ty này sẽ đạt 1,26 nghìn tỷ USD.

Theo CNBC