Theo hãng tin Reuters, Apple bán iPhone tân trang với giá thấp hơn tại một số quốc gia, trong đó có Mỹ. Hãng dự tính mở rộng hoạt động này ở đất nước tỷ dân Ấn Độ nhằm thúc đẩy doanh số, tăng thị phần so với các đối thủ có giá bán rẻ hơn nhiều.
Tuy nhiên, Ấn Độ đang thúc đẩy sáng kiến "Make in India" để nâng cao sức cạnh tranh của ngành chế tạo, đã từ chối đề nghị này với lý do có nhiều quy định cấm nhập khẩu sản phẩm điện tử đã qua sử dụng.
"Ấn Độ không khuyến khích bỏ đi hoặc tái chế vật liệu độc hại", người phát ngôn NN Kaul của Bộ Viễn thông nói.
Ở Ấn Độ, giá một chiếc smartphone trung bình chưa đến 150 USD. Ngược lại, chiếc iPhone SE mới bán ra của Apple có giá bán lẻ đến 39 nghìn rupee (khoảng 585 USD) – cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ 399 USD ở Mỹ do thuế nhập khẩu và các chi phí phân phối khác.
iPhone tân trang thường là các thiết bị đã bị khách hàng trả lại hoặc được sửa chữa về điều kiện nhà máy sau khi hư hỏng.
Đề xuất của Apple bị các nhà sản xuất điện thoại trong nước phản đối. Họ cho rằng bán iPhone cũ là vi phạm các quy định chống bán phá giá của Ấn Độ. Hiệp hội các nhà sản xuất điện tử và gia dụng cũng đã viết thư gửi Bộ quản lý ngăn chặn động thái này.
Theo VnReview