Ấn Độ: 26 người thiệt mạng trong vụ xả súng đẫm máu nhất ở Kashmir kể từ năm 2000

Hôm 22/4, ít nhất 26 người ở Kashmir do Ấn Độ quản lý đã thiệt khi các tay súng bất ngờ nổ súng vào một nhóm khách du lịch. Đây là vụ tấn công nhằm vào dân thường đẫm máu nhất tại khu vực này kể từ năm 2000.
Cảnh sát Ấn Độ dừng một chiếc xe tại trạm kiểm soát sau vụ tấn công nghi là của phiến quân, gần Pahalgam ở quận Anantnag, phía nam Kashmir. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã lên án "hành động tàn ác" xảy ra tại khu nghỉ mát mùa Hè Pahalgam, đồng thời cam kết sẽ đưa những kẻ tấn công ra trước công lý.

Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi Phó Tổng thống Mỹ J.D. Vance bắt đầu chuyến thăm cá nhân kéo dài 4 ngày tới Ấn Độ.

Một hướng dẫn viên tại Pahalgam nói với AFP rằng anh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường sau khi nghe tiếng súng và đã đưa một số người bị thương rời khỏi hiện trường bằng ngựa.

Người đàn ông tên Waheed (không tiết lộ họ) kể rằng anh thấy nhiều người nằm bất động trên mặt đất, trong khi một nhân chứng giấu tên khác cho biết những kẻ tấn công "rõ ràng tha cho phụ nữ".

Pahalgam nằm cách thành phố chiến lược Srinagar khoảng 90 km đường bộ. Một nguồn tin an ninh cho biết có cả du khách nước ngoài trong số các nạn nhân, dù chưa có xác nhận chính thức.

Tới tối 22/4, nhiều nguồn tin an ninh và một số cơ quan truyền thông Ấn Độ xác nhận số người chết đã tăng lên 26, cao hơn con số 24 mà một sĩ quan cảnh sát địa phương công bố trước đó.

Hiện chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm, nhưng khu vực đa số người Hồi giáo này đã chứng kiến cuộc nổi dậy kéo dài từ năm 1989. Các tay súng muốn ly khai khỏi Ấn Độ hoặc sáp nhập vào Pakistan – quốc gia kiểm soát một phần nhỏ của Kashmir nhưng cũng tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng này như Ấn Độ.

Phó Tổng thống Vance đã chia buồn qua mạng xã hội, trong khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố "Mỹ sát cánh cùng Ấn Độ chống khủng bố".

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, Thủ tướng Modi, hiện đang có mặt tại Arab Saudi, đã quyết định rút ngắn chuyến công tác để trở về nước.

Mục tiêu là nam giới

Một người phụ nữ bị thương trong vụ tấn công được điều trị tại bệnh viện ở Anantnag, phía nam Kashmir vào ngày 22/4. Ảnh: Reuters.

"Một nhóm tay súng, tôi không thể xác định bao nhiêu người, xuất hiện từ khu rừng gần một bãi cỏ rồi bắt đầu nổ súng", một nhân chứng cho biết.

"Họ rõ ràng tránh bắn vào phụ nữ và chỉ nhắm vào đàn ông – đôi khi là bắn lẻ, đôi khi là loạt đạn dồn dập như bão tố", người này, làm nghề chăn ngựa phục vụ du lịch, chia sẻ.

Anh cho biết hàng chục người đã hoảng loạn tháo chạy khi vụ xả súng xảy ra.

Thảm kịch tại điểm du lịch nổi tiếng

Các bác sĩ tại bệnh viện ở Anantnag cho biết họ đã tiếp nhận một số người bị thương do trúng đạn.

Ấn Độ duy trì khoảng 500.000 binh sĩ thường trú tại khu vực Kashmir, nhưng bạo lực đã giảm kể từ khi chính phủ Modi bãi bỏ quy chế tự trị hạn chế của khu vực này vào năm 2019.

“Âm mưu đen tối của chúng sẽ không bao giờ thành công. Quyết tâm của chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố là không thể lay chuyển và sẽ càng thêm vững mạnh”, ông Modi tuyên bố.

Trong những năm gần đây, chính quyền đã quảng bá Kashmir như một điểm đến du lịch, từ trượt tuyết mùa Đông cho đến tránh nắng mùa Hè. Năm 2024, khoảng 3,5 triệu lượt khách đã đến đây – phần lớn là du khách nội địa.

Năm 2023, Ấn Độ tổ chức cuộc họp G20 về du lịch tại Srinagar với an ninh siết chặt nhằm chứng minh tình hình “ổn định và yên bình” đang dần trở lại sau thời gian đàn áp mạnh tay.

Một loạt khu nghỉ dưỡng đang được phát triển, kể cả ở gần ranh giới quân sự phân chia Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan.

Ấn Độ thường xuyên cáo buộc Pakistan hậu thuẫn cho các tay súng nổi dậy, điều mà Islamabad phủ nhận, cho rằng họ chỉ ủng hộ "cuộc đấu tranh tự quyết của người dân Kashmir".

Vụ tấn công nghiêm trọng gần đây nhất là vào tháng 2/2019 tại Pulwama, khi những kẻ nổi dậy đánh bom xe vào đoàn xe cảnh sát, khiến 40 người thiệt mạng và ít nhất 35 người bị thương.

Trước đó, vụ thảm sát dân thường tồi tệ nhất diễn ra vào tháng 3/2000, khi 36 người Ấn Độ bị giết – chỉ một ngày trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton.

Theo AFP, CNA