
Việc Giáo hoàng Francis, người Argentina, qua đời lập tức đặt ra câu hỏi về người kế nhiệm vị trí lãnh đạo Giáo hội Công giáo Roma – một trong những tổ chức tôn giáo lâu đời và lớn nhất thế giới với khoảng 1,39 tỷ tín đồ.
Theo Giáo hội Công giáo Roma, Giáo hoàng là người kế vị Thánh Phêrô và là người đại diện Thiên Chúa ở trần gian, Giáo hoàng có quyền tối thượng đối với Giáo hội Công giáo trên khắp thế giới; là vị chủ chăn, người Cha tinh thần của toàn bộ hơn 1,39 tỷ tín đồ Công giáo, đồng thời là nguyên thủ quốc gia của Vatican. Chỉ có duy nhất Giáo hoàng mới có quyền bổ nhiệm các Giám mục ở mọi giáo phận trên thế giới.
Sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, Giáo hội Công giáo sẽ phải gấp rút nhóm họp để tìm ra người thay thế ông. Thông thường, Hồng y đoàn sẽ không chọn ra Giáo hoàng mới trong vòng 15-20 ngày sau khi Giáo hoàng trước đó qua đời hoặc thoái vị.
Việc bầu chọn Giáo hoàng tiếp theo sẽ do Hội đồng Hồng y - bao gồm các giáo sĩ Công giáo cấp cao, phần lớn do chính Giáo hoàng Francis bổ nhiệm – đảm nhận.

Theo truyền thống, ứng viên phải là nam giới, đã được rửa tội theo Công giáo. Tuy nhiên, trong nhiều thế kỷ qua, các Hồng y chỉ chọn người trong hàng ngũ của mình. Hiện nay, trên toàn thế giới có hơn 240 Hồng y và họ thường giữ chức vụ này suốt đời.
Quy trình bầu Giáo hoàng mới
Để bầu ra người đứng đầu Tòa thánh Vatican, trước hết, Hồng y đoàn sẽ nhóm họp tất cả các vị Hồng y có đủ điều kiện bỏ phiếu. Chỉ có một số vị làm việc tại Vatican, hầu hết những người khác đều làm việc tại các giáo phận hoặc tổng giáo phận trên khắp thế giới và họ phải đến Rome để tham dự cuộc bầu chọn này.
Chỉ các Hồng y dưới 80 tuổi tại thời điểm Giáo hoàng qua đời hoặc từ chức mới đủ điều kiện tham gia bầu chọn. Hình thức bầu chọn Giáo hoàng tiếp theo là bằng cách bỏ phiếu kín trong "mật nghị Hồng y" diễn ra tại Nhà nguyện Sistine ở Vatican.
Hiện nay, chỉ có 138 trong số hơn 240 vị Hồng y trên toàn thế giới đủ điều kiện tham gia bầu chọn Giáo hoàng tiếp theo, nhưng số lượng Hồng y được triệu tập đến bỏ phiếu bầu thường chỉ giới hạn 120 người.

Việc bỏ phiếu diễn ra bí mật, do 9 Hồng y được chọn ngẫu nhiên giám sát. Ứng viên cần phải đạt được ít nhất 2/3 số phiếu để được bầu làm Giáo hoàng mới.
Cuộc họp của các Hồng y được gọi là Cơ mật viện, thường bắt đầu bằng Thánh Lễ cầu nguyện cho cuộc bầu chọn tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô. Vào buổi chiều, họ đi bộ đến nhà nguyện Sistine và bắt đầu quá trình bỏ phiếu.
Khi các lá phiếu được phát ra, các Hồng y sẽ viết tên của người họ lựa chọn vào đó và gấp nó lại, sau đó từng người một, theo thứ tự thâm niên, sẽ bước đến một bàn thờ và trang trọng đặt lá phiếu vào một cái cốc.
Sau khi bỏ phiếu bầu, các Hồng y không được rời khỏi Cơ mật viện và không trò chuyện với bất kỳ ai bên ngoài cho đến khi quá trình bầu chọn kết thúc. Quá trình này diễn ra hoàn toàn bí mật với bên ngoài.
Tất cả các thiết bị truyền thông, máy ghi âm, camera đều bị cấm mang vào. Ai vi phạm sẽ phải chịu những hình phạt do Giáo hoàng tương lai đưa ra.

Việc bỏ phiếu bầu diễn ra bí mật nhưng việc kiểm phiếu lại diễn ra công khai. Để trở thành tân Giáo hoàng, một Hồng y cần phải đạt được ít nhất hai phần ba số phiếu bầu.
Các lá phiếu bầu sau khi đã được kiểm đều sẽ được đưa vào lò đốt. Nếu không có ai chiến thắng, một hóa chất sẽ được đưa vào lò để tạo ra khói đen. Dựa vào đó, những người đang chờ đợi ở quảng trường St. Peter biết rằng Cơ mật viện chưa tìm được Giáo hoàng mới.
Nếu một giáo hoàng đã được bầu ra, hóa chất trên sẽ không được thêm vào lò và khói trong lò vẫn giữ nguyên màu trắng, báo hiệu cho thế giới bên ngoài biết rằng Cơ mật viện đã nhất trí bầu ra được một Giáo hoàng mới.
Nếu không có người chiến thắng, cuộc bỏ phiếu bầu Giáo hoàng sẽ được tổ chức lại một lần vào ngày đó. Các đức Hồng y có thể bỏ phiếu 4 lần vào ngày thứ hai và thứ ba.
Đến cuối ngày thứ ba, nếu vẫn không tìm ra được Giáo hoàng mới, họ sẽ nghỉ một ngày để cầu nguyện, thảo luận và lắng nghe những lời nhắc nhở từ một đức Hồng y cấp cao.
Cuộc bỏ phiếu có thể tiếp diễn thêm 7 vòng nữa.

Khi một vị Hồng y được bầu chọn, ông sẽ được hỏi ý kiến xem có đồng ý trở thành Giáo hoàng hay không và muốn được gọi tên là gì. Người đứng đầu Hồng y đoàn khi đó sẽ bước ra ban công chính của Tòa thánh Vatican và tuyên bố với thế giới: "Habemus Papam!" (Chúng ta đã có Giáo hoàng mới!). Sau đó tân Giáo hoàng sẽ xuất hiện trên ban công và gửi lời chào và cầu nguyện đến các con chiên của mình.
Những ứng viên hàng đầu
Theo Al Jazeera dẫn nguồn tin từ Tòa thánh, những người được coi là người kế nhiệm tiềm năng cố Giáo hoàng Francis gồm có các Hồng y: Peter Turkson người Ghana, Luis Tagle người Philippines và Peter Erdo người Hungary.
Mật nghị Hồng y thông thường sẽ bắt đầu sau khoảng 2-3 tuần kể từ khi Giáo hoàng qua đời. Khoảng thời gian này cho phép tổ chức 9 ngày tang lễ và để các Hồng y từ khắp nơi trên thế giới đến Vatican tiễn biệt Giáo hoàng Francis.
Trong thời gian ghế Giáo hoàng bỏ trống, một Hồng y cao cấp, (được gọi là Camerlengo), sẽ tạm thời phụ trách tài chính và các vấn đề hành chính của Vatican.
Tuy nhiên, Hồng y này không có quyền thay đổi giáo lý nhà thờ hoặc đưa ra các quyết định quan trọng. Vị trí này hiện thuộc về Hồng y Kevin Farrell, người Ireland.

Các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện lòng tiếc thương Đức Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis qua đời ở tuổi 88
