Ông Trump đưa ra "lời đề nghị cuối cùng" để kết thúc xung đột Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khung hòa bình của Mỹ được cho là bao gồm việc công nhận “trên pháp lý” Crimea thuộc Nga và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra "đề nghị cuối cùng" cho Ukraine. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra "đề nghị cuối cùng" cho Ukraine. Ảnh: Reuters.

Washington đã trình bày với Kiev một đề xuất mà Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi là “lời đề nghị cuối cùng” để chấm dứt xung đột tại Ukraine, theo một báo cáo từ Axios. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã kêu gọi công chúng chỉ tin tưởng vào các nguồn tin chính thức trong các diễn biến liên quan đến đàm phán Mỹ–Nga.

Theo Axios, tài liệu dài một trang này được soạn thảo sau cuộc gặp kéo dài 4 giờ giữa đặc phái viên của Trump – ông Steve Witkoff – với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng này, và đã được chuyển tới các quan chức Ukraine tại Paris vào tuần trước. Thông tin được dẫn từ các nguồn giấu tên có hiểu biết trực tiếp về các cuộc thảo luận.

Theo thỏa thuận được đề xuất, Mỹ sẵn sàng công nhận trên pháp lý (de jure) rằng Crimea là một phần của Nga, và ngầm thừa nhận quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) của Moscow đối với các vùng Lugansk, Donetsk, cũng như khu vực Kherson và Zaporozhye.

Kế hoạch cũng bao gồm việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moscow sau năm 2014 và tăng cường hợp tác kinh tế song phương. Ngoài ra, Washington sẽ chính thức phản đối việc Ukraine gia nhập NATO.

Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được một “bảo đảm an ninh mạnh mẽ” từ liên minh các quốc gia EU và các nước có cùng quan điểm. Tuy nhiên, đề xuất không làm rõ cơ chế vận hành của lực lượng gìn giữ hòa bình này, trong khi Nga từ lâu đã phản đối mọi hình thức triển khai lực lượng NATO tại Ukraine, dù với lý do gì.

Khung thỏa thuận cũng hứa hẹn sẽ bảo đảm cho Ukraine quyền tiếp cận không bị cản trở với sông Dnepr và có thể nhận được khoản bồi thường cho nỗ lực tái thiết đất nước – tuy chưa xác định rõ nguồn tài chính. Kế hoạch còn nhắc đến một thỏa thuận khai thác khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine mà ông Trump dự kiến ký kết vào thứ Năm.

Một yếu tố khác trong đề xuất, theo Axios, là việc thiết lập vùng trung lập quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye, đặt dưới sự quản lý của Mỹ.

Washington được cho là mong đợi Kiev phản hồi đề xuất này trong một hội nghị đa quốc gia tại London trong hôm 23/4. Cả ông Witkoff và Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ không tham dự sự kiện này; thay vào đó, Tướng Keith Kellogg – một đặc phái viên khác của Trump về Ukraine – sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ. Ông Witkoff dự kiến sẽ đến Moscow cho một cuộc gặp tiếp theo với ông Putin.

Tuần trước, ông Rubio cảnh báo rằng Mỹ có thể từ bỏ sáng kiến hòa bình nếu đàm phán thất bại. Ông Trump hôm đầu tuần này nói rằng “có khả năng cao giải quyết được vấn đề” trong tuần này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần tuyên bố không nhượng bất kỳ phần lãnh thổ nào cho Nga và tiếp tục kêu gọi Mỹ cùng các đồng minh cung cấp hỗ trợ quân sự lâu dài.

Nga vẫn giữ lập trường rằng Crimea – sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014 diễn ra sau cuộc đảo chính do phương Tây hậu thuẫn ở Kiev – và bốn khu vực khác bỏ phiếu gia nhập Nga năm 2022, sẽ không bao giờ là chủ đề đàm phán.

Các quan chức Nga khẳng định mọi thỏa thuận hòa bình đều phải giải quyết “căn nguyên của xung đột”. Tổng thống Putin cũng nhấn mạnh rằng một lệnh ngừng bắn khả thi sẽ đòi hỏi phương Tây chấm dứt viện trợ vũ khí cho Ukraine.