Hồng quân Liên Xô không tham gia giải phóng Albani khỏi quân phát xít trong năm 1944. Tuy nhiên, sau chiến tranh nước này vẫn tham gia phe xã hội chủ nghĩa. Albani có thể trở thành tiền đồn quan trọng nhất của Hạm đội Liên Xô ở Địa Trung Hải, nếu như không có bất đồng về hệ tư tưởng. Là người theo chủ nghĩa Xtalin chính thống, Enver Khodzha không chỉ chỉ trích mạnh mẽ Khrusev, mà còn biết bằng con đường lừa gạt giành cho mình tài sản của Hải quân Liên Xô.
Căn cứ ở Vliora
Sự trung thành với di sản Xtalin của Enver Khodzha đến một lúc nào đó không còn cản trở sự hợp tác kỹ thuật quân sự của Albani và Liên Xô. Khodzha đã thuyết phục Liên Xô xây dựng căn cứ hải quân mà ông ta gọi là “Tuyến phòng thủ thứ nhất của Odessa và Xevastopol”.
Căn cứ được bố trí ở vũng (vịnh nhỏ) Pasha-Liman trong vịnh Vliora. Khó mà đánh giá được ý nghĩa chiến lược của căn cứ này. Từ Vliora đến bờ biển Italy, rồi Hy Lạp chỉ khoảng 85 km. Từ ngày 27/10/1958 Pasha-Liman trở thành địa điểm đóng quân chính thức của lữ đoàn tàu ngầm độc lập số 40 thuộc dự án 613. Các tàu ngầm từ Baltic đến Địa Trung Hải, nhưng vẫn thuộc sự chỉ huy của Hạm đội Hắc hải. Trong năm 1959, một trong các tàu ngầm từ “Vliora” chút suýt nữa thì gây ra chiến tranh thế giới thứ ba, khi thực hiện tấn công huấn luyện vào chiến hạm “De-Moin” của Mỹ, trên đó có mặt tổng thống Mỹ Eisenhower.
Bất hoà
Theo xác nhận của các nhà sử học, Alecxei Coriacovsev và Xergei Tashlưcov, Nikita Khrusev mong muốn chuyển một phần Hạm đội Hắc hải đến Vliora và triển khai tên lửa Liên Xô ở Albani. Song Enver Khodzha, lợi dụng việc người Nga đáp ứng nguyện vọng của ông ta, lại muốn nhiều hơn thế. Sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Albani không phải là nhỏ, nhưng Khodzha lại có ý định đặt hoàn toàn đất nước mình “lên cổ” Moscow. Mô hình kinh tế của Xtalin mà Albani làm theo lại không hiệu quả khi áp dụng với nước nhỏ. Khi bị từ chối, Khodzha sinh sự, chỉ trích mãnh liệt “chủ nghĩa xét lại Khrusev”.
Dường như đã quên rằng chính mình đã đưa lãnh thổ ra làm căn cứ, Khodzha tuyên bố rằng Albani không muốn dù chỉ một tấc đất của nó nằm “dưới gót giày của người nước ngoài”. Vụ việc không chỉ giới hạn ở những lời rỗng tuyếch, người đứng đầu Albani còn cư xử như một “gangxtơ” thứ thiệt. Theo cách diễn giải hiệp ước Liên Xô- Albani của ông ta, cần phải tách 12 tàu ngầm và một số tàu bổ trợ cho Tirana.
Tàu ngầm K-27 của Liên Xô. Ảnh: ITN |
Ở chính căn cứ Pasha-Liman, nơi các thuỷ thủ Xô Viết hàng ngày tiếp xúc với người Albani, phía Liên Xô đã vấp phải những điều dơ dáy nhạy cảm trong sinh hoạt. Chẳng hạn, tướng Andrei Andreev buộc phải tranh cãi với các đồng nghiệp Albani vì đứa trẻ nào đó đi bậy ra gần bộ tư lệnh quân quản Liên Xô. Rõ ràng những trường hợp như vậy là do những người có chức năng của Đảng lao động cầm quyền Albani xúi giục. Như đã nhận thấy trong các báo cáo của phía Liên Xô, tình hình ở căn cứ đã bị biến thành “không thể chịu nổi”, chưa nói đến khả năng chiến đấu.
Sơ tán
Mệt mỏi vì sự phá hoại ngầm của phía Albani, Liên Xô quyết định đặt hoàn toàn căn cứ Pasha-Liman dưới sự kiểm soát của mình. Từ đơn đề nghị của Liên Xô, Uỷ ban hiệp thương chính trị của Tổ chức Hiệp ước Varsava (OVD) đã thông qua nghị quyết phù hợp. Căn cứ ở Vliora trực thuộc bộ chỉ huy liên hiệp của OVD, còn các tàu ngầm hoàn toàn do các thuỷ thủ Nga quản lý. Tất nhiên, người Albani không đồng ý với đề nghị như vậy.
Cuối tháng 5/1961 tư lệnh Hạm đội Hắc hải, đô đốc Catasonov đã bất ngờ xuất hiện ở Tirana. Ông đã lên kế hoạch đưa toàn bộ 12 tàu ngầm và căn cứ nổi “Victor Cotelnicov” ra khỏi vịnh, nhưng đã gặp cản trở. 4 tàu ngầm đang được thuỷ thủ Albani bảo dưỡng, Khodzha cho đó là “của mình”. Người Albani đã chĩa đại bác vào các tàu Liên xô, thậm chí còn đe doạ rải mìn các luồng lạch. 8 tàu ngầm và căn cứ nổi may mắn vượt qua Sazan trong các điều kiện gần như chiến đấu. Theo lời Enver Khodzha, Catasonov buộc phải “chạy mất dép”. Sau vụ này Khrusev đã gọi người Albani là “lũ điên’.
“Đó là vụ cướp biển ngây ngô”, - người đứng đầu Liên Xô tuyên bố tại Praha. Không nói đến việc đó là những tàu ngầm đã lỗi thời, trong thời gian sắp tới người Albani sẽ không đủ phụ tùng, thậm chí cả trong trường hợp nếu chúng tôi để chúng lại cho họ (trích từ tạp chí “Istochnic”. Ngoài 4 tàu ngầm, Liên Xô không mang khỏi Vliora một số tàu chiến. Như vậy, người Nga thực tế đã “tặng” cho Albani nguyên một hạm đội.
Như vậy, Khrusev không quyết định dùng vũ lực với kẻ ngang ngạnh Khodzha. Mặc dù chia rẽ tư tưởng, “bạo loạn phản cách mạng” như ở Hungaria năm 1956 đã không nổ ra ở Tirana. Ngoài ra, đồng minh hùng mạnh của Khodzha – Mao Trạch Đông - có thể đứng ra bảo vệ Albani.
Cuối cùng, người Albani đã ra khỏi Tổ chức Hiệp ước Varsava, hoàn toàn định hướng lại trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc cộng sản chủ nghĩa (nước đã giúp bảo dưỡng tàu ngầm). Tháng 12/1961, Albani cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô.
Số phận các tàu ngầm
Ngày nay căn cứ Pasha- Liman được các thuỷ thủ NATO sử dụng. Lúc đầu quyền sử dụng nó thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ - năm 1992 đã giúp Albani sửa chữa lại căn cứ. Nhưng đến năm 2009 Albani gia nhập NATO. Xưởng đóng tàu ở Vliora còn hoạt động đến ngày nay. Các tàu tuần dương Damen-Stan đã được đóng tại đây.
4 chiếc tàu ngầm “đánh cắp được” của Liên Xô vẫn nằm ở căn cứ Pasha-Liman như trước đây, bên cạnh các con tàu của hạm đội Albani. Các bức ảnh vệ tinh xác nhận sự có mặt của chúng. Như một nguyên tắc, trong thời gian diễn tập các tàu ngầm không đi xa khỏi căn cứ, chỉ hoạt động trong vịnh Vliora.
(Theo Russian7)