Cho đến tận bây giờ nguyên nhân xảy ra tai nạn vẫn đang là đề tài tranh cãi của các chuyên gia.
“Ruslan” – kỷ lục gia
Nếu tin vào các tác giả cuốn từ điển bách khoa “Kỹ thuật ở quanh ta”, Ruslan được chế tạo năm 1984 để chuyên chở những hàng hoá nặng và kích thước lớn và nó đạt tốc độ tối đa 850 km/giờ. Bốn động cơ mạch vòng tuabin phản lực đảm bảo tốc độ này cho máy bay. Ngoài ra, để thuận tiện cho việc xếp, dỡ những hàng hoá khác nhau (như ô tô hoặc máy bay) các càng của Ruslan được trang bị hệ thống “ngồi xổm” đặc biệt. Theo ý kiến của các chuyên gia, AN-124 có một không hai khi đó đã vượt thời đại của mình.
Bởi thế, chẳng ngạc nhiên khi trong 3 năm đầu sử dụng Ruslan đã thiết lập 22 kỷ lục thế giới và nhiều lần lọt vào sách kỷ lục thế giới Guinness. Theo cuốn “Sách của người yêu nước”, chính trên chiếc máy bay này năm 1990, phi công Lev Cozlov đã thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới nổi tiếng của mình. Sách Guinness cũng ghi nhận việc chuyên chở chiếc máy phát điện của hãng Simens với trọng lượng 135,2 tấn từ Diusseldorf của Đức đến thành phố Deli của Ấn Độ do Ruslan thực hiện.
Rơi ngay sau khi cất cánh
Chính vì vậy việc vận chuyển hai chiếc tiêm kích Su-27 của Nga với tổng trọng lượng gần 40 tấn từ liên hiệp sản xuất Irkutxc đến Việt Nam được quyết định giao cho chính Ruslan. Hơn nữa, chỉ huy phi hành đoàn là phi công giàu kinh nghiệm - Trung tá Vladimir Phedorov. Trên khoang máy bay có toàn bộ 23 người: 8 thành viên phi hành đoàn và 15 hành khách. Ngày 6/12/1997, các máy bay tiêm kích được đưa lên khoang máy bay Ruslan tại nhà máy hàng không. Máy bay sẽ cất cánh tại sân bay của doanh nghiệp, sân bay hoàn toàn đáp ứng mọi đòi hỏi cần thiết. Điều kiện thời tiết cũng thuận lợi.
Tuy nhiên, theo Igor Procopenco (tác giả cuốn “Bí mật của kinh thánh”, chỉ 20 giây sau khi cất cánh Ruslan đã đổ sụp xuống khu dân cư của Irkutxc. Hậu quả của sự cố này là 1 toà nhà 4 tầng sụp đổ hoàn toàn, 2 ngôi nhà khác, trường học nội trú, cũng như toà nhà của trường trung học bị hư hỏng từng phần. Theo các số liệu mà Procopenco đưa ra, tai nạn đã lấy đi sinh mạng của 76 người, trong đó có các học sinh trường nội trú. Một uỷ ban đặc biệt được thành lập ngay để điều tra nguyên nhân rơi máy bay.
Quang cảnh vụ rơi máy bay |
Nguyên nhân tai nạn
Như Nicolai Iacubovich viết trong cuốn "AN-124 siêu khổng lồ” và AN-225 Mryia, sau khi cất cánh trong khoảng 8 giây lần lượt 3 động cơ của Ruslan xảy ra chuyện. Theo lời ông, những trường hợp tương tự rất hiếm khi xảy ra trong ngành hàng không. Theo giả thuyết của nhà nghiên cứu động cơ, nhiên liệu không chất lượng có quá nhiều nước trong thành phần của mình có thể gây ra “phản ứng” như thế. Nước này ở nhiệt độ âm sẽ bị đông lại. Băng được tạo thành sẽ bít dòng nhiên liệu đi qua bộ lọc. Theo xác nhận của công trình sư F.M Muravchenco, ông và các đồng nghiệp của mình, bằng cách thử nghiệm, đã chứng minh tính xác đáng của giả thuyết này, nhưng không được lắng nghe..
Khiếm khuyết kỹ thuật được cho là nguyên nhân chủ yếu của tai nạn xảy ra ở Irkutxc. V.M Scliarenco và các tác giả khác của ấn phẩm “100 tai nạn nổi tiếng” cho biết uỷ ban điều tra đi đến kết luận rằng: do chênh lệch nhiệt độ từ bộ tản nhiệt không khí khiến một bộ phận nhỏ xíu đã rời ra. Bộ phận này đã làm nổ máy bộ khởi động của động cơ. Nói cách khác, các thành viên uỷ ban tuyên bố các chuyên gia làm việc với động cơ là người có lỗi.
Dù đúng hay sai, các chuyên viên còn tranh cãi đến tận bây giờ. Chỉ có chi tiết các phi công không màng đến sự hy sinh tính mạng của chính bản thân mình để cố đưa máy bay ra xa khu dân cư của thành phố là không hề gây nên sự nghi ngờ nào.
Theo Russian7.ru