Kỳ 1: Thủ Thiêm - Một tương lai của hai thế hệ bị bỏ lỡ
Kỳ 2: Vì đâu nên nỗi đoạn trường Thủ Thiêm?
|
Những đứa trẻ của Thủ Thiêm hôm nay vẫn tự hỏi tới bao giờ chúng hết cảnh phải sống đời tạm cư ngay trên chính mảnh đất quê hương mình?. Ảnh: GVT.
|
Những người bị quên lãng ở Thủ Thiêm
Mùng Một tết Kỷ Hợi, 5h sáng, ông Đặng Quốc Dũng (SN 1957) giật mình tỉnh dậy khi giây phút đón Giao thừa vừa qua được mấy tiếng đồng hồ, bởi tiếng chuông điện thoại réo rắt. Hung tin báo về: Con trai lớn của ông, sinh năm 1987, vừa ra đi vĩnh viễn vì căn bệnh ung thư gan lẫn viêm phổi mãn tính.
Suốt cả ngày mùng Một, ông loay hoay chạy khắp các chùa ở TP.HCM để tìm nơi nhờ quàn xác con trai mình. Rốt cuộc, chùa Vĩnh Nghiêm (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3) đồng ý tiếp nhận, để người cha an lòng có nơi cho con mình lưu lại lần cuối ở đất Sài Gòn, trước khi đưa về nằm lại ở quê nhà Bến Tre vào ngày mùng 3 Tết.
Bóng đêm ập xuống đè lên căn nhà cấp 4 dột nát nằm ngay giữa bãi hoang toàn lau lách um tùm ở khu phố 1 phường Bình Khánh (Quận 2), đỏ quành quạch ánh đèn điện hiu hắt, người cha mệt mỏi trở về, đôi mắt thẫn thờ nhìn vào vô định.
|
Ông Đặng Quốc Dũng đang tạm cư ngay chính trên căn nhà của chính mình. Ngày Tết Kỷ Hợi năm nay đối với ông, cũng chỉ như nhiều năm trước. Ảnh: GVT.
|
Căn nhà cấp bốn của ông Dũng là một trong 2 căn nhà còn sót lại ở ngay giữa khu phố 1 phường Bình Khánh, xung quanh vây bọc tứ bề là lau sậy, cỏ dại um tùm. Căn nhà nát bươm vì đã quá lâu không thể cải sửa. Vật dụng trong nhà cho thấy cuộc sống bám trụ tạm bợ của vợ chồng ông và đứa con gái đã kéo đài quá lâu.
Chỉ tay vào chiếc phản mà ông thường xuyên nằm tạm qua đêm, ông Dũng kể rằng mùa mưa, nước ngập lên mấp mé mặt phản. Từ đường Trần Não muốn vào tới nhà ông thì phải lội vì có hôm nước ngập quá rốn người đi.
Đường điện có vào tới nhà, nhưng chỉ lập lòe, đỏ cành cạch, hiu hắt như giữa chốn đồng không mông quạnh, dù cách đó chỉ hơn trăm mét, là đường Trần Não nườm nượp xe cộ qua lại cả ngày lẫn đêm.
Căn nhà của ông Dũng và vợ ông, bà Nguyễn Thị Liên (SN 1968), có diện tích 53,34 m2, gồm 35,10m2 nhà ở và 18,24m2 diện tích sân, được Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm áp bảng chiết tính giá đề bù năm 2010 là hơn 42 triệu đồng, tới năm 2012 nâng lên 49,5 triệu đồng.
|
Sáng sớm mùng Một tết Kỷ Hợi, con trai ông Dũng mất. Căn nhà không đủ chỗ để quàn quan tài con, ông phải lặn lội khắp các chùa để nhờ vả một nơi chốn gửi gắm xác con trai mình trước khi đưa về quê chôn cất. Ảnh: GVT.
|
Ông Dũng lắc đầu ngán ngẩm nói rằng với số tiền đó, ông không mua nổi một mảnh đất để chôn chính mình, chứ đừng nói rằng cả gia đình sẽ sống như thế nào nếu nhận tiền đền bù để di dời kèm “ưu đãi” được mua 1 căn hộ chung cư theo giá bảo toàn vốn hoặc cho thuê căn hộ theo giá bảo toàn vốn (khấu hao 30 năm) như gợi ý của phía chính quyền quận 2.
Năm 14 tuổi, ông Dũng thoát ly gia đình theo cách mạng. Ba ông vốn là tỉnh đội phó tỉnh Bến Tre. Gia đình bên vợ quê gốc Bình Định, bố mẹ đều là liệt sỹ. Lật giở trong ví ra tấm thẻ của Ban liên lạc truyền thống Cục cảnh vệ phía Nam (số thẻ 0536), ông Dũng không giấu diếm kể rằng bản thân từng là cận vệ của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, từng ra Hà Nội đảm nhiệm nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân suốt 5 năm trời.
“Hoàn cảnh gia đình bây giờ khiến tôi cũng không khỏi tủi thân cho chính mình. Bạn bè giờ toàn trung tá, thượng tá, còn tôi chính cái nhà của mình cũng phải sống tạm bợ mấy chục năm nay.
Đến nay con trai mất, đến cái chỗ quàn quan tài cho con cũng phải đi nhờ nhà chùa giúp đỡ”, gương mặt người đàn ông từng khoác trên vai quân hàm của cơ quan hành pháp đột nhiên đanh lại đầy chịu đựng.
|
Một góc căn nhà đã xập xệ của ông Đặng Quốc Dũng, đêm mùng Một tết Kỷ Hợi. Ảnh: GVT.
|
Rời ngành từ năm 1991, ông Dũng về làm lái xe. Khi sức khỏe không còn đảm bảo, ông xin đi làm bảo vệ cho công ty tư nhân, mỗi tháng nhận 5 triệu tiền lương cho 12 tiếng/ ca trực mỗi ngày.
Quyết tâm bám trụ lại trên chính căn nhà mua bán bằng giấy tay từ năm 1993 tại khu phố 1 phường Bình Khánh, ông Dũng nói rằng đã nhiều năm nay vợ chồng ông chịu khổ chui ra chui vào giữa căn nhà dột nát này, bởi bằng không chỉ có nước ra đường là thành vô gia cư với mức giá đền bù bèo bọt đó.
…. Phía bên kia bờ sông Cát Lái, qua phà Cát Lái không quá xa, tại một căn nhà nhỏ nằm ven đường ở ấp Thị Cầu, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, lại là một dãy nhiều ngôi nhà không số nằm sát ven đường.
Họ đều là những người dân bị giải tỏa, phải di dời để phục vụ việc xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Số phận những người lưu lạc từ Thủ Thiêm qua tới Đồng Nai còn cơ cực hơn nữa.
|
Bà Trần Thị Lê năm nay đã 85 tuổi, vẫn đang lưu lạc tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
|
Năm nay đã 85 tuổi, cụ bà Trần Thị Lê vốn quê gốc Hưng Yên, vào Nam lập nghiệp khi còn rất trẻ. Căn chòi của cụ Lê, như cách cụ mô tả vậy, vốn ở khu phố 3 phường An Khánh. Khi bị giải tỏa, con cụ đã nhận số tiền mà cụ không biết được bao nhiêu, trở về quê ở Bến Tre, còn cụ theo chân những người dân Thủ Thiêm lưu lạc sang đất Nhơn Trạch.
Tuổi cao, sức yếu, trí nhớ mờ đục của cụ Lê cũng không còn nhớ được cái chòi của cụ vốn nằm ở vị trí nào. Cuộc sống của cụ từ ngày lưu lạc qua bên kia sông Cát Lái chỉ còn trông ngóng vào đứa cháu cũng chỉ biết hành nghề chạy xe ôm.
“Hồi ở bên Sài Gòn, đi làm mướn, nhặt ve chai bán còn có chút tiền mua ổ bánh mỳ, dĩa cơm. Còn sang bên này, từ bấy giờ đến nay rác cũng không có mà nhặt.
Bà chỉ mong có được chút tiền để về quê, có chết cũng còn có nơi nằm, mà không biết có đợi được đến ngày đó không nữa”, cụ Lê thắc thỏm tự hỏi về số phận đã xế bóng của mình sắp tới.
|
Hai bên bờ sông Sài Gòn là những số phận người khác nhau. Ảnh: Mai Kỳ.
|
27 Tết, khi mai vàng đã rực trên phố xá, thì những phận người Thủ Thiêm lưu lạc như vậy vẫn đang mải miết giật gấu vá vai, sấp ngửa lo bữa cơm mỗi ngày, không biết ngoài kia Tết Nguyên đán đã cận kề bậu cửa.
Ai đã phá vỡ quy hoạch Thủ Thiêm?
Căn cứ từ thông báo số 36-TB/TW (ngày 23/11/1992) của Bộ Chính trị về việc Quy hoạch tổng thể xây dựng TP.HCM, ngày 16/1/1993, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải ký quyết định số 20-TTg về việc “Phê duyệt phương hướng chủ yếu trong đề án quy hoạch tổng thể xây dựng TP.HCM đến năm 2010” khẳng định:
“TP.HCM là trung tâm kinh tế, trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của nước ta. TP.HCM có vị trí chính trị quan trọng sau Thủ đô Hà Nội”.
Riêng hướng phát triển trung tâm thành phố qua Thủ Thiêm “cần được cân nhắc cụ thể về điều kiện đất đai, hạ tầng kỹ thuật, môi trường”.
|
Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong giai đoạn xây dựng nhiều năm trước. Ảnh: Mai Kỳ.
|
Tới ngày 27/5/1996, UBND TP.HCM có tờ trình số 1861/TT-UB-QLĐT “Về việc xin quy hoạch xây dựng (1/5000) khu đô thị mới Thủ Thiêm” do Phó Chủ tịch Võ Viết Thanh ký gửi Thủ tướng Chính phủ để “phát triển và xây dựng một khu đô thị mới hiện đại là trung tâm giao dịch thương mại, tài chính và dịch vụ”.
Theo tờ trình này, diện tích của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (theo phạm vi lập quy hoạch) có quy mô khoảng 770 ha (trong đó diện tích mặt nước kênh rạch và sông Sài Gòn chiếm diện tích 133 ha, tương đương 17,4%).
Khu chuyển dân tái định cư (giáp ranh phạm vi lập quy hoạch) có diện tích khoảng 160 ha, dân số khoảng 45.000 người.
Căn cứ từ tờ trình 1861, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký quyết định 367/ TTg (ngày 4/6/1996) đồng ý với đề xuất của UBND TP.HCM về việc xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm với tổng diện tích 930 ha (gồm 770 ha khu đô thị mới và 160 ha khu tái định cư), nhằm hình thành “một khu đô thị mới hiện đại, là trung tâm thương mại, tài chính và dịch vụ”.
|
Những con đường hướng tới tương lai của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Mai Kỳ, chụp 2015.
|
Tới ngày 10/7/1998, Thủ tướng Phan Văn Khải tiếp tục ký quyết định số 123 “Về việc điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2020” trong đó khẳng định “Trung tâm thành phố được mở rộng qua Thủ Thiêm nhằm khai thác các lợi thế về vị trí địa ý, điều kiện tự nhiên, đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường”.
Tại Nghị quyết số 18 (ngày 8/8/1998) của Thành ủy TP.HCM do Bí thư Trương Tấn Sang ký tiếp tục khẳng định chủ trương “Quy hoạch xây dựng phải nhằm đảm bảo cho sự phát triển thành phố ổn định và bền vững; thu hồi đất để xây dựng các dự án phải đi liền với việc tái bố trí dân cư, giải quyết việc làm, chăm lo phúc lợi xã hội, phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng dân cư”.
Nghị quyết số 18 cũng yêu cầu “Chính sách đề bù phải đảm bảo tái tạo lại được nơi ở mới, cuộc sống mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ cho những người có nhà ở, đất ở hợp pháp, hợp lệ, đang sinh sống ổn định (…) đảm bảo được lợi ích hài hòa giữa người dân bị thu hồi đất, nhà đầu tư và nhà nước”.
|
Khu đô thị mới Thủ Thiêm từng được kỳ vọng là trung tâm tài chính phố Đông của TP.HCM. Ảnh: Mai Kỳ, chụp năm 2015.
|
Tới ngày 16/9/1998, tại Quyết định số 13585 của Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì tổng diện tích khu vực quy hoạch chỉ còn là 784 ha (gồm 618 ha đất và 130 ha mặt nước sông Sài Gòn).
Sau khi đã có quy hoạch chi tiết của Kiến trúc sư trưởng thành phố, tới ngày 4/1/2002, UBND TP.HCM có công văn số 70/ UB-TH về việc “thu hồi đất và đền bù, giải tỏa, tái định cư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm” do Chủ tịch UBND TP là ông Lê Thanh Hải ký đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định “thu hồi toàn bộ diện tích đất của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (…) là 930 ha; trong đó khu đô thị mới 770 ha đất và khu tái định cư 160 ha đất”.
Công văn này cũng đề nghị sau khi thu hồi đủ 930 ha đất thì Thủ tướng Chính phủ “giao cho UBND thành phố quản lý và để có cơ sở pháp lý tiến hành đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng theo quy hoạch”.
Lý do mà công văn 70 đưa ra đề nghị thu hồi đủ 930 ha đất nói trên được giải thích: “Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có nhiều tổ chức và cá nhân đã trực tiếp hoặc môi giới thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp mặt bằng, xây dựng, mua bán, chuyển nhượng nhà, đất bất hợp pháp.
Những hành vi vi phạm pháp luật này ngày càng diễn biến phức tạp (…) đã làm thiệt hại những lợi ích hợp pháp của nhân dân sinh sống lâu đời trên địa bàn (…) thậm chí phát sinh những tệ nạn xã hội (…) làm phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt (…) dẫn đến gây mất ổn định về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn”.
|
Hai bờ sông Sài Sòn, Q.2 và Q.1, năm 2015. Ảnh: Mai Kỳ.
|
Xuất phát từ đề nghị đó của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải, ngày 22/2/2002, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký công văn số 190/CP-NN:
“Cho phép UBND TP.HCM căn cứ vào Quyết định số 367/TTg ngày 4 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ, thu hồi 930 ha đất (bao gồm 770 ha để xây dựng khu đô thị mới và 160 ha để xây dựng khu tái định cư) thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm thuộc địa bàn quận 2;
Để giao cho Ban quản lý Đầu tư - Xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm sớm tổ chức việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư và quản lý chặt chẽ khu đất trên chống lấn chiếm, mua bán trái pháp luật đang diễn ra tại đây; tiến hành thu hút đầu tư nhằm xây dựng Khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.
|
Cuộc sống của những người dân Thủ Thiêm tại khu tạm cư An Lợi Đông bây giờ. Họ đã sống vậy 10 năm nay. Ảnh: GVT.
|
Đáng chú ý, Quyết định 367/TTg do Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký căn cứ trên tờ trình số 1861 đã đề cập ở trên, trong đó thể hiện rõ Khu đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích khoảng 770 ha trừ đi 133 ha mặt nước sông Sài Gòn và kênh rạch.
Diện tích 160 ha khu chuyển dân tái định cư sẽ “bố trí phía Đông, giáp ranh phạm vi lập quy hoạch” khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bên cạnh đó, tại Nghị định 03/CP (ngày 6/1/1997) “Về việc thành lập quận Thủ Đức, quận 2, quận 7, quận 9, quận 12 và thành lập các phường thuộc các quận mới – TP.HCM” thì tổng diện tích của các phường An Khánh (169 ha), Bình Khánh (226 ha), Bình An (169 ha), Thủ Thiêm (135 ha), An Lợi Đông (385 ha) cộng lại đã là 1.084 ha.
Tuy nhiên, phần lớn những người dân Khu đô thị mới Thủ Thiêm đang được “tái định cư” ở những nơi đang cách xa nơi từng được mơ ước là Phố Đông Thượng Hải của Sài Gòn cả chục cây số./.
(còn tiếp)