Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã CK: TCB) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (AGM 2023).
Phát biểu tại đại hội, ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank - cho biết, việc Moody's hạ bậc tín nhiệm của Techcombank không có nghĩa ngân hàng 'kém đi', đồng thời khẳng định ban lãnh đạo ngân hàng không thấy bất kỳ vấn đề nào về rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn của Techcombank.
"Moody’s nhận thấy thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu tiêu cực, trong khi Techcombank là đơn vị cho vay bất động sản cao. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến đơn vị này hạ bậc tín nhiệm đối với Techcombank", ông Jens Lottner nói.
|
Ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank |
Tiền vẫn ở lại Techcombank sau vụ SCB!
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh 2022, CEO Jens Lottner cho biết các tác động của kinh tế toàn cầu và trong nước đã tác động đáng kể tới hoạt động kinh doanh của Techcombank.
Theo đó, các ngân hàng trung ương đã phải tiến hành tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Khi mặt bằng lãi suất tăng lên, ngành ngân hàng thế giới đã chứng kiến một số cuộc khủng hoảng, như cú sập của SVB tại Mỹ, Credit Suisse ở Thụy Sĩ.
Tại Việt Nam, các sự kiện trên thị trường bất động sản và trái phiếu trong nửa sau năm 2022 đã gây ra một số quan ngại cho các nhà đầu tư. Ngoài ra, sự cố ở ngân hàng SCB cũng gây ra khó khăn về thanh khoản, mặc dù sau đó Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp để kiểm soát, giúp thanh khoản thị trường cải thiện.
Theo ông Jens Lottner, Techcombank là một ngân hàng có hoạt động mạnh ở mảng trái phiếu doanh nghiệp do đó không tránh khỏi những tác động của thị trường khi trái phiếu sụt giảm. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng cũng bị ảnh hưởng.
Ông Jens Lottner lý giải, Techcombank là ngân hàng có thị phần đối với phân khúc khách hàng giàu có cao hơn các ngân hàng nội địa. Do đó, khi thị trường bất động sản, trái phiếu biến động, khách hàng giàu có – vốn có nhiều kênh đầu tư, đã chuyển sang tiền gửi có kỳ hạn vì họ có cảm giác an toàn hơn.
Bên cạnh đó, khi tăng trưởng tín dụng bị hạn chế, khách hàng cũng tìm cách tiếp cận nguồn vốn khác, khiến cho nguồn CASA không còn dồi dào như trước. “Dù vậy, tiền vẫn ở trong Techcombank, chỉ là dịch chuyển từ tiền gửi không kỳ hạn sang có kỳ hạn”, CEO Techcombank khẳng định.
Vị CEO Techcombank cho rằng ngân hàng đã có lối đi riêng để ứng phó tốt nhất với diễn biến thị trường.
|
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank |
Không chia cổ tức
Theo ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank, chuyện 10 năm không chia cổ tức đã được thảo luận tại AGM 2022. “Hình như năm nay sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức. Tôi chưa thể nói trước điều gì nhưng TCB cũng đang xem xét các phương án”, ông Hùng Anh nói.
Vị Chủ tịch Techcombank cho biết, ngân hàng đã trích lập vào quỹ bổ sung vốn điều lệ, chuẩn bị cho việc chia cổ tức trong thời gian tới và việc chia cổ tức tiền mặt cũng là một trong những nhu cầu của cổ đông.
“Tôi quan tâm nhiều hơn tới giá trị của tổ chức. Tôi tin rằng giá trị của Techcombank có thể tăng gấp 5 gấp 10 bây giờ. Đầu tư ngắn hạn để trading không phải sở trường của tôi”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.
Được biết, Techcombank không có kế hoạch chia cổ tức năm 2022, lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế dùng để trích lập các quỹ năm 2022 của ngân hàng là gần 17.907 tỉ đồng. Lợi nhuận chưa sử dụng các năm trước tính đến ngày 1/1/2022 là hơn 40.136 tỉ đồng.
Techcombank dự kiến trích 32.676 tỉ đồng cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Việc trích quỹ này nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của đại hội đồng cổ đông vào thời điểm thích hợp.
Theo ghi nhận của VietTimes, bên cạnh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Hồ Hùng Anh, đại hội còn có sự góp mặt của ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank, Chủ tịch HĐQT Masan, ông Nguyễn Cảnh Sơn - Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank, nhà sáng lập Eurowindow Holding.
Họ đều là những cựu du học sinh trở về từ Đông Âu. Trong đó, ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang là những tỉ phú USD của Việt Nam, theo Forbes.
Dù không được xếp hạng, nhà sáng lập Eurowindow Holding Nguyễn Cảnh Sơn được tin rằng cũng sở hữu cơ ngơi đáng nể, có quy mô lên tới hàng tỉ USD.
|
Ông Nguyễn Cảnh Sơn - Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank |
Rót 10.200 tỉ đồng tăng vốn cho TCBS
Một trong những nội dung đáng chú ý trong chương trình nghị sự AGM 2023 của Techcombank là kế hoạch mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).
Theo đó, HĐQT Techcombank sẽ trình cổ đông phương án rót hơn 10.241 tỉ đồng để mua vào 105 triệu cổ phần phát hành riêng lẻ của TCBS với giá mỗi cổ phần là 97.542 đồng.
Sau khi góp vốn, vốn điều lệ của TCBS sẽ tăng từ 1.126,1 tỉ đồng lên 2.176,1 tỉ đồng. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu của Techcombank tại công ty chứng khoán này sẽ tăng từ 88,8% lên 94,2% vốn điều lệ, tương đương gần 205 triệu cổ phần nắm giữ.
Ban lãnh đạo Techcombank cho biết, TCBS đã hoạt động hiệu quả trong 5 năm qua với tỷ lệ sinh lời luôn được giữ ở mức cao. Tuy nhiên, khả năng phát triển mở rộng kinh doanh của công ty bị giới hạn bởi vốn chủ sở hữu.
Việc góp thêm vốn cho TCBS sẽ đảm bảo tính chủ động và hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của TCBS, cũng như hiệu quả đầu tư của Techcombank trong việc mang lại giá trị tối ưu cho ngân hàng và các cổ đông.
Cùng với kế hoạch tăng vốn cho TCBS, Techcombank còn muốn tăng vốn điều lệ lên 35.225,1 tỉ đồng thông qua phát hành 5,27 triệu cổ phiếu ESOP (tỷ lệ phát hành 0,1499%).
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Techcombank dự kiến trích 32.675,8 tỉ đồng vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và 1.790,6 tỉ đồng trích quỹ dự phòng tài chính.
Toàn bộ 23.538,9 tỉ đồng lợi nhuận còn lại có thể phân phối sẽ được dùng để bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng, không chia cổ tức năm 2022.
Về kế hoạch kinh doanh, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 22.000 tỉ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng riêng ngân hàng mẹ đạt 511.297 tỉ đồng, tăng trưởng 15%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%./.
VietTimes sẽ tường thuật phiên AGM 2023 của Techcombank. Ấn F5 để cập nhật!
9h00: Ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank, Chủ tịch HĐQT Masan - đã có mặt tại đại hội.
|
|
Ông Jens Lottner - Tổng giám đốc Techcombank |
|
Ông Nguyễn Nhân Nghĩa - Thành viên HĐQT độc lập |
|
|
Bên ngoài hội trường, nhiều cổ đông đang thực hiện thủ tục 'check - in' |
9h15: Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023) của Techcombank chính thức bắt đầu.
Theo ban tổ chức, AGM 2023 của Techcombank có sự tham gia của cổ đông và người đại diện theo ủy quyền đại diện cho 2,65 tỉ cổ phần, chiếm 75,48% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
|
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank - làm chủ tọa đại hội |
CEO Jens Lottner thuyết trình trước đại hội về kết quả kinh doanh năm 2022 của Techcombank.
|
|
|
|
|
Năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Techcombank đạt 25.568 tỉ đồng, tăng 10% so với năm 2021.
Tại ngày 31/12/2022, quy mô tổng tài sản của Techcombank đạt 699.033 tỉ đồng, tăng 22,9% so với đầu năm. Trong đó, tổng huy động từ khách hàng (bao gồm chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân) đạt 374.630 tỉ đồng, tăng 12,8%; dư nợ tín dụng đạt 444.606 tỉ đồng, tăng trưởng 14,5%.
Nhiều lãnh đạo chủ chốt của Techcombank có mặt tại đại hội, chăm chú lắng nghe phần trình bày của các đại diện ban điều hành ngân hàng.
|
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank |
|
Ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank |
|
Ông Nguyễn Cảnh Sơn - Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank. Ông Sơn còn được biết tới là nhà sáng lập Eurowindow Holding. |
Đại hội tiến hành thảo luận
|
|
Cổ đông: Việc mua cổ phần chào bán riêng lẻ của TCBS có hợp lệ không? Lợi tức kỳ vọng của thương vụ này là gì? Liệu TCBS có duy trì được lợi nhuận như thời kỳ Covid (2021)? Giá trị thương vụ có hợp lý không?
Ông Hồ Hùng Anh: Tôi khẳng định thương vụ này được thực hiện theo quy định của pháp luật, Ủy ban chứng khoán và giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Hoạt động của công ty chứng khoán (TCBS) sẽ có những biến động trong nửa cuối năm 2023, song, chúng tôi tin rằng thị trường sẽ hồi phục trở lại. TCBS là đơn vị dẫn đầu trong tư vấn phát hành trái phiếu, việc tập trung vào thế mạnh là phù hợp.
Về thị trường cổ phiếu, TCBS cũng có những bước tiến trong năm 2022, nhưng lợi thế lớn nhất của công ty vẫn là vốn.
Cổ đông: Các khoản đầu tư trái phiếu của Techcombank hiện ra sao?
Ông Hồ Hùng Anh: Đối với lĩnh vực bất động sản, Techcombank tập trung vào những khách hàng tốt, những khách hàng mà ngân hàng hiểu rõ. Trong 3-4 năm qua, Techcombank cũng đẩy mạnh sang lĩnh vực khác, từ kinh tế đến bán lẻ và khách hàng SME.
Đối với cho vay tiêu dùng, Techcombank triển khai trên nền tảng số hóa và ngân hàng đã đầu tư rất nhiều vào các nền tảng công nghệ. Đây là cơ sở để Techcombank đa dạng hóa khách hàng.
Techcombank cho vay trong bất động sản cao. Tuy nhiên, phần nhiều nằm ở cho vay cá nhân có nhu cầu mua nhà. Các dự án Techcombank cho vay rất tốt, pháp lý đầy đủ, vẫn được triển khai trong giai đoạn khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu hiện tại của Techcombank rất tốt.
Masterise không phải là chủ đầu tư bất động sản, mà chỉ là đơn vị phát triển (Developer), bắt tay với các chủ đầu tư để triển khai dự án và thu phí. Việc ngân hàng cấp tín dụng để Masterise tài trợ các dự án đầu tư là không có. Các dự án mà Masterise phát triển vẫn hoạt động tốt.
Trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực nào cũng có khó khăn, không chỉ riêng tín dụng bất động sản.
Đối với trái phiếu do Techcombank quản lý, đơn vị phát hành đều có sức khỏe, khả năng trả nợ tốt. Mặc dù lượng trái phiếu Techcombank tư vấn phát hành rất lớn, song chưa có bất kỳ trái phiếu nào quá hạn lãi và gốc.
Cổ đông: Việc hạ bậc tín nhiệm của Moody’s đối với Techcombank có phải do cho vay bất động sản?
Ông Jens Lottner: Moody’s là đơn vị đánh giá độc lập. Việc hạ bậc tín nhiệm của Techcombank không có nghĩa ngân hàng kém đi. Chúng tôi không thấy bất kỳ vấn đề nào về rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn của Techcombank.
Moody’s nhận thấy thị trường bất động sản Việt Nam có dấu hiệu tiêu cực, trong khi Techcombank là đơn vị cho vay bất động sản cao. Đây có thể là nguyên nhân chính khiến đơn vị này hạ bậc tín nhiệm đối với Techcombank.
Cổ đông: Kết quả kinh doanh quý 1/2023 của ngân hàng ra sao?
Ông Hồ Hùng Anh: Mặc dù kế hoạch năm 2023 ban lãnh đạo đưa ra rất thận trọng, song kết quả kinh doanh quý 1 hiện đã vượt so với kế hoạch.
|
Cổ đông: Techcombank dự kiến bao giờ có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt? Vốn hóa Techcombank đã giảm sâu, giá cổ phiếu liệu đã hấp dẫn chưa, tại sao không mua cổ phiếu quỹ?
Ông Hồ Hùng Anh: Techcombank sau IPO đã chia cổ tức bằng cổ phiếu 3 lần. Chia cổ tức bằng tiền mặt phụ thuộc vào chỉ số an toàn vốn, mức độ đầu tư vào phát triển ngân hàng. Giá trị tương lai của Techcombank sẽ gấp 5-10 lần hiện tại.
Techcombank có kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ, tuy nhiên khi làm việc với Bộ Tài chính và NHNN, những thông tư hướng dẫn của cơ quan quản lý chưa có.
Để đảm bảo cho việc kế hoạch đưa ra được thực thi, ban lãnh đạo chưa đưa vấn đề này ra xem xét tại đại hội năm nay. HĐQT Techcombank luôn mong muốn mang lại quyền lợi lớn nhất cho cổ đông như chia cổ tức chúng tôi sẽ xem xét triển khai, song cần có thời gian.
Trước thời điểm bỏ phiếu, theo ban tổ chức, đã có 173 cổ đông tham dự đại hội, đại diện cho 2,676 tỉ cổ phần, chiếm 76,08% cổ phần có quyền biểu quyết.
|
|
|
11h30: AGM 2023 của Techcombank đã thông qua tất cả các tờ trình. Đại hội bế mạc.
|
|
Ảnh: Văn Lâm