AGM 2023 của VPBank: Tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém, tự tin mục tiêu lợi nhuận tỉ USD

VietTimes – Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng cho biết ngân hàng định hướng chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liên tiếp (2022 – 2026). Bên cạnh đó, VPBank đã nhận được 10% tiền đặt cọc liên quan đến thương vụ bán vốn cho SMBC.
Toàn cảnh AGM 2023 của VPBank (Ảnh: Văn Lâm)

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã CK: VPB) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 (AGM 2023). Đại hội có sự tham gia của 370 đại biểu, đại diện cho 76,52% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo ghi nhận của PV VietTimes, 2 vị đại diện của Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) đã có mặt tại AGM 2023 của VPBank từ khá sớm. Sự hiện diện của họ cho thấy mối quan hệ nồng ấm giữa VPBank và nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản.

Tại đại hội, cổ đông cũng đón tin vui từ Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng: Liên quan tới thương vụ bán vốn cho SMBC (thành viên của SMFG), VPBank đã nhận hơn 10% tiền đặt cọc, tương đương 3.590 tỉ đồng, từ phía đối tác Nhật Bản.

"Dự kiến tháng 7-8 sẽ hoàn tất thương vụ, đối tác sẽ chuyển nốt số tiền còn lại để VPBank thực hiện tăng vốn", ông Dũng nói.

Đại diện của SMFG có mặt tại AGM 2023 của VPBank từ khá sớm, trong đó có các ông Yusuke Shukuzawa và Tomohiko Tani. Họ đều là Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Phát triển kinh doanh (Senior Vice President Business Development Dept) của SMFG

AGM 2023 của VPBank đã thông qua phương án phát hành 1,19 tỉ cổ phiếu (tương đương 15,005% vốn điều lệ) cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - thành viên của Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG).

Với mức giá chào bán dự kiến ở mức 30.159 đồng/cp, thương vụ có thể giúp VPBank thu về 35.904 tỉ đồng.

Báo lãi 4.000 tỉ đồng trong quý 1/2023

Đại hội cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ở mức 24.003 tỉ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2022. Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng này tương đương 53%.

Đồng thời, nhà băng này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản dự kiến tăng 39% trong năm 2023, đạt mức 877.460 tỉ đồng. Trong đó, tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá dự kiến đạt 518.192 tỉ đồng (tăng 41%); dư nợ cấp tín dụng dự kiến đạt 635.972 tỉ đồng (tăng 33%).

Ông Nguyễn Đức Vinh - CEO VPBank - cho biết, trong quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank đạt hơn 4.000 tỉ đồng.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, ban lãnh đạo VPBank đề xuất chia cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương đương 7.934 tỉ đồng. Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý 2 – 3/2023.

Ngoài ra, ban lãnh đạo VPBank còn đề xuất việc chào bán 30,2 triệu cổ phiếu ESOP trong năm 2023. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm và được giải tỏa sau mỗi năm theo tỷ lệ lần lượt là 30%, 35% và 30%. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 2 – 3/2023.

Quý độc giả có thể theo dõi diến biến chi tiết AGM 2023 của VPBank tại đây:

13h05: Nhiều cổ đông và đại diện theo ủy quyền đã có mặt, thực hiện thủ tục 'check in' trước AGM 2023 của VPBank.



Đại hội có sự tham dự của nhiều cổ đông lớn tuổi

13h10: Một vài cổ đông đã thực hiện xong thủ tục 'check in', có mặt tại hội trường tổ chức đại hội.

Các màn hình lớn trong hội trường phát lại hình ảnh buổi lễ ký kết thỏa thuận VPBank phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) hôm 27/3/2023.

Đây là thương vụ được giới đầu tư nói chung và cổ đông VPBank nói riêng dành nhiều sự quan tâm trong thời gian qua.

Trước đó, VPBank đã hoàn tất việc bán 49% vốn FE Credit cho đối tác Nhật Bản.



13h50: Đại diện của Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) đã có mặt tại đại hội.

Các Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách Phát triển kinh doanh (Senior Vice President Business Development Dept) của SMFG - ông Yusuke Shukuzawa và ông Tomohiko Tani - đã có mặt từ khá sớm.

SMFG là tập đoàn mẹ của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - nhà đầu tư chiến lược của VPBank.





14h03: AGM 2023 của VPBank bắt đầu.

Theo ban tổ chức, tính đến thời điểm 14h00, có tổng cộng 297 đại biểu tham dự và ủy quyền, đại diện cho 5,129 tỉ cổ phần, tương đương 76,41% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ túc số tiến hành.


Danh sách Chủ tịch đoàn bao gồm:

Ông Ngô Chí Dũng – Chủ tịch HĐQT (Chủ tọa đoàn)

Ông Bùi Hải Quân – Phó Chủ tịch HĐQT

Ông Nguyễn Đức Vinh – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc

Cổ đông biểu quyết thông qua quy chế đại hội, Ban kiểm phiếu với tỷ lệ tán thành tuyệt đối

Tham vọng 'tập đoàn tài chính đa năng' của VPBank

14h20: Ông Nguyễn Đức Vinh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPBank, trình bày báo cáo của Ban Điều hành.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPBank

Theo đó, VPBank lần đầu gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận tỉ đô với việc báo lãi trước thuế ngân hàng riêng lẻ đạt hơn 24.000 tỉ đồng trong năm 2022, tăng trưởng 71,3% so với cùng kỳ năm trước.

2022 là năm đánh dấu mốc cho hệ sinh thái toàn diện của VPBank với sự gia nhập của CTCP Chứng khoán VPBankS và Công ty Bảo hiểm OPES, cùng với việc ký kết gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm 19 năm với AIA.

Ngoài ra, trong 2022, VPBank còn thực hiện phát hành cổ phiếu với tỷ lệ 50% để chia cổ tức cho cổ đông, từ đó tăng vốn điều lệ lên 67.000 tỉ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống.

Ở hướng ngược lại, VPBank cũng gặp nhiều thách thức trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại. FE Credit lần đầu tiền không đem lại hiệu quả, báo lỗ, ảnh hưởng đến kết quả chung của ngân hàng. Cuộc khủng hoảng về thanh khoản trên thị trường tiền tệ bắt nguồn từ một số doanh nghiệp bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến các áp lực lớn tới các ngân hàng.

Ban lãnh đạo VPBank xác định, ưu tiên hàng đầu là thanh khoản, quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hệ thống. Đáng chú ý, VPBank là một trong những nhà băng được NHNN ưu tiên 'room' tín dụng.

Ban lãnh đạo VPBank đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển, mặc dù có sự quá đà, song chưa đến mức khủng hoảng và sẽ sớm được gỡ khó.

Đặt mục tiêu tăng trưởng 30-35%, trở thành 'tập đoàn tài chính đa năng'

Về định hướng tương lai, HĐQT đã thông qua kế hoạch chiến lược 5 năm (2022 – 2026) và kiên định với kế hoạch này.

Trước đây, chiến lược của VPBank là tập trung vào tài chính tiêu dùng, bán lẻ, khách hàng SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa). Tuy nhiên, với sự đồng hành của nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản, VPBank có đủ cơ sở để xây dựng một tập đoàn tài chính đa năng, với sự nổi bật của công nghệ, sáng tạo.

Đây là thời điểm VPBank mở rộng hoạt động, tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 30-35% trong vòng 3-5 năm tới. “Tôi khẳng định VPBank có đủ cơ sở để thực hiện tham vọng này”, ông Vinh nhấn mạnh.

Theo đó, VPBank sẽ phát triển một hệ sinh thái lấy nền tảng là kinh tế số, quản trị dữ liệu, phân tích dữ liệu của các ngân hàng lớn trên thế giới, đồng thời dựa trên nền tảng sẵn có tệp khách hàng tài chính tiêu dùng, SME.

14h50: Cho tới lúc này, AGM 2023 của VPBank có sự tham dự của 370 đại biểu, đại diện cho 76,52% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Hội trường tổ chức AGM 2023 của VPBank không còn chỗ trống!

Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng (bên phải) và Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh - 'cặp bài trùng' làm nên sự thành công của VPBank trong thập kỷ qua

Trình phương án phát hành 15% vốn cho SMBC

15h05: Ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch HĐQT VPBank - trình bày các tờ trình và xin ý kiến cổ đông thông qua.

Ông Bùi Hải Quân - Phó Chủ tịch HĐQT VPBank

Có 17 tờ trình được ban lãnh đạo VPBank đưa vào chương trình nghị sự tại AGM 2023.

Trong đó, nổi bật là các tờ trình về việc chia cổ tức với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt; phương án tăng vốn điều lệ thông qua chào bán 1,19 tỉ cổ phiếu (tương đương 15,005% vốn điều lệ) cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) – thành viên của Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG).

Đại hội bước vào phần thảo luận



SMBC đã đặt cọc 10% cho thương vụ mua 15% vốn VPBank

Cổ đông: Dự kiến khi nào SMBC hoàn tất việc mua 15% vốn VPBank?

Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng: Hôm qua (17/4), VPBank đã nhận 10% tiền đặt cọc, tương đương 3.590 tỉ đồng từ phía đối tác Nhật Bản. Phần còn lại sẽ nhận được sau khi ngân hàng hoàn tất các thủ tục pháp luật về phát hành cổ phần riêng lẻ cho cổ đông nước ngoà

Dự kiến tháng 7-8 sẽ hoàn tất thương vụ, đối tác sẽ chuyển nốt số tiền còn lại để VPBank thực hiện tăng vốn.

VPBank báo lãi 4.000 tỉ đồng trong quý 1/2023

CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh: Trong quý 1/2023, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ VPBank đạt hơn 4.000 tỉ đồng. FE Credit vẫn rất khó khăn, báo lỗ. Chúng tôi sẽ có thông tin chính thức trong thời gian tới.

Cổ đông: VPBank có tham gia mua lại các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém không? Ngân hàng có tiềm năng được nới 'room' ngoại hay không?

Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng: VPBank là 1 trong 4 ngân hàng tham gia vào việc tái cơ cấu các TCTD yếu kém. Tuy nhiên, việc này vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất.

Đối với việc nới 'room' ngoại, theo đề án của NHNN, có 2 ngân hàng sẽ được nới 'room' lên 49%. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể nói chi tiết hơn.

Cổ đông: Khi nào lợi nhuận FE Credit trở lại mức dương?

CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh: Thời điểm hiện tại thị trường tài chính tiêu dùng rất khó khăn. Kết quả kinh doanh của FE Credit trong năm ngoái và trong quý 1 năm nay vẫn chưa tích cực. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ngân hàng đã có chương trình phục hồi.

Ban lãnh đạo VPBank khẳng định tài chính tiêu dùng vẫn là lĩnh vực tiềm năng. Chúng tôi sẽ đảm bảo FE Credit có kết quả kinh doanh tốt nhất.

Mục tiêu trả cổ tức bằng tiền trong 5 năm liên tiếp

Cổ đông: Ngân hàng có kế hoạch trả cổ tức tiền mặt trong các năm tiếp theo hay không?

Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng: Trong chiến lược 5 năm 2022 – 2026, ngân hàng đưa ra mục tiêu chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Nguồn vốn của VPBank hiện nay đủ để duy trì tăng trưởng cao và đủ để chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Cổ đông: Lợi thế của VPBank khi có nhà đầu tư chiến lược SMBC là gì?

Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng: Với sự đồng hành của SMBC, VPBank sẽ được củng cố nền tảng vốn, cho phép ngân hàng nâng cao quy mô tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng, nâng cao sản phẩm tài chính, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu cho mọi phân khúc khách hàng, kể cả khách hàng doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài (FDI).

Với tư cách cổ đông chiến lược, SMBC sẽ chia sẻ bí quyết về quản trị doanh nghiệp cho VPBank.

Với mạng lưới quốc gia đa dạng, SMBC sẽ giúp VPBank huy động vốn với vị thế tốt hơn trên trường quốc tế. Đồng thời, VPBank cũng có thể tiếp cận hơn 200.000 khách hàng của SMBC khi họ tham gia vào thị trường Việt Nam.

'VPBank không có sức ép về nợ xấu đối với Novaland'

Cổ đông: Các khoản đầu tư vào trái phiếu Novaland hiện ra sao?

CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh: VPBank là một trong những ngân hàng đầu tư lớn vào trái phiếu doanh nghiệp, với tổng dư nợ trái phiếu đầu tư đạt hơn 30.000 tỉ đồng.

So với thời điểm cuối năm 2022, giá trị trái phiếu đầu tư của VPBank đã giảm hơn 5.000 tỉ đồng.

Ngân hàng có kế hoạch giảm dư nợ trái phiếu xuống 20.000 tỉ đồng vào cuối tháng 6/2023 và mục tiêu tới cuối năm giảm hơn 50% giá trị trái phiếu.

Cùng một số công ty chứng khoán, bao gồm cả VPBankS, VPBank đầu tư vào trái phiếu để hỗ trợ cho hơn 40 dự án bất động sản.

Đối với trái phiếu Novaland, cả dư nợ gốc và lãi không nhiều. Tất cả đều có tài sản đảm bảo.

VPBank không có sức ép về nợ xấu đối với Novaland.

Ngân hàng cũng đang phối hợp với các bên liên quan khác để chuyển nhượng dự án, đóng dần một số khoản nợ với doanh nghiệp này.Ngoài trái phiếu doanh nghiệp, Vpbank còn nắm giữ hơn 30.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ.

Đại hội tiến hành bỏ phiếu

17h00: Theo ban tổ chức, tất cả các tờ trình và nội dung xin ý kiến AGM 2023 của VPBank đều được thông qua với tỷ lệ tham gia biểu quyết rất cao, từ 90-100% tổng số phiếu tham dự họp.



17h22: Chủ tịch VPBank Ngô Chí Dũng phát biểu bế mạc đại hội. AGM 2023 của VPBank chính thức khép lại.



Ảnh: Văn Lâm