|
Đoàn chủ tọa tại AGM 2023 của Gelex |
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 (AGM 2023) của CTCP Tập đoàn Gelex (Mã CK: GEX) có sự tham gia của 200 cổ đông, người đại diện theo ủy quyền, đại diện cho 497,27 triệu cổ phần, chiếm 58,3999% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Năm 2023, Gelex đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất ở mức 37.457 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.272 tỉ đồng, bằng lần lượt 117% và 61% so với thực hiện năm 2022.
Theo Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương, Gelex đã gặp nhiều khó khăn trong quý 1/2023, với doanh thu thuần đạt 6.410 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 144 tỉ đồng (hoàn thành 11% kế hoạch năm).
Trong khi đó, CEO Nguyễn Văn Tuấn đã dành nhiều thời lượng của AGM 2023 để giãi bày với cổ đông về giá trị cổ phiếu.
“Cũng giống như cổ đông, tôi nhìn thấy giá trị cổ phiếu không phản ánh đúng với giá trị doanh nghiệp. Công sức cố gắng của mình chưa đạt được”, ông Tuấn nói.
Tập trung tái cấu trúc
Một trong những nội dung được ban lãnh đạo Gelex nhiều lần nhấn mạnh tại đại hội là việc tiến hành tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của tập đoàn.
Theo Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trong Hiền, Gelex đang tái cơ cấu lại danh mục đầu tư năng lượng tái tạo, tìm kiếm đối tác để tối ưu nguồn lực đầu tư. “Lùi một bước để tiến hai bước” trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, CEO Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh tập đoàn sẽ tập trung vào thị trường nước ngoài, tái cấu trúc gọn lại các mảng đầu tư không thể mở rộng được nữa, không thể sử dụng đòn bẩy được nữa, và tìm cách cải thiện các chỉ số ROA (lợi nhuận thuần trên tổng tài sản) và ROE (lợi nhuận thuần trên vốn chủ sở hữu).
Trước đó, tại báo cáo thường niên năm 2022, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương cho biết, Gelex đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về quy mô, tuy nhiên, hiệu quả sinh lời từ vốn và tài sản chưa thực sự ấn tượng.
“Trong thời gian tới, Gelex đặt mục tiêu tăng hiệu quả hoạt động của Tập đoàn và các đơn vị thành viên thông qua việc tái cấu trúc các mảng kinh doanh, áp dụng tư duy tinh gọn trong hoạt động, tối ưu hóa chi phí & lợi nhuận các ngành sản xuất; tiếp tục đầu tư đưa vào vận hành đúng tiến độ các dự án đang triển khai; chọn lọc đầu tư những dự án mới giàu tiềm năng và nghiên cứu đầu tư một số lĩnh vực mới có tiềm năng tăng trưởng cao, khả năng sinh lời tốt, phù hợp hệ sinh thái Gelex”, ông Cương cho hay.
|
Toàn cảnh AGM 2023 của Gelex |
Miễn nhiệm ông Nguyễn Hoa Cương
AGM 2023 của Gelex cũng thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Nguyễn Hoa Cương (Chủ tịch) và ông Nguyễn Trọng Tiếu (Phó Chủ tịch).
Gelex dự kiến không bầu bổ sung thành viên HĐQT mới để thay thế cho các thành viên từ nhiệm. Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 điều chỉnh từ 7 thành viên xuống còn 5 thành viên.
Trong năm 2023, ban lãnh đạo Gelex xác định mảng bất động sản công nghiệp (thông qua đơn vị thành viên Viglacera) là một trong những điểm sáng sẽ đóng góp vào kết quả chung của tập đoàn.
Về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tập đoàn lên kế hoạch từng bước thực hiện chương trình triển khai đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030.
Trong đó, tiếp tục phát triển các khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đồng bộ với phát triển KCN hiện có tại các KCN Đồng Văn IV, Phú Hà, Đông Mai; Nhà ở xã hội tại Kim Chung; Khu nhà ở xã hội 9,8ha tại Yên Phong - Bắc Ninh.
Mới đây, Gelex và Frasers Property Vietnam đã ký kết hợp tác triển khai các khu công nghiệp tại miền Bắc với tổng mức đầu tư trong giai đoạn đầu này dự kiến là khoảng 6.000 tỉ đồng, tương đương 250 triệu USD.
Bên cạnh bất động sản và hậu cần khu công nghiệp, Hạ tầng Gelex sẽ tiếp tục công tác nghiên cứu đầu tư các dự án điện gió tiềm năng; trao đổi cơ hội hợp tác với một số đối tác và xem xét các dự án mới.
Gelex sẽ tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc, đánh giá và hiện thực hóa các cơ hội đầu tư vốn, M&A tiềm năng (qua Gelex mẹ và các đơn vị thành viên); đồng thời, xây dựng chiến lược quản trị phù hợp sau M&A.
VietTimes sẽ tường thuật phiên AGM 2023 của Gelex. Ấn F5 để cập nhật!
8h30: Ghi nhận của PV VietTimes đang tác nghiệp tại hiện trường, nhiều cổ đông và đại biểu đã có mặt tại địa điểm tổ chức, thực hiện thủ tục 'check in'.
|
|
|
9h06: Ông Bùi Đăng Khoa – Trưởng Ban kiểm tra tư cách đại biểu báo cáo kết quả kiểm tra tư cách đại biểu.
Theo đó, tính đến 8h58, có 143 cổ đông (trực tiếp và ủy quyền) tham dự đại hội, đại diện 470,437 triệu cổ phần, chiếm 55,248% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
Danh sách Đoàn Chủ tịch bao gồm:
Ông Nguyễn Hoa Cương – Chủ tịch HĐQT (Chủ tọa)
Ông Nguyễn Trọng Tiếu – Phó Chủ tịch HĐQT
Ông Lương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch HĐQT
Ông Nguyễn Trọng Hiền – Phó Chủ tịch HĐQT
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc
|
Các cổ đông biểu quyết thông qua chương trình, quy chế đại hội |
9h18: Ông Nguyễn Trọng Tiếu, Phó Chủ tịch HĐQT trình bày báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2022 và phương hướng hoạt động năm 2023.
Năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Gelex đạt 32.089 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2021, đạt 89% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.081 tỉ đồng, tăng 1% so với năm 2021, đạt 79% so với kế hoạch.
Mặc dù không đạt kế hoạch nhưng doanh thu của Gelex vẫn tăng trưởng trong bối cảnh tình hình kinh tế chung gặp khó khăn và các ngành đều bị ảnh hưởng hậu Covid-19.
Năm 2022, Gelex có chủ trương niêm yết đối với Gelex Hạ Tầng và tăng vốn, đăng ký niêm yết đối với cổ phần Gelex Electric, song do tình hình thị trường chưa thuận lợi, cộng việc này tiếp tục được định hướng triển khai trong thời gian tới.
Nhận định kinh tế vĩ mô năm 2023 còn nhiều khó khăn, nhất là lạm phát tiếp tục tăng cao và biến động lãi suát, ban lãnh đạo Gelex xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2023 với doanh thu thuần 37.457 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.272 tỉ đồng.
Đối với mảng kinh doanh thiết bị điện, vật liệu xây dựng, Gelex tiếp tục tối ưu hóa sản xuất, đẩy mạnh công tác R&D, hợp tác với các đối tác lớn để sản xuất các sản phẩm mới với công nghệ cao.
Đối với mảng bất động sản, tiếp tục đầu tư phát triển kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, phát triển các dự án nhà ở xã hội, quỹ đất; đầu tư các dự án nhà ở thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn, văn phòng cho thuê.
10h00: Ông Lương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT - trình bày các tờ trình xin ý kiến AGM 2023 của Gelex.
Theo đó, có tất cả 8 vấn đề trình cổ đông, bao gồm một số nội dung chính như: Phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, các chỉ tiêu kế hoạch tài chính năm 2023, miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT xin từ nhiệm và thay đổi số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026 từ 7 thành viên thành 5 thành viên.
Cụ thể, HĐQT Gelex trình AGM 2023 thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) đối với ông Nguyễn Hoa Cương (Chủ tịch) và ông Nguyễn Trọng Tiếu (Phó Chủ tịch).
Về kế hoạch chia cổ tức, HĐQT Gelex đề xuất không chia cổ tức năm 2022, dự kiến chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 15%.
ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT quyết định mọi vấn đề liên quan đến việc chi tạm ứng cổ tức năm 2023 bằng tiền nếu việc tạm ứng này phù hợp với hoạt động của công ty.
Đại hội bước vào phần thảo luận
Cổ đông: Ban lãnh đạo cho biết số lượng trái phiếu sẽ đáo hạn trong quý 2/2023. Công ty đã thu xếp vốn để tất toán lượng trái phiếu này ra sao?
Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hiền: Tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ trái phiếu của Gelex ở mức 2.800 tỉ đồng. Thông tin này đã được phản ánh trên báo cáo tài chính.
Trong đó, số dư trái phiếu được bảo lãnh nước ngoài ở mức 800 tỉ đồng, kỳ hạn 10 năm, chủ yếu tài trợ cho dự án Điện mặt trời Ninh Thuận.
Trái phiếu đáo hạn trong quý 2 khoảng 700 tỉ đồng. Doanh nghiệp sẽ thu xếp trả đúng tiến độ.
Dư nợ trái phiếu của Gelex là thấp nhất trên thị trường, đặc biệt là trong nhóm doanh nghiệp sản xuất.
Cổ đông: Gelex tiến hành tái cấu trúc mảng năng lượng ra sao, tại sao lại thoái vốn ở một số dự án?
Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Hiền: Việt Nam là nước còn nhiều tiềm năng để đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. Trong đó, năng lượng tái tạo vẫn là lĩnh vực ưu tiên theo quy hoạch điện VIII.
Gelex đang quản lý 260MW, cần lựa chọn dự án, triển khai căn cơ hơn, cần đối tác lớn trong quá trình phát triển và quản lý vận hành các dự án này. Cách thức chọn dự án tốt hơn, quy mô lớn hơn, do đó cần đối tác lớn hơn và cân nhắc kỹ hiệu quả đầu tư.
Gelex đang tái cơ cấu lại danh mục đầu tư năng lượng tái tạo, tìm kiếm đối tác để tối ưu nguồn lực đầu tư. Lùi một bước để tiến hai bước trong lĩnh vực này.
Gelex đang thực hiện tái cấu trúc, làm việc với các đối tác lớn và định chế tài chính. Hy vọng có sự thành công nhất định trong năm 2023.
Cổ đông: Dự án tổ hợp khách sạn số 10 Trần Nguyên Hãn dự kiến khi nào hoàn thành?
CEO Nguyễn Văn Tuấn: Dự án số 10 Trần Nguyên Hãn đã triển khai xong tầng hầm. Trong đó, tầng hầm B2 chưa hoàn thiện hồ sơ phòng cháy chữa cháy.
Gelex dự kiến tới đầu quý 1/2025 sẽ đưa một phần khách sạn vào hoạt động.
Cổ đông: Viglacera có triển khai thêm dự án mới nào hay không?
CEO Nguyễn Văn Tuấn: Viglacera hiện tập trung vào hai mảng là vật liệu xây dựng và bất động sản khu công nghiệp.
Đối với bất động sản khu công nghiệp, chúng tôi luôn có dự án gối đầu, với định hướng của HĐQT là bán 1m2 phải chuẩn bị 2m2.
Năm 2023, Viglacera tập trung vào các địa phương tiềm lực như Thái Nguyên (2 khu, trình chủ trương đầu tư 1 khu 400ha tại sông công và 1 khu 900 ha), Phú Thọ, Yên Bái (200ha, đang trình chủ trương), Thái Bình, Hưng Yên.
Tôi đánh giá lĩnh vực này còn cơ hội tạo ra giá trị về nguồn lực nhân sự tốt.
Năm 2023, mảng bất động sản khu công nghiệp dự kiến mang về lợi nhuận tốt cho Viglacera. Các khách hàng lớn từ Trung Quốc, Đài Loan, Singapore đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, cũng tìm đến chúng tôi.
Cổ đông: Tình hình kinh tế năm 2023 ảnh hưởng ra sao tới khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh của Gelex? Chiến lược hoạt động của Gelex trong bối cảnh hiện nay ra sao?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương: Gelex đánh giá 2023 là năm khó khăn thách thức. Gelex tăng cường quản trị rủi ro, bám sát diễn biến tình hình thị trường để hoàn thành mục tiêu đại hội cổ đông giao phó.
Năm 2023, Gelex đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất đạt 37.457 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 1.272 tỉ đồng.
Trong đó, Gelex Điện lực dự kiến đạt 19.400 tỉ đòng doanh thu, lợi nhuận 928 tỉ đồng. Gelex Hạ Tầng dự kiến đạt 17.900 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận 1.886 tỉ đồng.
Gelex không ưu tiên cho chỉ tiêu lợi nhuận, tập trung quản trị rủi ro, tái cấu trúc hiệu quả, đảm bảo các hệ số ở mức tốt nhất.
Cổ đông: Ban lãnh đạo cho biết tình hình kinh doanh quý 1/2023 của Gelex?
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương: Trong quý 1/2023, Gelex gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh chung của nền kinh tế.
Doanh thu thuần đạt 6.410 tỉ đồng, giảm 13% so với quý 4/2022, bằng 37,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế 144 tỉ đồng, đạt 11% kế hoạch 2023.
Cổ đông: Giá trị cổ phiếu và mức chi trả cổ tức là hai yếu tố tạo uy tín cho doanh nghiệp. Giá cổ phiếu GEX đã phản ánh đúng giá trị nội tại của doanh nghiệp chưa? Ban lãnh đạo sẽ làm gì để công chúng hiểu rõ hơn về giá trị doanh nghiệp, giá trị cổ phiếu?
CEO Nguyễn Văn Tuấn: Tôi cũng tự hỏi hàng ngày rằng giá trị doanh nghiệp của mình như thế nào và làm sao để tăng giá trị lên.
Lịch sử hình thành của Gelex rất khác biệt, từ doanh nghiệp nhà nước rồi cổ phần hóa, đến năm 2015 thì cổ đông nhà nước thoái vốn toàn bộ.
Ở thời điểm đó, hoạch định chiến lược của đội ngũ lãnh đạo Gelex là tập trung vào M&A để mở rộng quy mô và tạo ra nhiều tài sản, giá trị khi Nhà nước thoái vốn. Nếu mình không mua thì các doanh nghiệp khác cũng mua hoặc rơi vào tay nước ngoài. Tập đoàn sử dụng đòn bẩy, dùng các cấu trúc tài chính để mua và chọn những doanh nghiệp tiêu chí tốt.
Trong giai đoạn hiện nay, hoạch định của Gelex bao gồm: Thứ nhất, các ngành nghề kinh doanh chính tìm kiếm các đối tác chiến lược lớn hàng đầu thế giới để hợp tác. Thứ hai, tập trung vào thị trường nước ngoài và tái cấu trúc gọn lại các mảng đầu tư không thể mở rộng được nữa, không thể sử dụng đòn bẩy được nữa, làm sao để tăng ROA, ROE.
Cũng giống như cổ đông, tôi nhìn thấy giá trị cổ phiếu không phản ánh đúng với giá trị doanh nghiệp. Công sức cố gắng của mình chưa đạt được.
Trong giai đoạn này, để đạt được không chỉ là truyền thông, mà còn là nội tại của Gelex, các doanh nghiệp kinh doanh cốt lõi, các chiến lược, các định hướng, và đặc biệt là con người.
Chúng tôi luôn nhấn mạnh về 3 quản trị xuyên suốt của chúng tôi là tài chính, nhân sự và kiểm toán nội bộ. Con người luôn luôn đứng đầu, thế hệ kế cận của Gelex là gì và việc đi dài được hay không là do thế hệ này.
Về định hướng và chiến lược, các báo cáo của HĐQT, Ban Tổng giám đốc đã rất rõ và Gelex quyết tâm làm. Khi chúng tôi quyết tâm, tôi khẳng định tôi làm được.
Về lợi thế của Gelex, mỗi mảng kinh doanh của Gelex đều tạo ra lợi thế riêng để khi hợp tác vẫn giữ được thương hiệu và hình ảnh của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi không mua xong bán.
Mảng năng lượng tái tạo, chúng tôi tái cấu trúc lại chứ không phải xin giấy phép rồi mang dự án đi bán. Chúng tôi đầu tư với thiết bị tốt, chất lượng tốt, có vậy mới bán được giá tốt.
Gần đây, chúng tôi cũng chú trọng hơn trong công tác truyền thông. Trước đây, tôi chỉ nghĩ mình làm tốt và làm thật, song đã xảy ra nhiều tin đồn không đúng sự thật.
Càng đồn chúng tôi nhiều mà không đúng thì chúng tôi càng tốt lên và qua các tin đồn thì chúng tôi càng mạnh về tinh thần, tuân thủ pháp luật tốt hơn.
Trong thời gian tới, với những hoạch định chiến lược về vị thế, tầm nhìn, quản trị của Gelex, chúng tôi tin rằng giá trị của doanh nghiệp chắc chắn sẽ tăng.
Đại hội tiến hành bỏ phiếu
|
|
11h43: Ông Đỗ Xuân Thắng, Trưởng Ban kiểm phiếu trình bày kết quả kiểm phiếu biểu quyết.
Theo đó, tất cả các tờ trình xin ý kiến AGM 2023 của Gelex đều được thông qua với tỷ lệ trên 99%.
12h08: Ban kiểm tra tư cách đại biểu cập nhật số lượng đại biểu.
Theo đó, tính đến 11h57, có 200 cổ đông tham dự đại hội, đại diện 497,27 triệu cổ phần, chiếm 58,3999% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội thông qua biên bản và nghị quyết. Ông Nguyễn Hoa Cương tuyên bố bế mạc đại hội.