|
Kết thúc Kỳ họp thứ 4, Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC sẽ tập trung 20 kiến nghị ở các nhóm vấn đề chính, trình lên lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào ngày 10/11. |
Theo đó, trả lời báo giớ về những kết quả, mục tiêu cũng như kiến nghị của Hội đồng tư vấn kinh doanh (ABAC) đối với các nhà lãnh đạo APEC tại Tuần lễ cấp cao, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh (ABAC) cho biết, ABAC sẽ tập trung 20 kiến nghị ở các nhóm vấn đề chính, trình lên lãnh đạo các nền kinh tế APEC vào ngày 10/11.
Cụ thể đó là: Ủng hộ hệ thống thương mại đa phương; thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP); tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự mới về lĩnh vực dịch vụ; xóa bỏ hàng rào phi thuế quan; tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư; xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020; các kiến nghị về kết nối khu vực và thể chế, hạ tầng và con người; và các kiến nghị về phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, và phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế.
Trong đó, ABAC sẽ tập trung kiến nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 3 vấn đề gồm: Tiếp tục thúc đẩy hội nhập khu vực và dỡ bỏ hàng rào bảo hộ để làm sao tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển thương mại và đầu tư; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận các nguồn tài chính, khoa học công nghệ và tiến bộ về kỹ thuật số; và Xây dựng tầm nhìn 2020 và các năm tiếp sau đó.
Theo Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), lãnh đạo các nền kinh tế APEC cần thể hiện sự quyết tâm trong thúc đẩy tự do hoá thương mại, sự tự do dịch chuyển nguồn lực đầu tư. “Để làm được điều này, các nền kinh tế APEC cần cải thiện thể chế, xoá bỏ hàng rào phi thuế quan, thúc đẩy đầu tư xuyên biên giới, thực hiện cam kết thúc đẩy khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương. Vầ đây là những giải pháp để GDP của các nền kinh tế APEC tăng trưởng 3,7% trong năm tới.
Bên cạnh đó, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, với thương mại gia tăng nhưng tốc độ tăng trưởng còn chậm kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008. Chính vì vậy Chính phủ của các nền kinh tế APEC cần hành động mạnh mẽ hơn trong tái cơ cấu nhằm cải thiện năng suất, tiền lương, kỹ năng để người dân và doanh nghiệp có thể điều chỉnh phù hợp với xu thế toàn cầu để hướng tới sự phát triển bền vững.