Đó là nội dung Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế Asia America Gateway (AAG) vừa thông báo tới các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam có khai thác, sử dụng tuyến cáp biển này.
Theo đó, Trung tâm điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế AAG cho hay, kế hoạch sửa chữa tuyến cáp AAG nhánh S1H đã tiếp tục bị lùi thời gian thực hiện khoảng 9 ngày so với kế hoạch đã thông báo trước đó.
Được biết, trước đó, vào ngày 6/7/2018, kế hoạch khắc phục sự cố trên nhánh S1H của tuyến cáp AAG đã bị lùi 2 ngày so với lịch cũ, với thời điểm Trung tâm điều hành dự kiến khi đó tàu sửa chữa cáp đến vị trí cáp nhánh AAG-S1H bị lỗi là vào 7h ngày 8/7/2018, thực hiện mối hàn đầu tiên vào 22h ngày 9/7/2018, hoàn thành mối hàn cuối cùng vào 3h ngày 12/7/2018 và sửa xong vào 5h ngày 13/7/2018.
Ảnh minh họa
|
Như vậy, với 2 lần lịch sửa chữa cáp nhánh AAG-S1H bị lùi, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số thời gian kênh truyền trên cáp nhánh S1H của tuyến AAG bị gián đoạn liên lạc đã lên tới gần 1 tháng. Và theo kế hoạch mới thông báo, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp quang biển quốc tế AAG sẽ còn tiếp tục bị ảnh hưởng thêm khoảng hơn 1 tuần nữa.
Được biết, AAG là tuyến cáp quang biển quốc tế có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây. Đây cũng là tuyến cáp đầu tiên kết nối giữa Đông Nam Á và Mỹ, sử dụng công nghệ ghép bước sóng quang (DWDM).
Được chính thức đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang biển này bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.