Thay đổi triệt để
Theo thông tin từ cuộc họp, dự thảo nghị định sửa đổi thay thế tới 20/25 điều so với Nghị định 38/NĐ-CP hiện đang áp dụng. Do đó, Ban soạn thảo của Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ ban hành một nghị định mới để thay thế Nghị định 38/NĐ-CP, chứ không dùng tên là nghị định sửa đổi.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, dự thảo nghị định mới này cũng quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP). Tuy nhiên, chỉ đạo của Bộ Y tế khi bắt tay thực hiện dự thảo nghị định là xây dựng quan điểm quản lý theo hướng cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính về đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm. Đặc biệt là chuyển nguyên tắc quản lý từ từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Lý do của việc thay đổi quan điểm quản lý này, theo Bộ Y tế, do trước đây 100% mặt hàng thực phẩm nhập khẩu khi thông quan đều phải kiểm tra chuyên ngành. Vì vậy, sau khi nghị định mới được Chính phủ đồng ý ban hành, diện hàng thực phẩm không phải kiểm tra khi thông quan sẽ được mở rộng. Cụ thể là các sản phẩm đã được cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố, sản phẩm tạm nhập để bán tại các cửa hàng miễn thuế, sản phẩm nhập khẩu chỉ để sản xuất, gia công nội bộ trong cơ sở sản xuất…
Đồng thời, Bộ Y tế cũng soạn thảo nghị định mới theo hướng có thay đổi đột phá phương thức kiểm tra nhà nước về ATTP. Theo đó, cơ quan chức năng sẽ chỉ kiểm tra xác suất tối đa 5% hồ sơ trên tổng số lô hàng do hải quan lựa chọn ngẫu nhiên.
Đánh giá về những thay đổi triệt để trong dự thảo nghị định thay thế Nghị định 38/NĐ-CP, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, với thay đổi này, khi được thông qua, có 95% lô hàng thực phẩm nhập khẩu sẽ không phải kiểm tra chuyên ngành, cơ quan chức năng chỉ quản lý chặt những sản phẩm có cảnh báo nguy cơ. Ví dụ trong vùng có dịch và khi hậu kiểm phát hiện sản phẩm không an toàn – thứ trưởng Long dẫn chứng.
Mặt khác, cũng theo thứ trưởng Long, khi nghị định mới có hiệu lực, sẽ chỉ còn 3 nhóm mặt hàng phải đăng ký công bố sản phẩm. Bao gồm các nhóm mặt hàng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, nhóm thực phẩm dinh dưỡng y học, và cuối cùng là nhóm phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.
Tuy nhiên, thứ trưởng Long lưu ý, không phải tất cả các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu trong 3 nhóm này đều phải đăng ký công bố sản phẩm, mà chỉ có một số nhóm mặt hàng phải công bố.
Về nguyên tắc quản lý, Bộ Y tế đề xuất phương án đưa những sản phẩm này vào nhóm sản phẩm kiểm soát chặt, cần phải được thẩm định hồ sơ, sau khi được cấp giấy tiếp nhận mới được sản xuất kinh doanh. Nói cách khác là kiểm tra chặt ngay từ gốc, kết hợp hậu kiểm sau đó, còn toàn bộ khâu thủ tục sẽ được tiết giảm để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động bình thường.
Về hiệu quả, thứ trưởng Long dẫn tính toán của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cho biết, nếu nghị định mới được thông qua sẽ tiết kiệm được 12 triệu ngày công và khoảng 3.700 tỷ đồng từ tiết giảm thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp.
Quản theo nguyên tắc tự công bố
Một nội dung quan trọng trong dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 38/NĐ-CP là quy định doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình. Đương nhiên, do được tự công bố sản phẩm thì doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về công bố đó. Tuy nhiên, quy định mới này đã giúp doanh nghiệp giảm được thủ thục ơhair gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan Nhà nước để xác nhận.
Để quản lý sản phẩm của doanh nghiệp, căn cứ vào các công bố này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật.
Đồng thời với đó, dự thảo nghị định mới cũng xác lập quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh để đảm bảo ATTP theo hướng tiệm cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ mở rộng diện các doanh nghiệp không cần phải có giấy xác nhận đủ điều kiện ATTP, cũng như mở rộng đối tượng các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Với quy định mới này, các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ, các cơ sở sơ chế sản phẩm ban đầu, các nhà hàng, cửa hàng ăn uống… sẽ không phải xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP mà được quyền tự công bố và chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, khi tiến hành hậu kiểm, các cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt các nội dung công bố này, đòng thời có dẫn chiếu các quy định hiện hành liên quan tới nội dung công bố.
Mặt khác, để gia tăng khả năng và hiệu quả hậu kiểm, dự thảo nghị định mới đã đẩy mạnh việc phân cấp quản lý cho địa phương. Theo đó, về phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, Bộ Y tế sẽ phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, NNPTNT theo hướng các bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối.
Riêng với một số doanh nghiệp sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm giao thoa thuộc thẩm quyền quản lý của 2 Bộ trở lên thì sản phẩm có sản lượng lớn thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan nào, cơ quan đó sẽ quản lý.