Như vậy, Luật An ninh mạng bao gồm 7 chương, 43 điều quy định về “hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” đã chính thức được QH thông qua. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Trước khi các đại biểu bấm nút thông qua, ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh QH đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, có nhiều ý kiến băn khoăn về quy định DN trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng (thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam) phải tạo ra lưu trữ dữ liệu này tại VN hoặc đặt chi nhánh văn phòng đại diện tại VN. Nhiều đại biểu cho rằng, quy định này không khả thi, làm gia tăng chi phí DN, gây khó khăn cho hoạt động tiếp cận thông tin và trái với nhiều cam kết quốc tế mà VN đang là thành viên.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Thường vụ QH, các hiệp định cơ bản của WTO và HIệp định CPTPP đều có các điều khoản ngoại lệ về an ninh. Nên UBTVQH cho rằng việc áp dụng các ngoại lệ này là cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia.
Như VietTimes đã đưa tin, dự thảo luật được trình QH biểu quyết thông qua sáng nay đã có một số điều chỉnh. Theo đó, tại dự thảo luật mới nhất vừa gửi tới đại biểu, phạm vi điều chỉnh của dự án luật vẫn bao gồm cả hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bởi qua tổng hợp ý kiến, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với điều này. Về kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức (điều 24), nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ lo lắng, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo lược bỏ khoản 1 về kiểm tra an ninh mạng đối với hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức không thuộc danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; chỉnh lý quy định về kiểm tra tại khoản 2 về đối tượng kiểm tra an ninh mạng cho chặt chẽ, cụ thể hơn là khi có hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng hoặc khi có đề nghị của chủ quản hệ thống thông tin; cụ thể hóa trình tự, thủ tục kiểm tra an ninh mạng. Về điều 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý quy định rõ trường hợp cung cấp thông tin là để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng và chỉnh sửa quy định lưu vết thành lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm cho rõ ràng, khả thi, tránh lạm dụng trong thực hiện. Được biết, trước đó, sáng 11/6 Tổng thư ký Quốc hội đã có văn bản xin ý kiến đại biểu QH về điều 10 - Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, và điều 26 - Bảo đảm thông tin trên không gian mạng. Tính đến 16 giờ ngày 11.6, Tổng thư ký Quốc hội đã nhận được 437 phiếu gửi lại. Với quy định trong điều 10 về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, có 392 đại biểu (chiếm 89,70%) đồng ý, 41 đại biểu (chiếm 9,38%) không đồng ý và 4 đại biểu có ý kiến khác hoặc không có ý kiến. Với điều 26 - Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng, có 358 đại biểu (chiếm 81,92 %) đã đồng ý, 73 đại biểu không không đồng ý (chiếm 16,70 %) và 6 đại biểu có ý kiến khác hoặc không có ý kiến. |