Nghị quyết này là một trong số các tài liệu phục vụ hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 do Bộ Chính trị tổ chức, sáng 2/2.
Theo nghị quyết, tổng số đại biểu Quốc hội khoá 14 là 500 người.
Dự kiến số lượng đại biểu ở Trung ương là 198 đại biểu, bằng 39,6%. Trong đó các cơ quan Đảng 11 đại biểu; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ 18 đại biểu, các cơ quan của Quốc hội (đại biểu chuyên trách ở Trung ương) 114 người.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng dự kiến số lượng đại biểu của Bộ Quốc phòng là 15 người, Bộ Công an 3 người.
Số lượng đại biểu ở địa phương là 302 người bằng 60,4%, trong đó 63 trưởng đoàn sẽ là lãnh đạo chủ chốt và 67 phó đoàn chuyên trách (mỗi địa phương một người, riêng Hà Nội, Tp.HCM, tỉnh nghệ An và Thanh Hoá có 2 phó đoàn).
Đáng chú ý trong cơ cấu định hướng số đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh chỉ là 7 người (dự kiến phân bổ 3 doanh nghiệp nhà nước, 4 hiệp hội, nghiệp đoàn về sản xuất kinh doanh).
Nghị quyết cũng nêu rõ cơ cấu kết hợp khoảng 80 uỷ viên Trung ương khoá 12 tham gia Quốc hội khoá 14, trong đó 12 - 14 vị là uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đại biểu ngoài Đảng 25 - 50 người, trẻ dưới 40 tuổi khoảng 50 đại biểu, tái cử khoảng 160 đại biểu.
Khi lập danh sách chính thức những người ứng cử ít nhất có 162 đại biểu là người dân tộc thiểu số ít và phấn đấu trúng cử ít nhất 90 đại biểu, đại biểu phụ nữ trúng cử ít nhất 150 đại biểu, bằng 30% tổng số đại biểu Quốc hội, nghị quyết nêu rõ.
Thông tin từ hội nghị cũng cho biết một số mốc thời gian đáng chú ý. Như, chậm nhất 17 giờ ngày 13/3/2016 (70 ngày trước ngày bầu cử) người được giới thiệu ứng cử đai biểu Quốc hội phải nộp hai bộ hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội.
Đại biểu được giới thiệu ở Trung ương nộp hồ sơ tại Hội đồng Bầu cử Quốc gia, còn đại biểu được địa phương giới thiệu nộp hồ sơ tại uỷ ban bầu cử của tỉnh.
Theo TBKTSVN