Cụ thể, VINASTAS được xác định là đã vi phạm Luật An toàn thực phẩm, phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.
Để khắc phục hậu quả trên, ngoài việc bị xử phạt, VINASTAS còn phải thu hồi các ấn phẩm do hiệp hội này đã phát hành để tiêu hủy.
Thời gian thực hiện trong 10 ngày kể từ ngày 23/5/2017. Trước đó, trong thông cáo báo chí ngày 17/10/2016 của VINASTAS cho biết, đơn vị này đã tiến hành khảo sát 150 mẫu nước mắm, xác định có 101 mẫu (chiếm 67,33%) có nồng độ Asen vượt quá mức cho phép.
Tiếp theo đó, các đơn vị báo chí cũng lần lượt có các loạt bài về vấn đề này. Tuy nhiên, hầu hết thông tin báo chí đưa đều nhầm lẫn giữa khái niệm asen nêu tại Quy chuẩn Việt Nam QCVN 8-2:2011/BYT với “thạch tín”.
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ ngày 12 đến 23/10, truyền thông xã hội có trên 44.000 bài viết, 95.000 lượt chia sẻ, 108.000 thảo luận, trên 63.000 bình luận. “Đỉnh điểm là ngày 18-10, sau khi VINASTAS công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu, trên mạng xã hội có trên 42.275 thảo luận” - Bộ TT-TT nêu rõ.
Điều này đã gây nhầm lẫn, hoang mang cho người tiêu dùng, tạo sự hoang mang và bức xúc trong xã hội.
Sau đó, các đơn vị chức năng đã vào cuộc, xác minh lại thông tin và đề nghị xử lý các đơn vị đưa thông tin sai lệch.
Theo đó, cuối tháng 11/2016, Bộ TT&TT đã công bố kết quả xử lý vi phạm đối với 50 cơ quan báo chí đăng thông tin sai sự thật. Tuy nhiên, mặc dù là đơn vị đầu tiên đưa ra thông tin này, đến tận thời điểm này, sau gần 8 tháng xảy ra sự việc, VINASTAS mới bị xử phạt.