7 phiên bản Windows bị người dùng "ghét" nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không phải phiên bản Windows nào cũng được yêu thích như Windows XP hoặc Windows 7.
7 phiên bản Windows bị người dùng "ghét" nhất (Ảnh: ZDnet)
7 phiên bản Windows bị người dùng "ghét" nhất (Ảnh: ZDnet)

Trong lịch sử 36 năm tuổi đời, Windows đã có nhiều phiên bản phổ biến như Win 3.1 (1992) với cú hích cho cuộc cách mạng giao diện người dùng trên PC. Chúng ta có Win 95 - hệ điều hành đầu tiên có chức năng trình duyệt Internet tích hợp sẵn, cùng khả năng chạy các ứng dụng 32-bit, nút Start Menu biểu tượng mà vẫn còn cho tới ngày nay. Chúng ta có Win XP (2001) - hệ điều hành đa nhiệm hướng người dùng đúng nghĩa đầu tiên, với tuổi đời lâu nhất trong số các phiên bản.

Microsoft cũng từng cho ra mắt những quả bom xịt. Một số vì công nghệ chưa đủ hoàn thiện, được cải thiện qua các bản cập nhật. Một số thì chỉ đơn giản là … tệ.

Dưới đây là 7 phiên bản Windows bị người dùng "ghét" nhất

1. Windows 1.0

Ngày ra mắt: Tháng 11 năm 1985

Phiên bản Windows đầu tiên (Ảnh: ZDnet)

Phiên bản Windows đầu tiên (Ảnh: ZDnet)

Microsoft đã có một số kinh nghiệm với giao diện đồ họa hướng người dùng (graphics user-interfaces - GUIs) do đã cùng Apple phát triển ứng dụng cho Mac vào năm trước đó. Công ty đã tự phát triển GUI cho riêng mình trên nền DOS. Đó là một ứng dụng sandbox có giao diện đồ họa và khả năng đa nhiệm có thể chạy các ứng dụng DOS và các ứng dụng được lập trình cho riêng Windows.

Ban đầu truyền thông ghét bỏ sản phẩm này vì các vấn đề về hiệu năng và thiếu tài liệu hướng dẫn cho người mới dùng. Thêm vào đó, hầu hết máy tính thời đó không thể chạy nó vì phần cứng không đủ mạnh.

2. Windows/386 2.10

Ngày ra mắt: tháng 5 năm 1988

Windows/386 2.10 (Ảnh: ZDnet)

Windows/386 2.10 (Ảnh: ZDnet)

Windows 2.1 ra mắt với hai biến thể, một dành cho vi xử lý Intel 80286 16-bit và một dành cho Intel 80386 32-bit. Biến thể 386 cho phép chạy trong chế độ bảo vệ, cho phép các ứng dụng và GUI chạy trên nền chức năng giả lập lại kiến trúc tập lệnh của vi xử lý 2086. Điều này tạo ra khả năng đa nhiệm có chọn lọc - một thành tựu lớn cho các hệ điều hành PC. MS-DOS chỉ cho phép 1 ứng dụng chạy 1 lúc, trong khi Win 386 cho phép ứng dụng DOS chạy nền, mặc dù các ứng dụng cần truy xuất thông tin thời gian thực vẫn gặp trục trặc.

Tuy nhiên Win 386 chạy không ổn định. Một ví dụ là trình quản lý bộ nhớ không tương thích với trình quản lý của DOS. Điều đó nghĩa là một vài ứng dụng muốn chạy được thì phải boot bằng đĩa mềm rồi reboot vào DOS. Khó mà hiểu tại sao Microsoft để người dùng phải trải qua gian nan như vậy, thế mà người ta vẫn phải cắn răng mà làm. Nhiều lỗi khác nữa được cải thiện vào Windows 3.0 ra mắt năm 1990.

3. Windows NT 3.1

Ra mắt: tháng 7 năm 1993

Windows NT 3.1 (Ảnh: ZDnet)

Windows NT 3.1 (Ảnh: ZDnet)

Mặc dù phiên bản này là nền tảng cho nhân kernel mà các phiên bản hiện đại đều sử dụng, Win NT 3.1 lại gặp phải một khởi đầu gian nan. Ban đầu, Windows NT 3.1 chỉ bản làm lại của hệ điều hành OS/2 3.0 mà Microsoft và IBM đã cùng hợp tác phát triển. Khi đường ai nấy đi, Microsoft quyết định tạo ra Windows NT theo tầm nhìn riêng và thuê Dave Cutler từ DEC, kiến trúc sư tạo ra hệ điều hành VMS, làm vị trí chủ chốt trong nhóm phát triển. Trong khi OS/2 3.0 có giao diện cửa sổ giống Windows 3.1, hai hệ điều hành có khác biệt lớn về kiến trúc.

Windows NT có chế độ bảo vệ tích hợp sẵn, tương thích vi xử lý đa nhân, có khả năng đa nhiệm, đa người dùng, không phụ thuộc vào kiến trúc của vi xử lý. Tuy nhiên nó chỉ chạy các ứng dụng Win32 được lập trình riêng cho Windows. Các ứng dụng 16-bit trước đó không thể chạy được, hoặc chạy chậm, cũng như khả năng tương thích ngược với DOS rất kém.

Thêm vào đó, phiên bản này cũng rất đắt tiền (giá dành cho máy trạm là $500), với yêu cầu phần cứng rất cao so với mặt bằng thời bấy giờ (vi xử lý 386 tối thiểu với 12MB bộ nhớ), và chạy tốt nhất trên các hệ thống không sử dụng chip Intel như DEC Alpha và MIPS.

4. Windows Me

Ra mắt: tháng 9 năm 2000

Windows Me (Ảnh: ZDnet)

Windows Me (Ảnh: ZDnet)

Windows Millenium Edition, hay ME, ra mắt như một sự tân trang lại của Windows 98 (lại là một sự tân trang của Win 95), trước khi chuyển đổi sang nền tảng NT với Windows XP.

Windows Me đi kèm với Internet Explorer đã cập nhật và Windows Media player mà người dùng Win 98 và 95 đều có thể cài như gói bổ sung add-ons. Tưởng tốt, ai dè Windows Me lại hay lỗi, thiếu hỗ trợ cho các ứng dụng legacy chế độ real-mode như phiên bản trước, không tối ưu cho phần cứng PC hiện đại như Windows 2000 - phiên bản dành cho doanh nghiệp được ra mắt cùng thời điểm.

Phải tới một năm sau thì Windows XP với nền tảng NT ra mắt và trở thành phiên bản thành công nhất trong lịch sử.

5. Windows Vista

Ra mắt: tháng 1 năm 2007

Giao diện của Windows Vista (Ảnh: ZDnet)

Giao diện của Windows Vista (Ảnh: ZDnet)

Chỉ cần tới Windows Vista, những người trong giới công nghệ sẽ bật cười. Windows Vista tệ ở chỗ yêu cầu phần cứng cao, điều kiện bản quyền rườm rà, khởi động chậm, lỗi tương thích phần mềm, ứng dụng công nghệ DRM gây khó chịu cũng như thông báo xin cấp quyền liên tục từ User Account Control khiến người dùng cảm thấy bực mình.

6. Windows 8

Ra mắt: tháng 8 năm 2012

Windows 8 (Ảnh: ZDnet)

Windows 8 (Ảnh: ZDnet)

Trong khi cơ bản hệ điều hành này không khác nhiều Windows 7, chính giao diện mới dạng khối có tên “Metro” với các Live Tiles và sự loại bỏ của Start menu là lý do Windows 8 trở thành một thảm họa.

Microsoft cố gắng đồng nhất giao diện Windows 8 trên máy PC và máy tính bảng, thậm chí cả Windows Phone, nhưng cách này không mấy hiệu quả. Live Tiles vẫn còn trên Windows 10 nhưng ít gây chướng mắt hơn và đang dần bị loại bỏ trong Windows 11.

7. Windows 11

Ra mắt: mùa thu 2021

Windows 11 (Ảnh: ZDnet)

Windows 11 (Ảnh: ZDnet)

Vẫn còn quá sớm để nói liệu Windows 11 có bị ghét không, một phần vì vẫn còn chưa được phát hành. Nhưng nhiều người đã tỏ ra thất vọng khi biết về yêu cầu phần cứng bao gồm module Trusted Platform 2.0 (TPM 2.0) và tối thiểu các hệ thống Intel x86 thế hệ 8 trở đi. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều PC sẽ bị bỏ lại.

Dù sẵn sàng hay không, Windows 11 sẽ khiến hàng triệu hệ thống đang chạy Windows 10 bị bỏ rơi sau tháng 1 năm 2025 khi Microsoft không còn hỗ trợ cập nhật. Yêu cầu quá cao trong khi bản cập nhật không có thay đổi gì quá lớn hơn là giao diện có thể sẽ khiến nhiều fan Microsoft quay lưng.

Theo ZDnet