|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty đa cấp Liên kết Việt) được cấp phép kinh doanh từ ngày 10/2/2014, với người “sáng lập” là Lê Xuân Giang làm chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty. Tuy nhiên Lê Xuân Giang chẳng biết gì về kinh doanh đa cấp.
Theo thông tin đăng ký, công ty Liên kết Việt là công ty con của bộ Bộ Quốc phòng, có trụ sở tại số 10, ngõ 80 đường Trần Duy Hưng, Hà Nội.
Để tạo lòng tin và thu hút sự đầu tư của khách hàng, Nguyễn Thị Thủy - người từng có kinh nghiệm kinh doanh đa cấp (trước đó Thủy đã từng làm việc cho Công ty Sinh Lợi, nay là Công ty Thiên Ngọc Minh Uy) - và ekip của mình đã tổ chức nhiều sự kiện, mời nhiều sĩ quan, tướng, tá quân đội nghỉ hưu tham dự. Thậm chí Giang còn bố trí cho các sĩ quan quân đội về hưu trao bằng khen giả, trực tiếp quảng cáo sản phẩm mà công ty bán để khách hàng nhầm tưởng hai công ty trên là công ty của Bộ Quốc phòng.
Thậm chí, cuối năm 2014, Giang còn vào Sài Gòn gặp một người để nhờ “chạy” 12 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để tặng cho Công ty BQP, Liên kết Việt, Lê Xuân Giang và một số lãnh đạo của Công ty Liên kết Việt. Tất nhiên, tất cả các quyết định và bằng khen này đều được làm giả. Sau đó, Công ty Liên kết Việt đã rầm rộ tổ chức các lễ đón bằng khen (giả) để tạo uy tín đánh lừa khách hàng.
Ngoài ra, chúng tổ chức các đại hội hoa hồng, lễ đón nhận các danh hiệu, khen thưởng một cách hoành tráng ở những nơi như Thiên đường Bảo Sơn, Trung tâm văn hóa quận Thanh Xuân, Bảo tàng Hà Nội và ngay trụ sở Công ty…, chi thưởng cho các nhà phân phối top đầu những phần thưởng cực lớn như căn hộ trị giá 1,8 tỷ đồng, ô tô trị giá 1 tỷ, xe máy SH, Vission….
Cùng với Công ty Liên Kết Việt, Giang còn thành lập Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế BQP (Công ty BQP) (để mọi người nhầm tưởng là Bộ Quốc phòng).
Vào thời điểm tháng 1/2014, Công ty BQP được Trung ương Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ tặng danh hiệu “chứng nhận Công ty Cổ phần tập đoàn thiết bị y tế Bộ Quốc phòng đạt danh hiệu thương hiệu sản phẩm Việt Nam phát triển bền vững”.
Việc nhầm lẫn này là do trong hồ sơ của Công ty BQP gửi lên ghi là Bộ Quốc phòng. Mà bản thân Giang cũng mong muốn sự nhầm lẫn như thế nên khi có danh hiệu, dù nhầm tên, anh ta vẫn đưa danh hiệu này lên website www.lkv.com.vn, treo tại Công ty và trên toàn hệ thống của Công ty trong cả nước.
Cơ quan điều tra xác định, Lê Xuân Giang đã ký hợp đồng bán hàng và yêu cầu khách hàng nộp tiền, ban hành các chương trình trả thưởng, khuyến mại theo tỉ lệ trên 65% tổng doanh thu (theo quy định của Bộ Công thương là 40%).
Với vỏ bọc Bộ Quốc phòng và chiêu trò chi trả tiền hoa hồng siêu cao như trên, từ tháng 3/2014 đến tháng 11/2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở rộng mạng lưới phát triển 34 chi nhánh, văn phòng, đại lý tại 27 tỉnh thành, lôi kéo 66.880 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền hơn 2.091 tỷ đồng.
Với số tiền thu được, Giang đã chi cho các nhà phân phối, chi hoạt động của công ty tổng số tiền hơn 1.113 tỷ đồng. Như vậy, các bị can đã sử dụng số tiền còn lại và phải chịu trách nhiệm là hơn 978 tỷ đồng.
Cá nhân Lê Xuân Giang phải chịu trách nhiệm hơn 871 tỷ đồng (bản thân Giang khai cũng không nhớ hết chi tiêu khoản gì vì không biết hồ sơ, sổ sách kế toán thế nào); Nguyễn Thị Thủy hưởng lợi cá nhân 36,4 tỷ đồng; Lê Văn Tú hưởng lợi 61,9 tỷ đồng; Trịnh Xuân Sáng hưởng lợi 15,4 tỷ đồng; Lê Thanh Sơn hưởng gần 8 tỷ đồng; Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường mỗi bị can hưởng lợi hơn 4 tỷ đồng.
Trong khi đó, đến nay cơ quan CSĐT- Bộ Công an chỉ tạm giữ được gần 148 tỷ đồng của Lê Xuân Giang (chưa tính tài sản kê biên). Như vậy, khả năng người bị hại được hoàn trả toàn bộ số tiền bị thiệt hại là không thể.